Nghị định quản lý phát thanh, truyền hình: Tâm điểm là truyền hình trả tiền

Ngày đăng: 2014-07-23

Cả nước có hơn 6,3 triệu thuê bao truyền hình trả tiền

 

Phiên họp đầu tiên của Ban Soạn thảo xây dựng Nghị định của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình vừa diễn ra chiều ngày 22/7/2014 ở trụ sở Bộ TT&TT dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn. Quản lý hoạt động truyền hình trả tiền là nội dung được bàn thảo nhiều nhất trong phiên họp.

 

Ông Nguyễn Hà Yên, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Tổ phó Tổ Biên tập xây dựng Nghị định nêu trên cho biết: Hoạt động truyền hình trả tiền bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam từ năm 1995 với dịch vụ truyền hình viba nhiều kênh MMDS (6 kênh truyền hình) do Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật cáp MMDS của Đài Truyền hình Việt Nam cung cấp. Từ năm 2001 bắt đầu xuất hiện nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình cáp tại Hà Nội và một số tỉnh, thành phố. Đến năm 2004, dịch vụ truyền hình vệ tinh DTH chính thức được Công ty VCTV Đài Truyền hình Việt Nam triển khai phát sóng trên toàn quốc. Sau hơn 10 năm hình thành và phát triển, thị trường dịch vụ truyền hình trả tiền đã có sự tham gia của gần 60 đơn vị cung cấp dịch vụ, gần như tỉnh/thành phố nào cũng có đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình cáp (trừ Lai Châu). Đến năm 2011, số lượng thuê bao truyền hình trả tiền trên toàn quốc đạt xấp xỉ 4 triệu thuê bao.

 

Giai đoạn trước năm 2011, hoạt động truyền hình trả tiền được quản lý theo các quy định của pháp luật về báo chí, sở cứ chính là Quyết định số 72/2002/QĐ-TTg ngày 18/6/2002. Trong đó truyền hình trả tiền (pay TV) là một loại cơ quan báo hình sử dụng các phương tiện kỹ thuật khác nhau (viba nhiều kênh – MMDS, cáp – CATV, vệ tinh…) để phát các chương trình truyền hình đến người xem theo hợp đồng trả tiền. Việc cấp phép, quản lý hoạt động của cơ quan truyền hình trả tiền được thực hiện theo các quy định của Nhà nước đối với cơ quan báo chí.

 

Ngày 24/3/2011, Thủ tướng ký Quyết định số 20 ban hành Quy chế quản lý các hoạt động truyền hình trả tiền. Theo đó, nội dung thông tin được quản lý theo quy định của pháp luật về báo chí, hạ tầng truyền dẫn phát sóng được quản lý theo quy định của pháp luật về viễn thông và cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền theo quy định của pháp luật chuyên ngành phát thanh, truyền hình.

 

Sau 3 năm triển khai theo Quyết định 20, các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trên toàn quốc đã kiện toàn và nâng cao quy mô, khả năng và nguồn lực doanh nghiệp. Từ gần 60 đầu mối phân tán đã từng bước củng cố, sắp xếp thành trên 30 đầu mối. Từ 2 dịch vụ chủ đạo là truyền hình cáp tương tự và truyền hình vệ tinh đã phát triển thêm các dịch vụ truyền hình cáp số DVB-C, truyền hình cáp giao thức IP (IPTV), truyền hình di động (mobile TV). Số lượng thuê bao truyền hình trả tiền đến 31/12/2013 đã tăng đến 6,3 triệu thuê bao.

 

Tuy nhiên, trên thực tế cũng xuất hiện nhiều bất cập trong hoạt động cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền. Điển hình như tình huống 1 đơn vị sở hữu chi phí nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền và có hiện tượng độc quyền nội dung dịch vụ đối với một số kênh chương trình có ảnh hưởng xã hội, những yếu tố này sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển lành mạnh của thị trường dịch vụ. Hiện rất cần có những cơ chế, chính sách quản lý truyền hình trả tiền phù hợp hơn với sự phát triển của thực tiễn để đảm bảo cho thị trường phát triển lành mạnh.

 

 

Cần có những thay đổi về chính sách quản lý Nhà nước trong lĩnh vực truyền hình trả tiền để thích ứng với thực tiễn phát triển công nghệ.

Ảnh minh họa

Nguồn: Internet

 

Cần nâng tầm quản lý trước xu thế công nghệ mới

Nhìn rộng hơn về lĩnh vực phát thanh truyền hình tại Việt Nam, đại diện Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử lưu ý: Hạ tầng kỹ thuật truyền dẫn phát sóng phát thanh truyền hình đang đứng trước xu thế số hóa rất nhanh, tạo áp lực quản lý Nhà nước về nội dung, hạ tầng và dịch vụ trong bối cảnh hội tụ công nghệ và dịch vụ diễn ra mạnh mẽ. Trên một kênh sóng truyền hình (độ rộng 8 Mhz) hiện đã có thể truyền được đến gần 30 kênh chương trình truyền hình kỹ thuật số với độ phân giải hình ảnh tiêu chuẩn. Với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình truyền thống, trên hạ tầng truyền dẫn sẵn có đã triển khai cung cấp dịch vụ viễn thông như thoại IP, Internet băng rộng… Với các doanh nghiệp viễn thông, trên hạ tầng viễn thông sẵn có đã triển khai cung cấp dịch vụ truyền hình giao thức IP, truyền hình di động. Hơn nữa, các loại truyền hình quảng bá kỹ thuật số mặt đất, qua vệ tinh và phát thanh, truyền hình trên mạng Internet đang phát triển mạnh, tạo thành kênh truyền thông mới cung cấp các chương trình quảng bá theo yêu cầu đến người xem không chỉ trong nước mà cả ở nước ngoài, ví dụ OTT TV, web TV, P2P TV…

 

“Đứng trước xu hướng hội tụ công nghệ và dịch vụ, sự phát triển mạnh mẽ của thị trường, các chính sách quản lý Nhà nước cần có những thay đổi để thích ứng điều kiện thực tiễn. Cần phải xây dựng một văn bản quản lý ở tầm Nghị định của Chính phủ để quy định bao quát hơn, cụ thể hơn và sát với thực tiễn phát triển của dịch vụ phát thanh, truyền hình nói chung và dịch vụ truyền hình trả tiền nói riêng”, đại diện Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử nhấn mạnh.

 

Ngay tại phiên họp đầu tiên của Ban Soạn thảo chiều nay, các thành viên của Ban Soạn thảo đến từ nhiều Bộ, ngành, cơ quan như Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch & Đầu tư… đã đóng góp rất nhiều ý kiến chi tiết vào dự thảo Nghị định.

 

Với tư cách Trưởng Ban Soạn thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn yêu cầu Tổ Biên tập, Ban Soạn thảo cần tiếp thu nghiêm túc các ý kiến và đảm bảo tiến độ xây dựng dự thảo Nghị định. Dự kiến ngày 15/12/2014, dự thảo Nghị định nêu trên sẽ được trình lên Thủ tướng Chính phủ.

 

Theo ICT NEWS

Các bài viết liên quan:

 

Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử đi vào cuộc sống

 

Ngăn chặn hàng giả, hàng nhái trên môi trường TMĐT

 

Nhiều website thương mại điện tử có nguy cơ bị phạt

 

Làm thế nào để website giảm thiểu vi phạm hành chính?

 Tags: