Nắm bắt các xu hướng mới trong thương mại điện tử

Ngày đăng: 09/01/2021 16:22:00

Internet chính thức xuất hiện tại Việt Nam từ năm 1997. Sau 15 năm, Internet đã thâm nhập sâu sắc và toàn diện vào mọi lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội. Trên nền tảng công nghệ Internet, thương mại điện tử ở Việt Nam đã hình thành và phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây.

Kết quả điều tra sơ bộ tình hình ứng dụng thương mại điện tử tại các doanh nghiệp phục vụ Chương trình Chỉ số thương mại điện tử 2012 cho thấy hầu hết các doanh nghiệp đã sử dụng email trong hoạt động kinh doanh với các mục tiêu chủ yếu là quảng bá, giới thiệu doanh nghiệp, trao đổi thông tin kinh doanh và chăm sóc khách hàng. Trên 40% doanh nghiệp tham gia điều tra có website và 12% doanh nghiệp tham gia các sàn thương mại điện tử. Hoạt động kinh doanh trên các website liên tục tăng về chất lượng với 36% các website cho phép đặt hàng trực tuyến, 20% doanh nghiệp cho biết tham gia các sàn thương mại điện tử mang lại hiệu quả cao.

Môi trường kinh doanh trực tuyến tạo ra rất nhiều cơ hội nhưng cũng tạo ra áp lực cạnh tranh gay gắt. Doanh nghiệp nào nắm bắt được xu hướng mới có thể lớn mạnh rất nhanh, trong khi đó doanh nghiệp nào lỗi nhịp với xu hướng mới có thể mất khách hàng trong một thời gian ngắn.

Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam nhận thấy việc nắm bắt xu hướng phát triển thương mại điện tử trong giai đoạn tới là rất cần thiết cho các doanh nghiệp ứng dụng và kinh doanh thương mại điện tử. Tại Hội thảo Xu hướng phát triển thương mại điện tử này đã có nhiều bài trình bày hấp dẫn, giới thiệu một cách rõ ràng những xu hướng mới về công nghệ cũng như kinh doanh. Trước hết, mọi doanh nghiệp cần phải tìm hiểu những cơ hội to lớn mà điện toán đám mây có thể đem lại. Đặc biệt, với điện toán đám mây các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể điều chỉnh chiến lược đầu tư cho hạ tầng công nghệ thông tin theo hướng thuê dịch vụ và tập trung nguồn lực cho hoạt động kinh doanh trực tuyến. Sự phát triển nhanh chóng của các thiết bị di động thông minh mở ra cơ hội kinh doanh to lớn cho rất nhiều lĩnh vực kinh doanh, đồng thời cũng đặt ra thách thức to lớn cho những doanh nghiệp không quan tâm thỏa đáng tới môi trường mới này.

 

PGS.TS Lê Danh Vĩnh phát biểu khai mạc Hội thảo

 

Những xu hướng mới trong tiếp thị trực tuyến và thanh toán trên nền tảng công nghệ Internet cũng tác động sâu sắc tới mọi doanh nghiệp. Nhận thức được tầm quan trọng của sự hiện diện trên môi trường Internet là quan trọng, nhưng quan trọng hơn là phải đạt được các mục tiêu tiếp thị một cách hiệu quả nhất. Đồng thời, thanh toán trực tuyến một cách tiện lợi và an toàn không chỉ có ý nghĩa sống còn đối với các ngân hàng mà còn đối với mọi doanh nghiệp muốn thành công trong bán hàng trực tuyến.

Sự bùng nổ của hoạt động trao đổi thông tin trên các mạng xã hội đã mang lại cơ hội mới cho mọi doanh nghiệp. Có thể thấy ở các nước phát triển tỷ lệ các doanh nghiệp xuất hiện trên các mạng xã hội là rất cao. Các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt xu hướng mới này để phục vụ hoạt động kinh doanh của mình một cách hiệu quả nhất.

Nắm bắt các xu hướng mới trong thương mại điện tử đã khó, nhưng còn khó hơn khi thay đổi chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp phù hợp với các xu hướng mới này trong bối cảnh nguồn nhân lực chất lượng cao về thương mại điện tử còn khan hiếm. Ngày càng nhiều người Việt Nam, đặc biệt là tầng lớp thanh niên sinh viên mơ ước trở thành doanh nhân thành đạt với thương mại điện tử. Nhưng tỷ lệ thành công của họ dường như còn thấp. Hội thảo đã quan tâm tới chìa khóa cho sự phát triển thành công của thương mại điện tử ở Việt Nam, đó là vấn đề đào tạo nguồn nhân lực thương mại điện tử chất lượng cao với xu hướng tất yếu là đẩy mạnh đào tạo trực tuyến và tăng cường hợp tác giữa các cơ sở đào tạo với các tổ chức, hiệp hội và doanh nghiệp.

Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam trân trọng cảm ơn Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin thuộc Bộ Công Thương đã nhiệt tình giúp đỡ, Hiệp hội Internet Việt Nam cùng phối hợp tổ chức hội thảo này. Hiệp hội cũng xin cám ơn sự ủng hộ của hai đơn vị tiên phong trong lĩnh vực ngân hàng điện tử là Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) và Ngân hàng Á Châu (ACB) và nhiều đơn vị truyền thông trong việc tổ chức và thông tin về hội thảo.

Các bài trình bày của diễn giả tại Hội thảo:

1. Reinvent E-Commerce with Cloud – Trần Việt Huân, Giám đốc công nghệ Phòng TNĐTĐM, IBM khu vực ASEAN

2. Tác động của IPv6 đối với thương mại điện tử – Nguyễn Lưu Hoàng, Đại diện Netnam

3. Thương mại điện tử trên Mobile – Bùi Quang Huy, Đại diện Viettel

4. Xu hướng Hợp tác Đào tạo Nguồn nhân lực cho Thương mại điện tử – TS. Nguyễn Văn Thoan, Đại học Ngoại thương

5. Thanh toán qua thiết bị di động, Tương lai của E-commerce – Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Khối bán lẻ Techcombank

6. Các xu hướng chính trong thương mại điện tử – Th.S Nguyễn Hòa Bình, Tổng Giám đốc PeaceSoft

7. Tiếp thị trực tuyến – Đỗ Thế Nghĩa, Online Marketing Director, Tập đoàn VNG

8. How your business will be better in a connected world – Huỳnh Kim Tước, Đại diện Facebook

 

Xem thêm ảnh về Hội thảo

Viết bình luận của bạn