Mốt xài ứng dụng “chùa” trên di động Việt, lợi bất cập hại

Ngày đăng: 2013-01-16

Câu chuyện của Apple

Apple đứng hàng đầu thế giới trong việc sản xuất các thiết bị phục vụ công việc cũng như giải trí như iPhone,iPad, Macbook, iPod… Bên cạnh việc hợp tác “có chừng mực” với một số đối tác, Apple còn tự triển khai các nội dung số và phần cứng. Sau nhiều năm, Apple đã hoàn thiện toàn bộ hệ thống phần mềm, ứng dụng của hãng và cung cấp một cách trực tuyến cho người dùng trên toàn cầu với các mức giá từ miễn phí cho tới vài chục USD. Người dùng các sản phẩm của Apple có thể truy cập vào kho App Store ứng dụng này để xem, tải về, dùng thử hoặc mua nếu thích.

Trong quá khứ, Apple đã từng chặn các giao dịch mua bán phần mềm với người dùng ở Việt Nam. “Sự việc bắt nguồn khi một hacker Việt Nam tấn công người dùng App Store của Apple để thu lợi bất chính”, mô tả trên một diễn đàn chuyên về Công nghệ cho hay. “Đầu tháng 7-2010, một hacker có tên ThuatNguyen bị nghi ăn cắp tài khoản iTunes của nhiều người và dùng tài khoản đó để mua ứng dụng của mình như một hành vi rửa tiền. Ngay sau đó, Apple đã xóa tài khoản của Thuat Nguyen và một đại diện của hãng cũng thừa nhận ThuatNguyen đã ăn cắp khoảng 400 tài khoản iTunes”. Ngay sau đó, Apple đã cấm không cho địa chỉ IP đến từ Việt Nam sử dụng tài khoản iTunes truy cập vào App Store đồng thời ngừng hẳn việc cho phép đăng ký mới để sử dụng dịch vụ ngay sau khi phát hiện thêm về việc người dùng Việt Nam sử dụng các tài khoản ăn trộm để mua ứng dụng trên App Store.

Thói quen dùng “chùa”

Theo các nhà quan sát, thực trạng dùng “chùa” phần mềm hoặc dùng các biện pháp không minh bạch để mở khóa phần mềm để sử dụng mà không phải trả phí là hành động diễn ra rất thường gặp ở Việt Nam. Theo Liên minh phần mềm doanh nghiệp (BSA) công bố ngày 17/5/2012, tỉ lệ vi phạm bản quyền phần mềm máy tính của Việt Nam năm 2011 rất cao, đến 81%. “Thói quen dùng chùa phần mềm đã manh nha ở Việt Nam từ rất lâu, khi mà các máy tính đầu tiên được giới thiệu vào Việt Nam. Khi đó, toàn bộ các game, hệ điều hành… đều không được mua bản quyền mà được bẻ khóa trực tiếp và sử dụng lậu. Thói quen mua bản quyền phần mềm dường như là một thói quen xa xỉ mà nó vẫn còn tiếp tục đến ngày nay”. Khi được hỏi về lý do dùng phần mềm lậu, nhiều thành viên trên một diễn đàn chuyên về smartphone đã đặt câu hỏi ngược lại “tại sao lại phải bỏ tiền mua phần mềm trong khi có thể dùng nó miễn phí và ai quanh chúng ta (ở Việt Nam) cũng làm y chang như vậy”.

Dường như tâm lý dùng “chùa” các sản phẩm ứng dụng đang là trở ngại chính ngăn cản các nhà phát triển phần mềm nước ngoài tìm đến Việt Nam. “Trước kia, có rất nhiều cá nhân, tổ chức kinh doanh trong lĩnh vực phần mềm như Gameloft, Melonmobile… đã tạo ra nhiều phiên bản hay để mang đến chào hàng tại Việt Nam nhưng các phần mềm này liên tục bị phá mã và nhà sản xuất không thu được lợi nhuận nào. Cuối cùng, họ phải rút khỏi Việt Nam”, Liêm – một nhà phát triển ứng dụng cho BlackBerry OS nói. “Tôi cũng đã từng làm nhiều ứng dụng cho iOS, BlackBerry OS để người Việt Nam và người nước ngoài dùng nhưng so sánh giá trị giao dịch thì không ai bỏ tiền mua ứng dụng phiên bản cho người Việt còn các phiên bản cho nước ngoài lại có đông người mua”.

Cái giá phải trả

Sự việc dùng “chùa” không đơn thuần dừng lại ở mức độ các hãng không tiếp tục ra các phiên bản phần mềm cho người Việt mà thậm chí đã đặt ra các công thức kiểm soát mới nhằm ngăn chặn người dùng đến từ Việt Nam. “Cách thức đơn giản nhất là phần mềm tự động gửi truy cập Internet để biết IP người đang dùng phần mềm đến từ đâu. Nếu là từ Việt Nam thì nó sẽ tự tắt hoặc khóa hẳn ứng dụng để không cho người dùng tiếp tục sử dụng”, một thành viên trên diễn đàn Tinhte khẳng định. “Tuy nhiên, nhiều hacker đã đi xa hơn bằng cách chỉnh lại mã nguồn để vô hiệu hóa mọi biện pháp tự vệ của phần mềm đó và đưa lên mạng để tất cả cùng xài “chùa”. Nhưng lợi dụng điều này, hacker chèn mã độc vào các phần mềm để có thể lấy cắp các thông tin bí mật, nhạy cảm trong máy của nạn nhân”.

Như vậy, vô hình chung, từ một thói quen và thái độ cư xử thiếu trách nhiệm và không minh bạch, người tiêu dùng Việt Nam tự khiến mình bị thiệt hại thậm chí còn nhiều hơn việc bỏ tiền mua một phần mềm. “Điều đáng nói là mọi người không bao giờ tìm đến các trang App Store chứa phần mềm đã được kiểm tra kỹ của nhà sản xuất hệ điều hành cho di động để tải mà lại đến các website chợ đen tìm phần mềm. Cuối cùng, họ tự rước họa cho bản thân mà cũng không hề hay biết”.

Nguồn: Hồng Quyên, XHTT

Các bài liên quan:

Amazon đang trở nên đáng sợ giống Apple

Apple bắt tay với MicroLatch để phát triển công nghệ nhận dạng vân tay

Apple bí mật tìm CEO mới thay thế Tim Cook

Apple, Samsung bất ngờ dàn hòa vụ kiện lịch sử, ngoại trừ đất Mỹ