Kế hoạch công tác 2013

Ngày đăng: 2013-02-19

A. CƠ SỞ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

Kế hoạch công tác năm 2013 của VECOM được xây dựng trên cơ sở Phương hướng hoạt động nhiệm kỳ II được thông qua tại Đại hội toàn thể lần II ngày 26/5/2011, tình hình thực hiện Kế hoạch công tác các năm 2011 và 2012.

Bước vào năm mới 2013, vị thế của VECOM đã được nâng lên so với các năm trước. Tuy nhiên, nền kinh tế trong nước cũng như thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, đa số các hội viên của VECOM là các doanh nghiệp vừa và nhỏ với nguồn lực hạn chế, ít có khả năng đóng góp cho các hoạt động chung của Hiệp hội. Trong bối cảnh đó, kế hoạch công tác năm 2013 phải cân nhắc năng lực thực tế của Hiệp hội, tranh thủ sự ủng hộ của các tổ chức và doanh nghiệp trong và ngoài Hiệp hội.

B. HOẠT ĐỘNG CHUYÊN MÔN

I. Tư vấn, phản biện chính sách về thương mại điện tử

1. Các Nghị định và thông tư mới về thương mại điện tử

Nghị định mới về thương mại điện tử thay thế Nghị định số 57/2006/NĐ-CP dự kiến sẽ được ban hành vào nửa đầu năm 2013. Nghị định mới này về thương mại điện tử có phạm vi áp dụng và đối tượng điều chỉnh rộng hơn nghị định cũ.

Đồng thời cơ quan quản lý nhà nước về thương mại điện tử cũng dự kiến soạn thảo và trình Chính phủ ban hành Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử. Một số thông tư mới cũng được xây dựng để triển khai hai nghị định trên.

VECOM sẽ chủ động giới thiệu các nghị định và thông tư mới tới các doanh nghiệp hội viên. Tư vấn các hội viên triển khai các hoạt động cần thiết để tuân thủ các quy định của hai Nghị định mới.

2. Pháp luật liên quan tới thương mại điện tử

VECOM sẽ phối hợp với các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp thảo luận, đề xuất các chính sách và pháp luật liên quan tới hai vấn đề lớn thực tiễn đặt ra trong năm 2012 là kinh doanh đa cấp và mua theo nhóm.

Các văn bản pháp luật hiện nay điều chỉnh hoạt động kinh doanh đa cấp và mua theo nhóm chưa phù hợp với thực tiễn và gây ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển của thương mại điện tử, cản trở sự phối hợp giữa Hiệp hội với các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp.

VECOM cũng cần theo dõi tình hình soạn thảo và ban hành các văn bản pháp luật về dịch vụ công nghệ thông tin và quản lý Internet, sở hữu trí tuệ, bảo vệ người tiêu dùng…

Ngoài ra, Hiệp hội cần phối hợp với các cơ quan, tổ chức để chủ động xem xét các quy định pháp luật đối với kinh doanh trực tuyến trên mạng xã hội, bảo vệ thông tin cá nhân…

3. Kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật thương mại điện tử

VECOM cần chủ động kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về thương mại điện tử của các doanh nghiệp hội viên. Điều lệ Hiệp hội đã quy định rõ trách nhiệm báo cáo của các hội viên. Hiệp hội có thể yêu cầu các hội viên báo cáo định kỳ hàng năm bằng văn bản việc tuân thủ pháp luật, đồng thời tiến hành kiểm tra trực tiếp tại một số doanh nghiệp có dấu hiệu kinh doanh không lành mạnh.

VECOM cũng phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước triển khai hoạt động thanh tra về việc chấp hành pháp luật về thương mại điện tử.

II. Tuyên truyền, phổ biến về thương mại điện tử

1. Trên các phương tiện truyền thông của VECOM

Tới cuối năm 2012, Trang thông tin điện tử của Hiệp hội www.vecom.vn đã cung cấp khá tốt thông tin về hoạt động của VECOM cũng như các sự kiện lớn về thương mại điện tử trong nước. Năm 2013, Hiệp hội sẽ nâng cấp website này để phục vụ tốt hơn hoạt động phổ biến, tuyên truyền về thương mại điện tử. Dự kiến website mới có nội dung phong phú, ngoài cung cấp thông tin về hoạt động của VECOM còn cung cấp nhiều tin bài về thương mại điện tử trong nước và thế giới.

Dự kiến Tạp chí Thương gia và Thị trường của VECOM sẽ tiếp tục hoạt động trong quý II năm 2013. Tạp chí sẽ giúp VECOM một kênh truyền thông quan trọng để tuyên truyền, phổ biến về thương mại điện tử.

2. Trên các phương tiện truyền thông khác

VECOM sẽ tích cực phối hợp với các cơ quan, tổ chức về công nghệ thông tin và thương mại điện tử, các phương tiện truyền thông đại chúng… tổ chức các hoạt động phổ biến, tuyên truyền về thương mại điện tử với các hình thức đa dạng, hấp dẫn.

Ban Truyền thông cần xây dựng kế hoạch triển khai hoạt động tuyên truyền theo một số chủ đề nhằm nâng cao lòng tin của người tiêu dùng.

3. Tuyên truyền về an toàn thông tin trong giao dịch trực tuyến

Trung tâm Phát triển Thương mại điện tử (ECOMVIET) hiện nay là đơn vị duy nhất ở Việt Nam triển khai hoạt động gắn nhãn tín nhiệm bảo vệ thông tin cá nhân trên các website thương mại điện tử. VECOM sẽ hợp tác với đơn vị này tuyên truyền về tầm quan trọng của việc bảo vệ thông tin cá nhân trên môi trường trực tuyến, hỗ trợ đánh giá, thẩm định và gắn nhãn tín nhiệm cho các website thương mại điện tử.

Ban An toàn thông tin triển khai các hoạt động nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đảm bảo an toàn thôn tin, nâng cao lòng tin của người tiêu dùng trong các giao dịch mua bán trực tuyến.

III. Chỉ số thương mại điện tử

Nửa đầu năm 2013 VECOM sẽ phổ biến, tuyên truyền về ý nghĩa của Chỉ số thương mại điện tử 2012 (EBI 2012) với các hoạt động cụ thể sau:

–         Xuất bản Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử 2012;

–         Tiếp tục tuyên truyền về EBI trên các phương tiện truyền thông;

–         Tổ chức hội thảo tại một số địa phương nhằm giới thiệu cho các đối tượng liên quan khai thác được thông tin định lượng từ EBI trên cả bốn nhóm tiêu chí là hạ tầng và nguồn nhân lực thương mại điện tử, giao dịch loại hình B2C, B2B và G2B;

–         Tư vấn, khuyến nghị các giải pháp các địa phương cần triển khai để nâng cao mức độ ứng dụng thương mại điện tử.

Đối với EBI 2013, VECOM sẽ tích cực vận động các địa phương tham gia hoạt động khảo sát các doanh nghiệp, phấn đấu để có thể xây dựng được chỉ số cho 40 địa phương trở lên.

IV. Đào tạo, tập huấn về thương mại điện tử

1. Soạn và phát hành sách về thương mại điện tử

Văn phòng đại diện cần chỉ đạo Ban biên tập hoàn thành và xuất bản sách về thương mại điện tử đã được giao từ năm 2012.

Ban Tuyên truyền và Đào tạo đề xuất trong năm 2013 biên soạn Cẩm nang Hướng dẫn thực hành Thương mại điện tử và Ứng dụng CNTT trong doanh nghiệp để cung cấp cho các hội viên và sử dụng trong đào tạo, tập huấn, hội thảo.

2. Chứng chỉ các khóa đào tạo thương mại điện tử

VECOM khuyến khích các cơ sơ đào tạo có uy tín cấp chứng chỉ của Hiệp hội cho các học viên đã hoàn thành các khóa đào tạo về thương mại điện tử.

Từng bước xây dựng hệ thống kiểm tra đánh giá chuẩn (ngân hàng câu hỏi, hệ thống thi, kiểm tra) của Hiệp hội để chuẩn hóa các chứng chỉ về thương mại điện tử như: Quản trị Thương mại điện tử, Quản trị mạng trong Thương mại điện tử, Lập trình các website và ứng dụng trong thương mại điện tử, Marketing điện tử, Quản trị thương mại điện tử và website bán hàng trực tuyến…

3. Đào tạo chính quy bậc đại học và cao đẳng ngành thương mại điện tử

VECOM ủng hộ các trường đại học và cao đẳng đào tạo chính quy ngành thương mại điện tử. Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Công Thương đã có những hoạt động cụ thể để hỗ trợ một số trường đại học triển khai đào tạo cử nhân ngành thương mại điện tử. Thông qua các hội viên tiên phong trong các lĩnh vực liên quan tới thương mại điện tử  VECOM sẽ phối hợp với các trường trong hoạt động đào tạo này.

4. Tập huấn về thương mại điện tử

VECOM sẽ phối hợp với các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp tổ chức các khóa tập huấn về thương mại điện tử. Bên cạnh việc tổ chức tại các thành phố lớn, VECOM ưu tiên tổ chức các khóa tập huấn tại các địa phương có mức phát triển trung bình.

Ban Tuyên truyền và Đào tạo đề xuất phối hợp với Trung tâm Thông tin và Bộ môn TMĐT trường ĐHNT phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng một hệ thống đào tạo trực tuyến của Hiệp hội để đào tạo về thương mại điện tử và ứng dụng CNTT trong quản lý và kinh doanh. Hệ thống này sẽ cập nhật thường xuyên các phim, bài giảng của các chuyên gia, doanh nghiệp thành viên để sử dụng trong đào tạo, tập huấn và phổ cập thương mại điện tử.

5. Bồi dưỡng giảng viên thương mại điện tử

Nhằm hỗ trợ các trường đại học và cao đẳng đào tạo thương mại điện tử, VECOM sẽ xem xét việc phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin của Bộ Công Thương tổ chức khoảng 2 khóa bồi dưỡng giảng viên giảng dạy về thương mại điện tử. Các khóa bồi dưỡng này cũng tạo cơ hội để các giảng viên trao đổi kinh nghiệm về giảng dạy môn học đòi hỏi sự cập nhật liên tục thông tin và tri thức này.

V. Hợp tác với các cơ quan, tổ chức

1. Hợp tác với các địa phương

Năm 2011 VECOM đã cùng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin ký thỏa thuận hợp tác phát triển thương mại điện tử với 3 địa phương là Hải Phòng, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh.

Năm 2012 hoạt động này triển khai chưa tốt. Năm 2013 VECOM cần chủ động chọn lựa các địa phương quan tâm tới thương mại điện tử và ký thỏa thuận hợp tác.

Song song với việc ký kết các thỏa thuận hợp tác mới cần triển khai tốt các thỏa thuận đã ký.

2. Hợp tác với các cơ quan truyền thông

Năm 2012 thương mại điện tử được nhắc tới rất nhiều trên các phương tiện truyền thông. VECOM đã có sự hợp tác khá chặt chẽ với nhiều đơn vị truyền thông nhưng sự hợp tác này chủ yếu mang tính bị động.

Năm 2013 VECOM sẽ xây dựng các chương trình hợp tác cụ thể với một số đơn vị truyền thông có uy tín để chủ động tuyên truyền về thương mại điện tử nói chung và hoạt động của các hội viên nói riêng.

4. Hợp tác với các cơ quan quản lý nhà nước và các hội nghề nghiệp

Sự chỉ đạo, giúp đỡ của cơ quan quản lý nhà nước về thương mại điện tử (Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin thuộc Bộ Công Thương) có ý nghĩa quan trọng đặc biệt tới hoạt động chung của VECOM. Ngoài cơ quan này, VECOM đã có quan hệ tương đối chặt chẽ với một số cơ quan khác. Năm 2013 VECOM sẽ tiếp tục duy trì và tăng cường sự hợp tác với các cơ quan này và mở rộng quan hệ hợp tác với các cơ quan khác, bao gồm các Sở Công Thương trên cả nước.

VECOM cũng tiếp tục duy trì quan hệ hợp tác với các hội nghề nghiệp, bao gồm VCCI và các hội trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông.

C. HOẠT ĐỘNG NỘI BỘ

I. Phát triển, hỗ trợ hội viên

Năm 2013 VECOM cần đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển hội viên mới, bao gồm hội viên liên kết.

Văn phòng và Ban Hội viên đã xây dựng quy trình kết nạp hội viên mới. Tuy  nhiên, việc kết nạp hội viên mới không đơn giản do nguồn lực của Văn phòng hạn chế không thể đánh giá toàn diện hoạt động của doanh nghiệp. Hơn nữa, doanh nghiệp là một pháp nhân và có thể thay đổi theo thời gian, tại thời điểm gia nhập thì lành mạnh nhưng sau đó có thể lại không lành mạnh, thậm chí vi phạm pháp luật.

Cho tới nay phần lớn các doanh nghiệp gia nhập VECOM là do họ chủ động tìm hiểu thông tin về Hiệp hội. Nếu tất cả Ủy viên Ban chấp hành và các hội viên giúp đỡ và chủ động giới thiệu các doanh nghiệp có uy tín thì công tác phát triển hội viên mới sẽ thuận lợi hơn, qua đó cũng nâng cao sức mạnh của VECOM.

Song song với phát triển hội viên mới, năm 2013 VECOM cần quan tâm hơn việc hỗ trợ các hội viên dưới nhiều hình thức, chẳng hạn hàng tháng có bản tin điện tử gửi các hội viên về các thông tin và sự kiện nổi bật về thương mại điện tử.

II. Các ban chuyên môn

Hoạt động chung của Hiệp hội gắn chặt với các hoạt động chuyên môn. Do đó, các ban chuyên môn cần xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể cho năm 2013 và triển khai kế hoạch đó trên cơ sở bám sát tình hình thực tiễn và kế hoạch chung của cả Hiệp hội.

Các ủy viên Ban chấp hành và các hội viên quan tâm giới thiệu các cá nhân từ những hội viên tích cực, có đủ năng lực chuyên môn cũng như các điều kiện khác bổ sung vào thành phần lãnh đạo của các ban chuyên môn.

III. Văn phòng

Năm 2012 Văn phòng Hiệp hội đã hoạt động ổn định, địa điểm mới của Văn phòng tương đối thuận lợi, đội ngũ cán bộ đã trưởng thành và có chuyên môn đáp ứng việc triển khai các hoạt động của Hiệp hội.

Năm 2013 Văn phòng tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ các hoạt động chung của Hiệp hội cũng như của các ban chuyên môn./.

Download Kế hoạch công tác 2013Tại đây

Download Báo cáo tổng kết 2012: Tại đây

VECOM

Các bài liên quan:

Kế hoạch công tác 2015

Kế hoạch công tác 2014

Kế hoạch công tác 2012

Kế hoạch công tác 2011