Logistics - chìa khóa giúp ASEAN phục hồi kinh tế

Ngày đăng: 29/10/2021 08:50:00

OECD nhận thấy cơ hội hàng tỷ USD từ ngành logistics có thể giúp hoạt động thương mại của ASEAN tăng trưởng ổn định.

Năm 2021, Brunei Darussalam giữ vai trò là nước chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với chủ đề "Chúng ta quan tâm, chúng ta chuẩn bị, chúng ta thịnh vượng". Quốc gia này phải đối mặt với nhiều khó khăn trong năm chủ tịch do chính biến tại Myanmar.

Các phương tiện ùn tắc trên con đường từ Malaysia vào Singapore trước khi đóng cửa biên giới vào tháng 3/2020. Ảnh: AFP

Bên cạnh khó khăn, nhiều quốc gia ASEAN đã làm tốt công tác chống dịch Covid-19 và tăng trưởng kinh tế đáng kể trong năm 2021. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) nhận thấy cơ hội trị giá hàng tỷ USD từ ngành logistics nếu các quốc gia này biết cách tận dụng với tư cách là một khối thương mại.

OECD khuyến nghị ASEAN nên thực hiện đầy đủ hiệp định ASEAN 16 năm về vận tải đa phương thức. Tổ chức này cũng đề xuất chỉ áp dụng một khuôn khổ tài liệu và giảm bớt thủ tục để các chuyến hàng lưu thông dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, các công ty sẽ được loại bỏ dần các yêu cầu về vốn tối thiểu, sử dụng hợp đồng bảo hiểm nhiều hơn, đầu tư trực tiếp nước ngoài nhiều hơn với các cơ chế sàng lọc...

Các lợi ích tiềm năng từ việc giảm chi phí vận chuyển hàng hóa cũng được OECD đánh giá cao, giúp tăng trưởng thương mại ở mức 4,5 tỷ USD mỗi năm - khoảng 1% GDP khu vực. Tuy nhiên, nhiều người tin con số thực tế có thể cao gấp 3 lần.

Chuyên gia cạnh tranh cấp cao tại OECD Ruben Maximiano lưu ý, chỉ có 4 thành viên ASEAN cung cấp dữ liệu để tạo ra ước tính 4,5 tỷ USD. Còn theo một nhà quan sát về tính cạnh tranh của ASEAN, cải thiện logistics bằng cách điều chỉnh pháp lý hầu như không tốn kém và đang hấp dẫn các chính phủ bị kiệt quệ tài chính.

Bên cạnh đó, một vấn đề cấp bách là thương mại đang bị kìm hãm, tình trạng thiếu hụt trầm trọng năng lực vận chuyển, chi phí tăng cao. Ngoài đường biển, giao thông đường bộ cũng bị ảnh hưởng do lo ngại về dịch Covid-19.

Ngay cả khi dịch bệnh chưa bùng phát, những tiến bộ trong ngành logistics vẫn luôn bị thách thức bởi sự phát triển kinh tế không đồng đều của các thành viên ASEAN. Singapore đứng thứ 7 toàn cầu trong bảng xếp hạng Chỉ số Hiệu suất Logistics năm 2018 của Ngân hàng Thế giới, tiếp theo là Thái Lan ở vị trí thứ 32. Quốc gia ASEAN có vị trí thấp nhất là Myanmar ở vị trí 137 và được dự báo còn giảm hạng mạnh trong năm nay. Nhiều chuyên gia cho rằng, tham nhũng chính là vấn đề mấu chốt kìm hãm sự phát triển của logistics tại khu vực Đông Nam Á.

Ông Maximiano thừa nhận: "Nếu các quốc gia không có một khuôn khổ pháp lý rõ ràng, điều đó dẫn đến không minh bạch và rủi ro kinh doanh". Ông cũng khẳng định nghiên cứu của OECD không bao gồm vấn đề tham nhũng, chỉ tập trung vào việc áp dụng thực tế các quy tắc và quy định.

"ASEAN được xây dựng dựa trên thương mại và đó là động cơ chính để các quốc gia tăng trưởng kinh tế. Nếu các hoạt động thương mại trong khu vực này là một kim tự tháp, logistics chính là đáy", chuyên gia của OECD khẳng định.

Theo vnexpress.vn

 Tags: logiticsvecom