Sau hàng trăm năm xuất hiện và trải qua thăng trầm của nền kinh tế nước nhà, làng nghề Miến Cự Đà đã nắm bắt cơ hội được quảng bá thương hiệu nhiều hơn nữa khi tham gia thương mại điện tử, thành lập website để đưa miến đặc sản “lên sàn online”.
Làng Cự Đà (thuộc xã Cự Khê – Thanh Oai – Hà Nội) xưa nay nổi tiếng với 2 ngành nghề truyền thống là nghề sản xuất tương gạo nếp và là nơi sản xuất miến dong đầu tiên của đất nước được công nhận là làng nghề năm 2004. Hằng năm làng sản xuất và bán gia thị trường khoảng 5.000 lít tương và khoảng 1.000 tấn miến.
Miến dong đặc sản làng nghề Cự Đà
Thương hiệu miến dong Cự Đà đã trở thành tên tuổi được nhiều người tiêu dùng trong nước biết đến và sử dụng. Tuy nhiên, cho tới bây giờ, các bậc “lão thành” của làng nghề vẫn còn nằm lòng ý tưởng làm thế nào để truy xuất được nguồn gốc của sản phẩm và người tiêu dùng luôn mua được sản phẩm sạch đúng chuẩn. Bởi thực trạng làm miền thường sử dụng phương pháp phơi nắng thủ công, sản phẩm đầu ra không đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, giá thành thấp cũng như hao hụt sản lượng. Bên cạnh đó, qua nhiều trung gian, người tiêu dùng rất có thể mua phải miến Cự Đà “nhái”, chất lượng kém khi không được tiếp xúc với chính nơi sản xuất. Đó là lý do Hiệp hội làng nghề Miến Cự Đà đã tìm cách đưa làng nghề “lên sàn online” thông qua website thương mại điện tử miendongsach.vn. Được biết, Bizweb sẽ là đơn vị thiết kế và triển khai web cho làng nghề và website sẽ được “lên sóng” dự kiến trong tháng 3/2017 này. Đây là một trong các website thuộc Dự án hỗ trợ thiết kế website miễn phí cho các tổ chức thiện nguyện, hiệp hội làng nghề của nền tảng bán hàng online Bizweb.
Bác Trịnh Văn Chung – Thành viên của Hiệp hội làng nghề Miến Cự Đà cho hay “Tôi mong muốn thông qua website, sản phẩm của làng sẽ được quảng bá rộng rãi hơn, không chỉ trong nước mà còn có thêm phiên bản web tiếng Anh để “thông thương” ra nước ngoài. Bên cạnh đó, website sẽ là nơi để giao lưu giữa người tiêu dùng và người bán hoặc ngay cả những người bán cũng có thể liên hệ trực tiếp, trao đổi về công nghệ, kinh nghiệm với nhau”. Bác cho biết thêm, người tiêu dùng sẽ vào website để nắm toàn bộ thông tin về làng nghề cũng như đầu cuối cách chế biến sản phẩm qua ảnh, video clip một cách sinh động, chân thực nhất.
Trong thời đại Internet, có mặt trên thị trường online là yêu cầu không thể thiếu đối với bất kỳ lĩnh vực kinh doanh nào. Không xuất hiện trên mạng là một thiếu sót rất lớn đặc biệt với các làng nghề khi mà yếu tố bắt kịp xu hướng lại chưa được chú trọng. Một trong những minh chứng rõ nét nhất về tầm quan trọng này đó là sự giàu lên nhanh chóng của nông dân Trung Quốc nhờ vào Thương mại điện tử. Họ có thể dễ dàng quảng bá, bán các sản phẩm được làm ra trên ngay chính mảnh đất quê hương để đưa đến tay hàng triệu người tiêu dùng trên các nước và thậm chí còn là trên thế giới từ khi biết đến các kênh bán hàng online. Và một khởi đầu cơ bản đó là có website làm nền tảng. Đất nước láng giềng đã thành công với thương mại điện tử, tại sao chúng ta lại không?
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Trọng Tuyến, Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ DKT (đơn vị chủ quản nền tảng bán hàng online Bizweb.vn) cho biết: “Nước ta có rất nhiều làng nghề nổi tiếng, tuy nhiên, thương hiệu và sản phẩm của các làng nghề trên thực tế chưa được tiếp xúc với người tiêu dùng nhiều. Dự án hỗ trợ thiết kế website miễn phí cho các tổ chức thiện nguyện và làng nghề của Bizweb sẽ trở thành cánh tay nối dài, có thể góp sức quảng bá hình ảnh, sản phẩm và thúc đẩy sự phát triển của các làng nghề hơn nữa.”
Không những nổi tiếng về miến, tương, làng Cự Đà được biết đến là một không gian văn hóa độc đáo, nơi còn lưu giữ cổng làng, cổng xóm, những ngôi chùa, ngôi đình cổ được xếp hạng và nhiều ngôi nhà cổ vẹn nguyên lối kiến trúc của đồng bằng Bắc Bộ và những ngôi nhà cổ kiến trúc kiểu Pháp cách đây hơn 100 năm. Chính vì vậy, phát triển du lịch nơi đây cũng là một trong những hướng đi được đẩy mạnh trong thời gian tới và chắc chắn, việc tham gia thương mại điện tử, cho làng nghề xuất hiện trên môi trường trực tuyến sẽ giúp văn hóa, du lịch tại làng nghề được nhiều người biết đến hơn và phát triển mạnh mẽ.