Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử đi vào cuộc sống

Ngày đăng: 09/01/2021 16:45:00

Khác với Nghị định trước đây chỉ gồm những quy định khung nhằm làm rõ hơn các nguyên tắc của Luật Giao dịch điện tử đối với việc sử dụng thông điệp dữ liệu trong hoạt động thương mại, Nghị định mới về Thương mại điện tử quy định cụ thể về các hoạt động thương mại điện tử cũng như công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, với mục tiêu thiết lập hành lang pháp lý cho các giao dịch thương mại điện tử được tiến hành một cách minh bạch, trên cơ sở cạnh tranh lành mạnh, qua đó tạo điều kiện để thương mại điện tử phát triển, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và xây dựng các tập quán thương mại hiện đại cho Việt Nam.

Nghị định gồm 80 Điều chia thành 7 chương với bố cục như sau:

– Chương 1 “Những quy định chung” quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ, các hành vi nghiêm cấm trong thương mại điện tử. Chương này cũng quy định hai nội dung quan trọng của quản lý nhà nước về thương mại điện tử là Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia và hoạt động thống kê thương mại điện tử.

– Chương 2 “Giao kết hợp đồng trong thương mại điện tử” quy định hai nội dung lớn là giá trị pháp lý của chứng từ điện tử trong giao dịch thương mại và quy trình giao kết hợp đồng sử dụng chức năng đặt hàng trực tuyến trên website thương mại điện tử.

– Chương 3 “Hoạt động thương mại điện tử” quy định các nguyên tắc hoạt động thương mại điện tử, phân loại các chủ thể tham gia hoạt động thương mại điện tử và các hình thức website thương mại điện tử. Chương này quy định cụ thể về hoạt động của từng loại hình website thương mại điện tử, những nội dung thông tin cần có trên website và quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia hoạt động thương mại điện tử trên website.

– Chương 4 “Quản lý hoạt động thương mại điện tử” quy định cụ thể về quản lý nhà nước đối với từng loại hình website nêu tại Chương 3: website thương mại điện tử bán hàng và các website dịch vụ thương mại điện tử đặc thù (bao gồm sàn giao dịch thương mại điện tử, website khuyến mại trực tuyến, website đấu giá trực tuyến). Chương 4 cũng quy định cho các tổ chức và thương nhân thực hiện một số chức năng đặc thù về giám sát, hỗ trợ hoạt động ứng dụng thương mại điện tử trong doanh nghiệp như chức năng đánh giá và cấp chứng nhận website thương mại điện tử uy tín, chức năng đánh giá và chứng thực chính sách bảo vệ thông tin cá nhân của thương nhân, tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại điện tử, chức năng chứng thực hợp đồng điện tử trong giao dịch thương mại điện tử.

– Chương 5 “An toàn an ninh trong giao dịch thương mại điện tử” quy định hai nội dung lớn về bảo vệ thông tin cá nhân trong thương mại điện tử và an toàn thanh toán trong thương mại điện tử. Chương này quy định cụ thể trách nhiệm của các thương nhân, tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ thông tin cá nhân của khách hàng khi tiến hành kinh doanh thương mại điện tử, đồng thời chi tiết hóa một số yêu cầu mang tính kỹ thuật đối với thương nhân, tổ chức, cá nhân sở hữu website thương mại điện tử có chức năng thanh toán trực tuyến nhằm đảm bảo an toàn cho khách hàng khi tiến hành thanh toán.

– Chương 6 “Giải quyết tranh chấp, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm” quy định các nguyên tắc giải quyết tranh chấp trong thương mại điện tử và thẩm quyền tiếp nhận khiếu nại tố cáo, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong thương mại điện tử

.- Chương 7 “Điều khoản thi hành” gồm 2 Điều quy định về trách nhiệm thi hành và hiệu lực thi hành Nghị định.Nghị định quy định cụ thể ba cấp độ quản lý đối với hoạt động thương mại điện tử: 1) Các thương nhân, tổ chức, cá nhân khi thiết lập website thương mại điện tử bán hàng phải làm thủ tục thông báo với cơ quan quản lý nhà nước; 2) Các thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc tổ chức đánh giá tín nhiệm website thương mại điện tử phải làm tiến hành đăng ký; 3) Các tổ chức đánh giá và chứng nhận chính sách bảo vệ thông tin cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử phải xin cấp phép trước khi hoạt động.

Các thủ tục thông báo website thương mại điện tử bán hàng và đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử được thực hiện trực tuyến tại Cổng thông tin Quản lý hoạt động Thương mại điện tử do Bộ Công Thương chủ trì. Cổng thông tin này cũng là nơi công bố công khai danh sách các website đã thực hiện thủ tục thông báo, đăng ký và các website vi phạm quy định pháp luật, đồng thời là nơi tiếp nhận ý kiến phản ánh của người dân về các website thương mại điện tử có hành vi vi phạm để xử lý.

Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về Thương mại điện tử có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2013. Các website thương mại điện tử được thành lập và hoạt động trước ngày Nghị định có hiệu lực phải tiến hành thông báo hoặc đăng ký theo quy định tại Nghị định này trong vòng 90 ngày kể từ ngày hiệu lực của Nghị định.

Sau hơn một năm kể từ ngày Nghị định có hiệu lực, nhiều đơn vị đã tiến hành thủ tục thông báo đối với website thương mại điện tử và thủ tục đăng ký với các sàn thương mại điện tử.

Những hành vi vi phạm các quy định của Nghị định số 52 sẽ bị xử lý theo Nghị định số 185/2013/NĐ-CP về xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại và các quy định pháp luật khác.

Toàn văn Nghị định số 52/2013/NĐ-CP

 

Viết bình luận của bạn