Kế hoạch công tác năm 2014

Ngày đăng: 2014-03-04

A. CƠ SỞ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

Kế hoạch công tác năm 2014 của VECOM được xây dựng trên cơ sở Phương hướng hoạt động nhiệm kỳ II được thông qua tại Đại hội toàn thể lần II ngày 26/5/2011, tình hình thực hiện Kế hoạch công tác các năm 2011, 2012 và 2013.

Bước vào năm mới 2014 VECOM có nhiều thuận lợi để triển khai các hoạt động theo Phương hướng đã đề ra. Những thuận lợi cơ bản là hệ thống pháp luật về thương mại điện tử tiếp tục được bổ sung, quan hệ hợp tác giữa VECOM với nhiều cơ quan, tổ chức khá chặt chẽ, nhiều hội viên tích cực hỗ trợ các hoạt động của Hiệp hội và các cơ quan truyền thông ngày càng quan tâm tới lĩnh vực thương mại điện tử. Nhiều doanh nghiệp đã chú ý tới vai trò của Hiệp hội và mong muốn tăng cường hợp tác.

B. HOẠT ĐỘNG CHUYÊN MÔN

I. Tư vấn, phản biện chính sách về thương mại điện tử

1. Theo dõi tình hình triển khai các văn bản pháp luật về thương mại điện tử

Năm 2013 một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới thương mại điện tử đã được ban hành, trong đó có Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng, Nghị định số 181/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật quảng cáo.

Một số quy định trong các Nghị định này có thể chưa bám sát thực tiễn của kinh doanh trực tuyến, tính khả thi chưa cao, chưa hài hòa được mục tiêu quản lý nhà nước với thúc đẩy hoạt động kinh doanh.

Dự kiến năm 2014 Chính phủ có thể soạn thảo và ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật mới liên quan tới thương mại điện tử, chẳng hạn Nghị định về dịch vụ công nghệ thông tin, hay các văn bản liên quan tới quản lý hoạt động kinh doanh trên các mạng xã hội, dịch vụ OTT…

VECOM sẽ phối hợp với các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp thảo luận, đề xuất hướng triển khai, hoặc sửa đổi, bổ sung một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn trong các văn bản đã ban hành. VECOM sẽ tham gia cùng Cục TMĐT và CNTT soạn thảo thông tư thay thế Thông tư số 12/2013/TT-BCT, nhằm hoàn thiện hơn nữa những quy định về quản lý hoạt động kinh doanh trên website TMĐT, hướng tới tạo lập một môi trường kinh doanh lành mạnh cho TMĐT phát triển.

Đồng thời, VECOM cũng cần theo dõi tình hình soạn thảo và ban hành các văn bản pháp luật mới với mục tiêu vừa nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, vừa tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động.

2. Kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật thương mại điện tử

VECOM sẽ tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về thương mại điện tử của các doanh nghiệp hội viên.

Một mặt, hỗ trợ các hội viên tuân thủ các quy định pháp luật, tạo điều kiện để các hội viên này hoạt động tích cực, hiệu quả hơn, góp phần thúc đẩy sự phát triển của Hiệp hội và lĩnh vực thương mại điện tử ở Việt Nam.

Mặt khác, phát hiện các doanh nghiệp trong và ngoài Hiệp hội vi phạm pháp luật. Từ đó sẽ có các biện pháp xử lý phù hợp để tạo môi trường minh bạch, thuận lợi chung cho các hoạt động của Hiệp hội và bảo vệ lợi ích hợp pháp của hội viên.

VECOM sẽ bám sát tình hình thi hành Nghị định số 185/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng và Nghị định số 99/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, hỗ trợ các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương thực thi nghiêm túc các quy định tại hai nghị định này và các văn bản pháp luật liên quan tới xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong kinh doanh trực tuyến.

II. Tuyên truyền, phổ biến về thương mại điện tử

1. Trên các phương tiện truyền thông của VECOM

i) Trang thông tin điện tử của Hiệp hội www.vecom.vn

Trong năm 2013, trang thông tin điện tử của Hiệp hội đã hoàn thành tốt vai trò là một cổng thông tin chính thức cung cấp thông tin về các hoạt động của Hiệp hội và quảng bá về thương mại điện tử tới đông đảo doanh nghiệp và cộng đồng người dùng Internet.

Tuy nhiên, năm 2014 cần tiếp tục cải tiến, nâng cấp trang thông tin này. Ngoài việc đáp ứng nhu cầu về cung cấp thông tin các hoạt động của Hiệp hội và hội viên, trang thông tin cần cung cấp thông tin đa dạng, phong phú hơn nữa để đáp ứng nhu cầu của đông đảo độc giả.

Hiện nay Hiệp hội đang phối hợp với hội viên để tiến hành nâng cấp trang thông tin điện tử cả về mặt công nghệ cũng như nội dung. Bên cạnh việc xây dựng tốt trang thông tin www.vecom.vn, Hiệp hội cũng cần phát triển trang thông tin trên các mạng xã hội mạnh hơn nữa để phục vụ tốt hơn hoạt động tuyên truyền về thương mại điện tử.

VECOM cũng cần nâng cấp bản tin điện tử hàng tháng gửi tới hội viên và các đối tượng quan tâm, tạo điều kiện để các hội viên tham gia tích cực hơn các hoạt động của Hiệp hội.

ii) Tạp chí Thương gia và Thị trường

Năm 2013, Tạp chí đã bắt đầu hoạt động trở lại và dần ổn định, bên cạnh đó Tạp chí cũng nhận được sự ủng hộ và phối hợp tích cực từ phía các hội viên của Hiệp hội.

Trong năm 2014, Hiệp hội sẽ tiếp tục hỗ trợ hơn nữa hoạt động của Tạp chí nhằm để Tạp chí đảm bảo và nâng cao hơn nữa về nội dung trong đó nội dung về thương mại điện tử chiếm ít nhất 1/3 số trang theo Đề án hoạt động trình lãnh đạo Hiệp hội. Triển khai các hoạt động để thúc đẩy sự phát triển của Tạp chí theo đúng tôn chỉ mục đích đồng thời cũng đẩy mạnh quá trình tạo nguồn để Tạp chí hoạt động một cách bền vững và hiệu quả dần được nâng lên, là một kênh thông tin hữu ích của Hiệp hội.

Trong đó đặc biệt cần sự hỗ trợ tích cực của các đơn vị và hội viên trong Hiệp hội. Tạp chí sẽ là cầu nối của các doanh nghiệp doanh nhân trong Hiệp hội với xã hội và người tiêu dùng với mục tiêu để mọi người hiểu được lợi ích của thương mại điện tử. Chú ý duy trì ổn định ấn phẩm in đồng thời có phương hướng phát triển cơ bản nhất trang điện tử phù hợp với pháp luật.

2. Trên các phương tiện truyền thông khác

Trong năm 2014, VECOM sẽ tiếp tục tích cực phối hợp với các cơ quan, tổ chức về công nghệ thông tin và thương mại điện tử, các phương tiện truyền thông đại chúng… tổ chức các hoạt động phổ biến, tuyên truyền về thương mại điện tử với các hình thức đa dạng, hấp dẫn.

Ban Truyền thông cần xây dựng kế hoạch triển khai cả năm cho hoạt động tuyên truyền theo một số chủ đề, bao gồm nâng cao lòng tin của người tiêu dùng trong mua sắm trực tuyến, trình Ban Chấp hành phê duyệt và huy động các nguồn lực để triển khai.

3. Tuyên truyền về bảo vệ thông tin cá nhân trong giao dịch trực tuyến

Trong năm 2014 Hiệp hội sẽ phối hợp với Trung tâm Phát triển thương mại điện tử (ECOMVIET) tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về bảo vệ thông tin cá nhân trong giao dịch trực tuyến thông qua chương trình Gắn nhãn tín nhiệm website SafeWeb.

Tập trung tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông và hội thảo, tọa đàm… nhằm giúp các doanh nghiệp nhận thức rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ thông tin cá nhân. Đồng thời tiếp tục triển hỗ trợ ECOMVIET triển khai giải thưởng thương mại điện tử VietWeb để giải thưởng này trở thành giải thưởng thường niên có uy tín, hỗ trợ cho việc bảo vệ thông tin cá nhân của các doanh nghiệp kinh trực tuyến.

III. Đào tạo, tập huấn về thương mại điện tử

1. Đào tạo tại các trường đại học và cao đẳng

Năm 2014 VECOM tiếp tục phối hợp, hỗ trợ các trường đại học và cao đẳng đào tạo chính quy ngành thương mại điện tử. Đồng thời cùng một số trường như Đại học Ngoại thương, Đại học Thương mại, Đại học Công nghiệp Tp. HCM, Đại học Kinh tế – Luật thuộc Đại học Quốc gia Tp. HCM… tổ chức các hình thức đào tạo khác như đào tạo trực tuyến, tập huấn giảng viên. Cố gắng tạo sự liên kết giữa các trường trong hoạt động đào tạo, đồng thời ưu tiên hỗ trợ một số trường đẩy mạnh đào tạo về pháp luật thương mại điện tử.

* Đào tạo trực tuyến

Trong năm 2013, Ban Tuyên truyền và Đào tạo đã hợp tác với Trung tâm Thông tin và Bộ môn TMĐT trường Đại học Ngoại thương cùng các doanh nghiệp xây dựng một hệ thống đào tạo trực tuyến của Hiệp hội để đào tạo về thương mại điện tử và ứng dụng CNTT trong quản lý và kinh doanh. Hệ thống này đã được xây dựng và hoàn thiện, trong năm 2014 VECOM sẽ chủ trì để tổ chức các lớp học trực tuyến trên hệ thống.

* Bồi dưỡng giảng viên thương mại điện tử

Năm 2014, nhằm tiếp tục hỗ trợ các trường đại học và cao đẳng đào tạo thương mại điện tử, VECOM sẽ phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin của Bộ Công Thương, trường Đại học Ngoại thương và một số đơn vị khác tổ chức các khóa bồi dưỡng giảng viên giảng dạy về thương mại điện tử. Các khóa bồi dưỡng này cũng tạo cơ hội để các giảng viên trao đổi kinh nghiệm về giảng dạy môn học đòi hỏi sự cập nhật liên tục thông tin và tri thức này. Để khắc phục khó khăn về mặt địa lý, VECOM cần mở rộng hơn nữa phạm vi tổ chức.

2. Tập huấn về thương mại điện tử

Năm 2014 VECOM tiếp tục phối hợp với các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp, đặc biệt là Cục Thương mại điện tử và CNTT và các Sở Công thương, tổ chức các khóa tập huấn về thương mại điện tử. Bên cạnh việc tổ chức tại các thành phố lớn, VECOM ưu tiên tổ chức các khóa tập huấn tại các địa phương có mức phát triển trung bình.

* Ban Tuyên truyền và Đào tạo cần lên kế hoạch cụ thể xây dựng hệ thống chuyên đề tập huấn về thương mại điện tử. Phối hợp với các hội viên tổ chức các khóa tập huấn theo từng chuyên đề nhằm đem lại hiệu quả thiết thực cho học viên.

* Liên kết với một số hội viên tổ chức chuỗi hội thảo về thương mại điện tử cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ:

Chuỗi hội thảo này được tổ chức trên cơ sở phối hợp với các Sở Công thương, Cục Thương mại điện tử và CNTT, Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) và các tổ chức, doanh nghiệp quan tâm. Năm 2013 đã tổ chức chuỗi hội thảo mang tên “Thương mại điện tử 2013: Nắm bắt cơ hội – Vượt qua khủng hoảng”. Năm 2014 có thể đặt tên cho chuỗi hội thảo này là “Thương mại điện tử 2014: Cơ hội nào cho Doanh nghiệp vừa và nhỏ”.

Khuyến khích các hội viên tham gia trình bày tại các hội thảo, vừa giúp cho VECOM vừa quảng bá cho hình ảnh và sản phẩm của hội viên. Ngoài ra, khuyến khích các hội viên hỗ trợ về hậu cần. Chẳng hạn, năm 2014  Mắt Bão đã cam kết hỗ trợ 100% kinh phí và nhân sự tổ chức hội thảo tại 06 địa phương, dự kiến là Bình Dương – Đồng Nai – Cần Thơ – Kiên Giang – Khánh Hoà – Đà Nẵng với tần suất 06 tháng/lần.

VECOM sẽ vận động các hội viên khác ủng hộ để tổ chức chuỗi hội thảo này ở nhiều địa phương trên cả nước.

IV. Một số hoạt động nổi bật

1. Chỉ số Thương mại điện tử 2014

Năm 2014 VECOM sẽ tăng cường phổ biến, tuyên truyền về ý nghĩa của Chỉ số thương mại điện tử 2013 (EBI 2013) với các hoạt động cụ thể sau:

  • Tuyên truyền trên website của VECOM, Tạp chí Thương gia và Thị trường;
  • Phối hợp với các đơn vị báo chí, truyền hình để viết các bài báo, xây dựng kịch bản truyền thông cho tọa đàm và phóng sự liên quan tới thương mại điện tử;
  • Tổ chức hội thảo tại một số địa phương nhằm giới thiệu cho các đối tượng liên quan khai thác được thông tin định lượng từ EBI trên cả bốn nhóm tiêu chí là hạ tầng và nguồn nhân lực thương mại điện tử, giao dịch loại hình B2C, B2B và G2B;
  • Tư vấn, khuyến nghị các giải pháp các địa phương cần triển khai để nâng cao mức độ ứng dụng thương mại điện tử.

Đối với EBI 2014, VECOM sẽ tích cực vận động các địa phương tham gia hoạt động khảo sát các doanh nghiệp, phấn đấu để có thể xây dựng được chỉ số cho 50 địa phương trở lên.

2. Ngày chuyển phát Việt Nam

Năm 2014, dưới sự chỉ đạo của Bộ Công Thương, VECOM sẽ phối hợp với các đơn vị hoạt động thương mại điện tử để cùng nhau xây dựng “Ngày chuyển phát Việt Nam”. Chương trình nhằm khuyến khích người tiêu dùng tham gia mua sắm trực tuyến và đề cao tầm quan trọng của dịch vụ chuyển phát trong thương mại điện tử.

Dự kiến “Ngày chuyển phát Việt Nam” là một sự kiện mang tính thường niên, được tổ chức lần đầu tiên trong năm 2014 và diễn ra vào tháng 12 hàng năm.

3. Giải thưởng thương mại điện tử

VECOM tiếp tục hợp tác với Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin và Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh tổ chức các giải thưởng thường niên về thương mại điện tử.

Ngoài hai giải thưởng này có thể cân nhắc triển khai các giải thưởng khác trên quy mô toàn quốc, địa phương hay từng lĩnh vực kinh doanh. Song song với việc hỗ trợ các doanh nghiệp cung cấp giải pháp, các giải thưởng cần quan tâm phát động và cổ vũ các doanh nghiệp trong việc đẩy mạnh ứng dụng TMĐT vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

V. Hợp tác với các cơ quan, tổ chức

1. Hợp tác với các địa phương

Năm 2014 cần tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác với các địa phương trong cả nước để cùng nhau thúc đẩy các hoạt động thương mại điện tử tại các địa phương.

Việc ký kết thỏa thuận hợp tác với các địa phương mang ý nghĩa nhất định trong việc khẳng định sự định hướng về thương mại điện tử của cơ quan nhà nước tại địa phương. Tuy nhiên hoạt động này trong hai năm 2012 và 2013 chưa triển khai chưa tốt. Trong năm 2014 VECOM cần đẩy mạnh hoạt động này.

Khi hợp tác với địa phương cần có sự phân loại và đánh giá tiềm năng các địa phương để có các đề xuất hợp tác phù hợp trong việc phát triển TMĐT, qua đó thúc đẩy hiệu quả việc hợp tác với từng địa phương. Ví dụ, địa phương nào mạnh về du lịch nên tập trung vào đẩy mạnh TMĐT trong du lịch, địa phương nào mạnh về xuất khẩu nên chú trọng về xuất khẩu trực tuyến.

2. Hợp tác với các cơ quan truyền thông

Năm 2013 việc hợp tác với các cơ quan truyền thông được đẩy mạnh.

Trong năm 2014 VECOM sẽ xây dựng các chương trình hợp tác cụ thể với một số đơn vị truyền thông có uy tín để chủ động tuyên truyền về thương mại điện tử nói chung và hoạt động của các hội viên nói riêng.

3. Hợp tác với các cơ quan quản lý nhà nước và các hội nghề nghiệp

Năm 2013, sự chỉ đạo, giúp đỡ của cơ quan quản lý nhà nước về thương mại điện tử (Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin thuộc Bộ Công Thương) có ý nghĩa quan trọng đặc biệt tới hoạt động chung của VECOM. Ngoài cơ quan này, VECOM đã có quan hệ tương đối chặt chẽ với một số cơ quan khác. Năm 2014 VECOM sẽ tiếp tục duy trì và tăng cường sự hợp tác với các cơ quan này và mở rộng quan hệ hợp tác với các cơ quan khác, bao gồm các Sở Công Thương trên cả nước.

VECOM có thể tăng cường phối hợp với Bộ Công Thương triển khai các hoạt động lớn tầm quốc gia như ứng dụng thương mại điện tử nâng cao năng lực cạnh tranh hay người Việt dùng hàng Việt.

VECOM cũng tiếp tục duy trì quan hệ hợp tác với các hội nghề nghiệp, bao gồm VCCI và các hội trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông.

Tới nay, VECOM đã có hợp tác khá mật thiết với các hội nghề nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin và Internet. Năm 2014 VECOM cần thúc đẩy hợp tác tới các hiệp hội ngành hàng trong việc phối hợp và đẩy mạnh ứng dụng TMĐT trong các ngành nghề đó. Hiện nay các hiệp hội ngành hàng có nhu cầu lớn về việc hợp tác ứng dụng thương mại điện tử trong lĩnh vực kinh doanh của mình.

Ngoài ra, Ban Hợp tác cần chủ động đề xuất hoạt động hợp tác với các tổ chức khác, chẳng hạn với Cục Xúc tiến thương mại hay Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VBSCD) đặt bên cạnh VCCI.

4. Hợp tác quốc tế

Thương mại điện tử có tính chất hội nhập quốc tế rất cao nhưng do nguồn lực hạn chế nên VECOM chưa có điều kiện hợp tác quốc tế. Từ năm 2014 VECOM cần tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế.

Giai đoạn đầu của hoạt động hợp tác ưu tiên cho việc học tập, giao lưu học hỏi kinh nghiệm cũng như tìm kiếm cơ hội hợp tác với các Hiệp hội thương mại điện tử nước ngoài. Qua gặp gỡ trực tiếp, doanh nghiệp của VECOM dễ có cơ hội tiếp xúc với các nguồn vốn hơn, đặc biệt là nguồn vốn từ Angle Investors của cá nhân  hoặc doanh nghiệp nước ngoài.

VECOM khuyến khích hội viên nào có kinh nghiệm và quan hệ quốc tế tốt sắp xếp những chuyến giao lưu nước ngoài với mục đích trên, ưu tiên các nước ở châu Á có thương mại điện tử tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore.

C. HOẠT ĐỘNG NỘI BỘ

I. Phát triển, hỗ trợ hội viên

Năm 2014 VECOM cần đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển hội viên tập thể, bao gồm hội viên liên kết.

Văn phòng và Ban Hội viên đã thực hiện quy trình kết nạp hội viên mới. Việc kết nạp Hội viên mới được cần chú trọng tới việc hội viên phải tuân thủ các quy định tại Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về việc các website thương mại điện tử phải tiến hành thông báo hoặc đăng ký với Bộ Công Thương.

Cho tới nay phần lớn các doanh nghiệp gia nhập VECOM là do họ chủ động tìm hiểu thông tin về Hiệp hội. Nếu tất cả Ủy viên Ban chấp hành và các hội viên giúp đỡ và chủ động giới thiệu các doanh nghiệp có uy tín thì công tác phát triển hội viên mới sẽ thuận lợi hơn, qua đó cũng nâng cao sức mạnh của VECOM.

II. Các ban chuyên môn

Hoạt động của Hiệp hội gắn chặt với các hoạt động chuyên môn. Do đó, các ban chuyên môn cần xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể cho năm 2014 và triển khai kế hoạch đó trên cơ sở bám sát tình hình thực tiễn và kế hoạch chung của cả Hiệp hội.

Ngoài Ban Hội viên, Ban Tuyên truyền và Đào tạo, Ban Truyền thông, các ban khác cần hoạt động tích cực hơn, nếu cần thiết đề xuất với Ban chấp hành bổ sung nguồn nhân lực từ các hội viên tích cực.

III. Văn phòng

Năm 2013 Văn phòng Hiệp hội đã hoạt động ổn định, đội ngũ cán bộ đã dần trưởng thành và có chuyên môn đáp ứng việc triển khai các hoạt động của Hiệp hội.

Song song với việc triển khai các hoạt động thường niên trong các năm trước, năm 2014 Hiệp hội phối hợp với các đơn vị để xây dựng thêm nhiều hoạt động chuyên môn khác. Vì vậy Văn phòng cần tiếp tục nâng cao năng lực để đảm bảo chất lượng phục vụ các hoạt động chung của Hiệp hội cũng như của các ban chuyên môn./.

Download Kế hoạch công tác 2014: Tại đây

Download Báo cáo tổng kết 2013: Tại đây