Ngày 25/06/2020, trong khuôn khổ Diễn đàn Toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam – VOBF 2020, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đã công bố Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam – EBI năm 2020.
Lễ trao chứng nhận EBI 2020 cho các Tỉnh, Thành phố điển hình trong việc thúc đẩy TMĐT trên địa bàn trong năm 2019
Nhằm đánh giá nhanh chóng mức độ ứng dụng thương mại điện tử và so sánh sự tiến bộ giữa các năm theo từng địa phương, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đã thực hiện khảo sát trên hàng nghìn doanh nghiệp mỗi năm và đưa ra báo cáo về Chỉ số Thương mại điện tử (EBI). Đây là nguồn thông tin hữu ích về hoạt động thương mại điện tử trên phạm vi cả nước cũng như ở mỗi địa phương, giúp các doanh nghiệp điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp theo xu hướng chung.
Thông qua phương pháp đánh giá mức độ ứng dụng thương mại điện tử, VECOM đã xây dựng Chỉ số Thương mại điện tử dựa trên 4 nhóm tiêu chí gồm: Nguồn nhân lực và hạ tầng ICT, Giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C), Giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) và Giao dịch giữa chính phủ với doanh nghiệp (G2B).
Năm 2019 chỉ số thành phần giao dịch B2B vẫn tiếp tục giữ nguyên như các năm trước và bao gồm các tiêu chí: 1) sử dụng các phần mềm trong doanh nghiệp; 2) sử dụng chữ ký điện tử; 3) sử dụng hợp đồng điện tử; 4) nhận đơn đặt hàng qua các công cụ trực tuyến; 5) đặt hàng qua các công cụ trực tuyến; 6) tỷ lệ đầu tư, xây dựng và vận hành website/ứng dụng di động của doanh nghiệp và 7) tỷ lệ trung bình số dân trên mỗi doanh nghiệp.
Trích Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam – EBI 2020
Chỉ số về nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin (NNL&HT) trong năm 2020 được xây dựng dựa trên nhóm các chỉ số thành phần bao gồm: khả năng đáp ứng nguồn nhân lực phù hợp trong lĩnh vực thương mại điện tử; tính thuận tiện trong quá trình tuyển dụng nhân sự chuyên trách cũng như cơ cấu trong việc đầu tư nhân sự chuyên trách thương mại điện tử ra sao; mức độ lao động thường xuyên sử dụng e-mail hay các công cụ hỗ trợ khác như Viber, WhatsApp, Skype, Facebook Messenger, Zalo…
Trích Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam – EBI 2020
Tương tự như các chỉ số khác, các chỉ tiêu con trong chỉ số thành phần về giao dịch G2B năm nay hầu như không có sự thay đổi. Việc tính toán chỉ số G2B tiếp tục dựa vào 4 tiêu chí: 1) mức độ tra cứu thông tin trên website các cơ quan nhà nước của doanh nghiệp; 2) mức độ sử dụng dịch vụ công trực tuyến liên quan tới các thủ tục đăng ký, cấp phép, khai báo, v.v… được cung cấp trên website của các cơ quan nhà nước; 3) tỷ lệ sử dụng các loại dịch vụ công trực tuyến và 4) đánh giá của doanh nghiệp về lợi ích của dịch vụ công trực tuyến tại địa phương.
Chỉ số thương mại điện tử những năm qua cho thấy phần lớn hoạt động thương mại điện tử diễn ra ở hai thành phố lớn nhất nước là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh. Hoạt động kinh doanh trực tuyến tại các địa phương khác, bao gồm ba thành phố trực thuộc Trung ương là Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ, còn yếu và có nguy cơ ngày càng tụt lại so với hai thành phố dẫn đầu.
Trích Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam – EBI 2020
Năm 2019 Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh chiếm 18% dân số nhưng chiếm trên 70% giao dịch thương mại điện tử của cả nước. Điều này có nghĩa là 61 địa phương còn lại chiếm 82% dân số nhưng chỉ đóng góp chưa tới 30% quy mô thương mại điện tử. Đáng chú ý là tỷ trọng 70% này ổn định trong cả giai đoạn 2016 – 2019 và chưa có dấu hiệu thay đổi trong những năm tới.
Chi tiết Báo cáo EBI 2020 Tại đây
Năm 2015 Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đã nhận định đây là năm cuối cùng của giai đoạn phổ cập, từ năm 2016 thương mại điện tử Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới với nét nổi bật là tốc độ phát triển nhanh và ổn định. Giai đoạn này có thể kéo dài từ năm 2016 tới năm 2025. Năm 2019, theo khảo sát của VECOM, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử đạt trên 32%. Tốc độ tăng trưởng trung bình (CAGR) cho cả giai đoạn bốn năm 2016 – 2019 khoảng 30%. Quy mô thương mại điện tử bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng năm 2019 đạt khoảng 11,5 tỷ USD. VECOM dự đoán tốc độ tăng trưởng của năm 2020 sẽ tiếp tục duy trì ở mức trên 30%, khi đó quy mô thương mại điện tử Việt Nam sẽ vượt con số 15 tỷ USD.
Xem thêm “Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2015”, https://drive.google.com/file/d/1V94_sY2F2VlzPhuMgxcsZy1mLXbyKrmt/view?usp=sharing
VECOM.