Từ năm 2015 Hiệp hội Thương mại điện tử đã dự đoán lĩnh vực kinh doanh trực tuyến này sẽ phát triển rất nhanh trong giai đoạn 2016 – 2025. Mặc dù đại dịch Covid-19 đã tác động nặng nề tới kinh tế nước ta nhưng thương mại điện tử vẫn giữ vững được đà tăng trường cao.
Tuy nhiên, sự phát triển nóng của thương mại điện tử đã bộc lộ những yếu tố không bền vững. Đến nay các doanh nghiệp và cộng đồng người tiêu dùng từng bước nhận thức rõ hơn những ảnh hưởng xấu của thương mại điện tử tới môi trường.
Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 có hiệu lực từ 01/01/2022 không có những quy định cụ thể đối với lĩnh vực kinh doanh trực tuyến. Tuy nhiên, nhiều quy định trong Luật có thể áp dụng đối loại hình kinh doanh này.
Chẳng hạn, Điều 142 xác định kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm thiết lập hệ thống quản lý và thực hiện biện pháp để giảm khai thác tài nguyên, giảm chất thải, nâng cao mức độ tái sử dụng và tái chế chất thải ngay từ giai đoạn xây dựng dự án, thiết kế sản phẩm, hàng hoá đến giai đoạn sản xuất, phân phối.
Điều 146 xác định mua sắm xanh là việc mua sắm các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường được chứng nhận Nhãn sinh thái Việt Nam hoặc được công nhận theo quy định của pháp luật. Hoạt động mua sắm hàng hoá trực tuyến sử dụng rất nhiều chất thải nhựa. Điều 73 của Luật Bảo vệ môi trường đã quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đối với việc giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa.
Thực hiện theo Điều 139 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn và trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31 tháng 12 năm 2023. Tháng 3/2023, Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT phối hợp với Quỹ Hanns Seidel Foundation (HSF) Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Tham vấn đề cương Kế hoạch hành động quốc gia và lĩnh vực ưu tiên trong thực hiện kinh tế tuần hoàn”.
Đề cương Dự thảo Kế hoạch đầu tiên đã đề xuất một số ngành, lĩnh vực trọng tâm thực hiện kinh tế tuần hoàn, trong đó có ngành thương mại; xây dựng chương trình nâng cao năng lực cho doanh nghiệp trong tiếp cận thông tin và thương mại điện tử liên quan đến hàng hoá và dịch vụ kinh tế tuần hoàn.
Từ năm 2019 Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đã đề xuất Chương trình Phát triển thương mại điện tử bền vững. Hiệp hội quan tâm tới việc soạn thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn và sẽ giới thiệu Kế hoạch này tới các hội viên cũng như các trường đại học đào tạo thương mại điện tử.