Nở rộ các kho ứng dụng di động
Nếu như trước đây kho ứng dụng di động tại Việt Nam rất ít, trong đó nổi bật nhất có Appstore.vn, thì trong những tháng đầu năm 2014, hàng loạt kho ứng dụng Việt đã lần lượt xuất hiện trên thị trường.
Trong đó có thể kể đến các kho ứng dụng của các doanh nghiệp lớn trong nước như 365app.vn của VNG, 365app(pro) và Appcent.vn của SSGroup, hay Appsync.vn và AppHD.vn của mWork…Bên cạnh đó, cũng xuất hiện các kho ứng dụng của doanh nghiệp nước ngoài, như Mobogenie của Changyou (Trung Quốc).
Hầu hết các kho ứng dụng này đều đáp ứng cho đa nền tảng như PC, hệ điều hành Android, hệ điều hành iOS… và đa phần các ứng dụng đều miễn phí cho người dùng. Đáng chú ý, một số kho ứng dụng còn có những thế mạnh riêng của mình như Appcent của SSGroup cung cấp cả một kho phim miễn phí, hay Appsync của mWork lại chủ yếu cung cấp về game.
Theo một chuyên gia am hiểu lĩnh vực này cho biết, việc xuất hiện các kho ứng dụng di động như trên là do cuối năm 2013 và đầu năm 2014, các doanh nghiệp trong nước theo xu hướng trên thế giới đều xác định, năm 2014 là năm của di động nên đều quyết tâm đầu tư vào lĩnh vực này. Đồng thời chuyên gia này cũng kết luận, đối với thị trường Việt Nam, mục đích chính của các doanh nghiệp là thu hút người dùng, sau đó từ nền tảng này sẽ triển khai phát triển game trên di động là chính.
Bắt đầu xuất hiện các hình thức cạnh tranh không lành mạnh
Mặc dù mới bắt đầu nở rộ, nhưng đã xuất hiện việc cạnh tranh không lành mạnh giữa các kho ứng dụng của các doanh nghiệp trong nước. Trong đó, hình thức được áp dụng phổ biến nhất hiện này là các kho ứng dụng dìm nhau bằng tỉ lệ (rate) bình chọn các kho ứng dụng này trên Google Play. Theo đó, khi các kho ứng dụng này được đưa lên Google Play (dưới dạng ứng dụng – PV), phía dưới Google có đưa ra thang điểm bình chọn bằng các ngôi sao, trong đó 5 sao là cao nhất.
Để “dìm” đối thủ xuống và đẩy kho ứng dụng của mình lên, các doanh nghiệp sẽ huy động một lực lượng người của mình tiến hành bình chọn cho kho ứng dụng của đối thủ ở mức thấp nhất (1 sao), đồng thời bình chọn cho kho ứng dụng mình cao lên và tiến hành phản hồi theo kiểu chê bai ứng dụng không tốt… Với cách làm này kho ứng dụng của đối thủ sẽ bị giảm uy tín, khiến những người vào sau không tải nữa và lượt tải từ đó bị giảm xuống.
Mới đây, một hình thức cạnh tranh không lành mạnh khác cũng xảy ra với kho ứng dụng Appcent của công ty SSGroup, đó là đối thủ cạnh tranh tiến hành mua quảng cáo “sex” trên Facebook để quảng bá cho kho ứng dụng này. Cụ thể, vào ngày 16/3, trên hệ thống quảng cáo của Facebook, một ứng dụng mang tên “Appcent” giả đã được Facebook duyệt và quảng bá trên cộng đồng mạng xã hội này dưới dạng “Ứng dụng đề xuất” (Suggested Apps). Người dùng Facebook đã phải dở khóc dở cười khi bạn bè thấy mình “đề xuất” trên tường nhà một ứng dụng đầy rẫy hình ảnh khiêu khích, sexy và kèm theo chữ xem phim “XXX”. Khi chọn vào nút Cài đặt (Install app), mục quảng cáo này dẫn người dùng về Google Play tải trực tiếp Appcent.
Ngay sau khi xảy ra hiện tượng trên, phía SSGroup đã gửi thông cáo báo chí thông báo cho các phương tiện truyền thông, đồng thời cho biết họ đang làm việc với Facebook để khóa tài khoản giả mạo, đồng thời tìm thông tin về tài khoản này.
Lại một lần nữa, ở lĩnh vực kinh doanh trực tuyến mới, doanh nghiệp Việt lại không thể ngồi lại được với nhau để cùng thúc đẩy nó phát triển, thay vào đó tập trung vào việc “phá hoại” nhau là chính. Đây là một thực tế rất đáng buồn, nhưng có vẻ như rất khó có cách giải quyết một cách triệt để. Bởi theo những người trong ngành để giải quyết được tình trạng này cần có sự ngồi lại với nhau giữa cơ quan quản lý và các doanh nghiệp, mà ở Việt Nam đó là một điều rất “xa xỉ”.
Lê Mỹ – ICTNews.