(Hà Nội, ngày 5 tháng 9 năm 2024), Hiệp Hội Thương mại Điện tử (VECOM) phối hợp với Công ty TNHH Shopee khởi động Sáng kiến Trách nhiệm Xã hội Doanh nghiệp (CSR) của Shopee có tên gọi “Shopee Hỗ trợ Doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa Việt Nam” (Shopee Enbables SMEs). Bên cạnh đó hai bên đã có buổi lễ ký MOU nhằm phối hợp triển khai Sáng kiến “Shopee Hỗ trợ Doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa Việt Nam”.
Chương trình đặt mục tiêu thu hút 100.000 doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (SME) trên khắp cả nước nhằm phát triển năng lực và triển khai ứng dụng thương mại điện tử, tận dụng lợi thế công nghệ chuyển đổi doanh nghiệp và đời sống kinh tế thông qua đào tạo kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử. Tại buổi lễ có sự tham gia của ông Bùi Trung Kiên (Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử), bà Lại Việt Anh (Phó Cục trưởng Cục TMĐT và KTS, Bộ Công thương), Jason Bay, Country Head, SEA Limited - Giám đốc Quốc gia, SEA Limited; Ông Jaya Ratnam, đại sứ Singapore tại Việt Nam; Ông Goh Keng Phang, tham tán kinh tế Singapore tại Việt Nam, Ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc Điều hành Shopee tại Việt Nam
Toàn cảnh buổi lễ
Cam kết phát triển thương mại điện tử Việt Nam
Sáng kiến phản ánh cam kết của Shopee trong việc đầu tư vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) tại Việt Nam. Trong bài phát biểu tại lễ khởi động sáng kiến, ông Jason Bay, Giám đốc Quốc gia của SEA Limited, nhấn mạnh rằng Shopee cam kết phát triển hệ sinh thái thương mại điện tử nhằm mang lại lợi ích cho toàn xã hội, ưu tiên các SMEs Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, Shopee đã triển khai nhiều sáng kiến quan trọng. Shopee đã phối hợp với Chính phủ Việt Nam triển khai đào tạo kỹ năng thương mại điện tử cho các SMEs, tiếp cận gần 10.000 người bán hàng trong năm ngoái thông qua các hội thảo đào tạo từ trung ương đến địa phương. Bên cạnh đó, Shopee cũng mở rộng Chương trình Hỗ trợ Nhà bán Địa phương thông qua sáng kiến "Enabling Vietnam" (Chuyển đổi số Doanh nghiệp Việt qua Thương mại Điện tử), hỗ trợ hơn 1.000 nhà sản xuất địa phương nâng cao khả năng logistics, phân phối và gia tăng sự hiện diện của sản phẩm trên cả thị trường trong nước và xuất khẩu.
Hiện tại, hơn 90% sản phẩm trên Shopee được cung cấp và bán bởi các doanh nghiệp Việt Nam. Thêm vào đó, hơn 350.000 SMEs và hơn 1.000 thương hiệu Việt Nam đã được hỗ trợ phát triển thị trường ASEAN thông qua Nền tảng Quốc tế của Shopee, giúp giảm thiểu khó khăn và chi phí phát sinh khi đưa sản phẩm ra thị trường toàn cầu nhờ ứng dụng thương mại điện tử.
“Tôi rất vui mừng khi thấy hoạt động của Shopee đến nay phù hợp với chương trình nghị sự của Chính phủ Việt Nam. Tuần trước, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ban hành Chỉ thị số 29 về việc kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường trong nước. Thứ Hai tuần này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có bài viết quan trọng về: “Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”. Chúng tôi rất vui mừng khi mục tiêu quan trọng luôn nhận được sự chỉ đạo thường xuyên từ các cấp lãnh đạo cao nhất, của Chính phủ. Shopee cam kết đồng hành cùng Chính phủ hiện thực hóa những tham vọng này”, ông Jason Bay nhấn mạnh.
Đầu tư vào tương lai Việt Nam
Chương trình triển khai có sự ủng hộ và đồng hành của Đại sứ quán Singapore tại Hà Nội và Tổng lãnh sự quán Singapore tại Thành phố Hồ Chí Minh. Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Singapore tại Việt Nam Jaya Ratnam nhấn mạnh, Chương trình "Shopee Hỗ trợ Doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa SMEs" phản ánh trọng tâm hợp tác của hai nước đang chuyển sang kinh tế số, một lĩnh vực hợp tác tiềm năng to lớn. Cuộc cách mạng kỹ thuật số đang thay đổi cách con người sống, làm việc và kinh doanh, và điều cần thiết là các quan hệ đối tác của hai nước phải theo kịp sự chuyển đổi này.
“Bằng cách cung cấp cho các doanh nghiệp kiến thức và công cụ để hoạt động trong thị trường kinh tế số, Shopee giúp đảm bảo rằng các doanh nghiệp có thể cạnh tranh và phát triển trong nền kinh tế ngày càng toàn cầu hóa. Kinh tế số không chỉ là vấn đề công nghệ mà còn là việc trao quyền cho mọi người. Điểm mạnh thực sự của chương trình Shopee là sự tập trung vào việc xây dựng năng lực và nâng cao khả năng bền bỉ của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tại Việt Nam. Bằng cách đầu tư vào các doanh nghiệp này, Shopee đang đầu tư vào tương lai của nền kinh tế Việt Nam, góp phần tạo việc làm, thúc đẩy tăng trưởng và cải thiện sinh kế trên toàn quốc”, Đại sứ Jaya nhấn mạnh.
Đại sứ Singapore tại Việt Nam nhấn mạnh, Việt Nam là một trong những đối tác hàng đầu của Singapore. Khi nền kinh tế Việt Nam đang vươn lên chuỗi giá trị và hướng tới đổi mới để thúc đẩy tăng trưởng và chuyển đổi sang tương lai không phát thải ròng, Singapore và Việt Nam đã khởi động Quan hệ Đối tác Kinh tế Số và Kinh tế Xanh. Quan hệ này nhằm đưa nền kinh tế của hai nước lại gần nhau hơn, hỗ trợ lẫn nhau trong việc tận dụng các cơ hội từ hợp tác để thúc đẩy sự tăng trưởng và thịnh vượng trong tương lai của cả hai quốc gia.
“Tôi đánh giá cao sáng kiến của Shopee vì sự tận tâm đối với sự phát triển của khu vực doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tại Việt Nam và những nỗ lực không ngừng để đóng góp cho cộng đồng nơi họ hoạt động. Chương trình này là một ví dụ điển hình về cách các doanh nghiệp có thể thúc đẩy sự thay đổi tích cực và tạo ra tác động có ý nghĩa”, Đại sứ Jaya Ratnam nói.
Công nghệ chuyển đổi cuộc sống
"Shopee Hỗ trợ Doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa SMEs" không chỉ là một sáng kiến ngắn hạn; nó thể hiện cam kết lâu dài thúc đẩy nền kinh tế số của Việt Nam và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong việc phát triển và đóng góp vào nền kinh tế quốc gia. Shopee kỳ vọng chương trình này sẽ thúc đẩy mạnh mẽ các mục tiêu của nền kinh tế số Việt Nam và thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và Singapore trong lĩnh vực số. Tại buổi lễ, ông Jason Bay nhấn mạnh thông điệp này và cho hay:
“Thay vì thu hàng triệu đồng cho các khóa đào tạo từ bên thứ ba, Shopee và các đối tác cung cấp các khóa đào tạo này miễn phí. Chúng tôi tin tưởng vào việc phục vụ những đối tượng chưa được hỗ trợ đầy đủ và sử dụng công nghệ để cải thiện cuộc sống của mọi người”, ông Jason Bay nói.
Ông Bùi Trung Kiên, Phó Chủ tịch Hiệp Hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) cho hay, Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2024 do VECOM công bố, lĩnh vực thương mại điện tử của Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng trên 25% và đạt quy mô trên 25 tỷ USD.
“Tuy nhiên phần lớn thị trường vẫn chỉ tập trung ở hai trung tâm kinh tế là Hà Nội và TP. HCM. Còn rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh và các hợp tác xã trên cả nước chưa có cơ hội tiếp cận và ứng dụng thương mại điện tử một cách hiệu quả”, ông Kiên cho biết.
Tại buổi lễ, ông Bùi Trung Kiên – đại diện VECOM và ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc Điều hành Shopee Việt Nam đã ký kết Biên bản Ghi nhớ Hợp tác (MoU) phối hợp triển khai Sáng kiến “Shopee Hỗ trợ Doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa Việt Nam”. Theo đó, hai bên phối hợp đào tạo ứng dụng thương mại điện tử và các công cụ tiếp thị kỹ thuật số cho các doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành trên cả nước. Cùng với Shopee, Hiệp Hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp SMEs trên cả nước, hợp tác với các trường đại học có chuyên ngành thương mại điện tử để kết nối sinh viên tham gia chương trình cùng với doanh nghiệp.
Thông qua chương trình, hai bên nỗ lực thúc đẩy ứng dụng rộng rãi, phát triển thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng, từ đó thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các thành phố lớn và các địa phương về mức độ phát triển thương mại điện tử.
Để khởi động chương trình, Shopee và VECOM đã phối hợp với Sở Công thương Hà Nội triển khai khóa đào tạo đầu tiên “Shopee Hỗ trợ Doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa Việt Nam” cho hơn 200 doanh nghiệp và 100 sinh viên trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trong chương trình đào tạo đầu tiên, Shopee đã trang bị cho các doanh nghiệp SMEs và sinh viên:
- Những kiến thức cơ bản về thương mại điện tử
- Sử dụng các kênh tiếp thị số, bao gồm livestream, để tương tác với khách hàng và tăng cường nhận diện thương hiệu
- Phân tích và tối ưu hóa hiệu quả bán hàng
- Tăng trưởng doanh thu thông qua xuất khẩu
Xây dựng nội lực cho kinh tế số Việt Nam
Trong những năm qua, thị trường thương mại điện tử Việt Nam phát triển sôi động do hấp dẫn mạnh mẽ các doanh nghiệp nhỏ và hộ kinh doanh cá thể. Thương mại điện tử đã giúp họ phát triển nhanh và cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp lớn do rào cản gia nhập thương mại điện tử thấp hơn so với thị trường kinh doanh truyền thống, đặc biệt có thể giúp họ vươn ra thị trường trong nước và khu vực.
Tuy nhiên, các khảo sát thị trường của Shopee cho thấy, các hộ kinh doanh cá thể, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (SMEs) của Việt Nam gặp nhiều vấn đề khi tham gia thương mại điện tử và hiểu về thương mại điện tử. Do đó, một vấn đề nền tảng đó là các hộ kinh doanh, các doanh nghiệp cần sự hỗ trợ, đào tạo về các kỹ năng tiếp cận thương mại điện tử.
Với chương trình "Shopee Hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa SMEs”, 100.000 doanh nghiệp ở khắp 63 tỉnh thành sẽ được trang bị những kỹ năng và kiến thức thiết yếu để hiểu rõ xu hướng mua sắm của người tiêu dùng, từ đó phát triển doanh nghiệp của mình một cách phù hợp.