Kế hoạch công tác 2012

Ngày đăng: 2012-02-21

Hội nghị lần thứ hai của Ban Chấp hành Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam khóa hai đã thông qua Kế hoạch công tác năm 2012.

A. CƠ SỞ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

Việc xây dựng Kế hoạch công tác năm 2012 của VECOM dựa trên Phương hướng hoạt động nhiệm kỳ II được thông qua tại Đại hội toàn thể lần II ngày 26/5/2011, tình hình thực hiện Kế hoạch công tác năm 2011 và thực tế nguồn lực của Hiệp  hội.

Phương hướng hoạt động nhiệm kỳ II (2011-2015) đề ra sáu hoạt động chuyên môn: 1) Tuyên truyền, phổ  biến về thương mại điện tử; 2) Tư vấn, phản biện các chính sách, pháp luật liên quan tới TMĐT; 3) Nâng cao niềm tin của người tiêu dùng trong việc mua bán trực tuyến; 4) Xây dựng chỉ số sẵn sàng ứng dụng thương mại điện tử theo địa phương và ngành kinh tế; 5) Xây dựng giải thưởng quốc gia về thương mại điện tử; 6) Hợp tác quốc tế về thương mại điện tử.

Kế hoạch công tác năm 2011 được thực hiện khá tốt, nhưng do nguồn lực của Hiệp hội có hạn nên chưa thể triển khai tốt một số hoạt động. (Xem Báo cáo Tổng kết công tác năm 2011 của Hiệp hội)

Kế hoạch công tác năm 2012 phải bám sát tình hình phát triển kinh tế thương mại chung của cả nước, năng lực thực tế của Hiệp hội cũng như sự ủng hộ của các hội viên đối với hoạt động của Hiệp hội, song song với những hoạt động nâng cao vị thế của Hiệp hội cần chú trọng tới hiệu quả của các hoạt động.

B. HOẠT ĐỘNG CHUYÊN MÔN

I. Tư vấn, phản biện chính sách  về thương mại điện tử

1. Tư vấn, góp ý cho dự thảo Nghị định về thương mại điện tử

Cơ quan quản lý nhà nước về thương mại điện tử đã đề xuất xây dựng một nghị định mới về thương mại điện tử. Nghị định này sẽ thay thế nghị định năm 2006 về thương mại điện tử với phạm vi áp dụng và đối tượng điều chỉnh rộng hơn.

VECOM sẽ chủ động tư vấn, góp ý cho cơ quan chủ trì dự thảo nghị định mới, chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị liên quan giới thiệu nội dung dự thảo tới các hội viên và doanh nghiệp, thúc đẩy sự tham gia tích cực của hội viên và doanh nghiệp vào hoạt động xây dựng chính sách và pháp luật thương mại điện tử.

Dự kiến trong quý 3 sẽ phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước tổ chức hai hội thảo góp ý cho dự thảo Nghị định mới về thương mại điện tử tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

2. Tư vấn, góp ý các chính sách, pháp luật liên quan tới thương mại điện tử

VECOM cần tích cực phối hợp với các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp thảo luận, đề xuất các chính sách và pháp luật liên quan tới các vấn đề thực tiễn đặt ra, có thể có tác động lớn tới sự phát triển của thương mại điện tử, uy tín của hiệp hội hay hoạt động của các hội viên.

Một số vấn đề có thể xem xét thảo luận liên quan tới các hoạt động mua theo nhóm, bán sản phẩm dịch vụ (không phải hàng hóa) theo mô hình đa cấp, tác động của các mạng xã hội đối với thương mại điện tử, giải quyết tranh chấp, v.v…

II. Tuyên truyền, phổ biến về thương mại điện tử

1. Tuần Mua sắm trực tuyến 2012

Trên cơ sở rút kinh nghiệm tổ chức Tuần mua sắm trực tuyến 2011 (xem Báo cáo Tổng kết năm 2011),  VECOM sẽ tổ chức Tuần mua sắm trực tuyến 2012 theo hướng:

  • Thời gian tổ chức: kéo dài một tuần trong tháng 9
  • Sự kiện phối hợp: phối hợp chặt chẽ với tháng khuyến mại tại Thành phố Hồ Chí Minh
  • Tuyên truyền về sự kiện: bắt đầu từ quý III, chú trọng tới việc ký thỏa thuận hợp tác với các đơn vị bảo trợ về thông tin (VTV1, VTV2, HTV, các báo điện tử, mạng xã hội và sàn thương mại điện tử uy tín)
  • Vận động tài trợ: bắt đầu từ quý II
  • Vận động doanh nghiệp tham gia: có cam kết cụ thể về sản phẩm và dịch vụ tham gia Chương trình.
  • Phân công công việc trong Ban chấp hành: năm 2011 một số ủy viên ủng hộ nhiệt tình và hiệu quả, năm 2012 cần có sự ủng hộ của phần lớn ủy viên BCH.

2. Ngày hoặc Tuần mua sắm trực tuyến theo từng nhóm sản phẩm

Sau khi Tuần mua sắm trực tuyến 2011 kết thúc, một số doanh nghiệp tiếp tục quan tâm tới hình thức tuyên truyền này về thương mại điện tử và đề xuất VECOM nên tổ chức các sự kiện tương tự theo hướng chuyên sâu vào một số sản phẩm hoặc sự kiện cụ thể.

Trên cơ sơ nguồn lực và sự thành công của Tuần mua sắm trực tuyến 2012, có thể cân nhắc việc tổ chức Tuần hay Ngày quà tặng trực tuyến vào mùa Giáng sinh năm 2012.

Cũng có thể cân nhắc các hình thức khác, ví dụ phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ dụ lịch tổ chức Tuần du lịch trực tuyến nhằm thúc đẩy du lịch vào dịp thấp điểm.

3. Các hoạt động phổ biến, tuyên truyền khác

Phối hợp với các cơ quan, tổ chức về công nghệ thông tin và thương mại điện tử, các phương tiện truyền thông đại chúng… tích cực tổ chức các hoạt động phổ biến, tuyên truyền về thương mại điện tử với các hình thức đa dạng, hấp dẫn.

III. Chỉ số ứng dụng thương mại điện tử năm 2012 (VietNam Ebiz Index 2012)

1. Mục tiêu và lợi ích

i) Mục tiêu:

Đánh giá định lượng được mức độ ứng dụng thương mại điện tử của các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là các tỉnh) và một số ngành kinh tế.

ii) Lợi ích:

Chỉ số sẵn sàng ứng dụng thương mại điện tử, gọi tắt là Viet Nam Ebiz Index, giúp cho mọi đối tượng có thể đánh giá nhanh chóng mức độ sẵn sàng ứng dụng thương mại điện tử nói chung ở Việt Nam cũng như theo ngành kinh tế và theo địa phương, đánh giá tình hình giữa các năm thông qua việc so sánh chỉ số sẵn sàng của từng năm.

2. Căn cứ

– Quyết định số 1073/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử Việt Nam giai đoạn 2011 – 2015;

– Điều lệ Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam và Phương hướng hoạt động của VECOM Khóa II;

3. Thời gian và sản phẩm

– Cuối quý IV năm 2012, công bố Báo cáo Chỉ số ứng dụng thương mại điện tử của Việt Nam (VN-Ebiz Index Report) dạng ấn phẩm và điện tử.

– Phổ biến rộng rãi báo cáo này trên nhiều kênh thông tin.

4. Quy mô

i) Theo địa phương: Năm 2012 triển khai thí điểm cho khoảng 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

ii) Theo ngành kinh tế: Năm 2012 chọn một số ngành để triển khai thí điểm. Dự kiến sơ bộ chọn khoảng 2-3 trong số các ngành sau:

1. Phân phối (bán buôn, bán lẻ);

2. Quảng cáo;

3. Giáo dục và đào tạo;

4. Du lịch (khách sạn, lữ hành);

5. Tài chính, Ngân hàng;

6. Vận tải, logistics (hàng không, đường biển, giao nhận);

7. Công nghiệp chế biến

8. Cơ khí

9. Dệt may

10. Thủ công mỹ nghệ

5. Đơn vị tổ chức

i) Đơn vị chủ trì: Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM)

ii) Các đơn vị phối hợp và hỗ trợ:

– Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, Bộ Công Thương;

– Cục Ứng dụng Công nghệ thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông;

– Các Sở Công Thương;

– Một số Sở Thông tin và Truyền thông;

– Hội Tin học Việt Nam (triển khai VN ICT Index);

– Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (triển khai Xếp hạng năng lực cạnh tranh các tỉnh PCI);

6. Các hoạt động

i) Xây dựng Phương pháp đánh giá chỉ số

ii) Xây dựng mẫu Phiếu khảo sát cho từng nhóm đối tượng (địa phương, ngành kinh tế);

iii) Thỏa thuận hợp tác với các tổ chức, đơn vị liên quan tới việc thu thập dữ liệu, công bố chỉ số;

iv) Giới thiệu, quảng bá ý nghĩa của chỉ số, lợi ích của các bên khi tham gia xây dựng chỉ số.

7. Kinh phí

i) Hỗ trợ từ Cục Thương  mại điện tử và Công nghệ thông tin thuộc Bộ Công Thương đối với hoạt động xây dựng phương pháp xây dựng chỉ số, điều tra doanh nghiệp, hội thảo và các hoạt động khác gắn liền với các sự kiện do Cục chủ trì.

ii) Hỗ trợ của các Sở Công thương đối với các hoạt động liên quan tới địa phương.

iii) Kinh phí hỗ trợ từ các tổ chức, doanh nghiệp quan tâm tới sự phát triển thương mại điện tử của Việt Nam.

IV. Đào tạo thương mại điện tử

Năm 2011 đã bước đầu triển khai một số hoạt động về đào tạo thương mại điện tử, tuy nhiên  do nguồn lực hạn chế nên năm 2012 cần điều chỉnh kế hoạch và tập trung vào một số hoạt động sau:

1. Soạn và phát hành sách về thương mại điện tử

Một nhóm giảng viên đại học nhiệt tình biên soạn tài liệu về thương mại điện tử dưới danh nghĩa của VECOM. VECOM giao Văn phòng đại diện tại Tp. Hồ Chí Minh hỗ trợ triển khai.

Văn phòng đại diện cần tập hợp đông đảo các giảng viên và chuyên gia về thương mại điện tử trên cả nước tham gia tài liệu này, đảm bảo tài liệu có chất lượng cao, hỗ trợ tốt cho hoạt động đào tạo, tập huấn về thương mại điện tử trên cả nước, đồng thời nâng cao vị thế của VECOM.

2. Xây dựng Chứng chỉ/Chứng nhận giảng viên thương mại điện tử

Một số giảng viên đang giảng dạy thương mại điện tử đề xuất VECOM nên có chứng chỉ hoặc chứng nhận chuyên môn, tạo điều kiện chuẩn hóa chất lượng giảng viên giảng dạy chính quy về thương mại điện tử tại các cơ sở đào tạo trên cả nước.

VECOM cần tìm hiểu các quy định hiện hành về thẩm quyền của các hiệp hội nghề nghiệp trong việc cấp chứng nhận, chứng chỉ và triển khai hoạt động này phù hợp với pháp luật hiện hành.

3. Tăng cường phối hợp với các cơ quan nhà nước phụ trách về đào tạo TMĐT

Tăng cường hợp tác với Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin thuộc Bộ Công Thương và các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng chính sách, pháp luật và đào tạo, tập huấn về thương mại điện tử.

V. Hợp tác với các cơ quan, tổ chức

1. Hợp tác với các địa phương

Năm 2011 VECOM đã cùng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin ký thỏa thuận hợp tác phát triển thương mại điện tử với 3 địa phương là Hải Phòng, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh.

Năm 2012 cần chọn lựa các địa phương quan tâm tới thương mại điện tử và ký thỏa thuận với một số địa phương như Khánh Hòa, Cần Thơ, Đăk Lak. Việc ký kết cần chú ý nhiều hơn tới khâu thực thi của tất cả các bên liên quan, bao gồm các hội viên, để nâng cao hiệu quả của hoạt động hợp tác này.

2. Hợp tác với các trường đại học giảng dạy thương mại điện tử

Năm 2011 VECOM đã ký Thỏa thuận hợp tác về đào tạo với Trường đại học Phan Thiết. Năm 2012 cần ký Thỏa thuận hợp tác với một số trường đại học quan tâm tới giảng dạy thương mại điện tử, thực hiện chủ trương  gắn đào tạo với thực tiễn kinh doanh.

Thông qua việc hợp tác này, các trường có thể phối hợp tốt hơn với các hội viên của VECOM. Đồng thời, các hội viên cũng tiếp cận được với nguồn nhân lực được đào tạo chính quy về thương mại điện tử.

3. Hợp tác với các cơ quan truyền thông

Phát huy quan hệ tốt đẹp giữa trong năm 2011 giữa VECOM với các cơ quan báo chí, truyền thông, năm 2012 cần tăng cường sự hợp tác tuyên truyền về thương mại điện tử nói chung cũng như các hoạt động của Hiệp hội nói riêng.

Chú ý hợp tác chặt chẽ với các đơn vị có uy tín về truyền thông, bao gồm:

i) Với VTV1: Cán bộ phụ trách Bản tin Kinh tế Tài chính  của Ban Thời sự ủng hộ đề xuất hợp tác với VECOM để đẩy mạnh tuyên truyền về thương mại điện tử. VECOM có thể đề ra các chủ đề, hoạt động, sự kiện… cần tuyên truyền và trao đổi với đơn vị này.

ii) Với Báo điện tử Đảng Cộng sản: Lãnh đạo hai bên đã nhất trí việc tăng cường hợp tác tuyên tryền về thương mại điện tử. Dự kiến trong quý I sẽ ký thỏa thuận hợp tác giữa hai đơn vị.

4. Hợp tác với các hội

Tăng cường sự hợp tác với các hội, hiệp hội liên quan đến công nghệ thông tin và truyền thông, trong đó tập trung vào các hội, hiệp hội sau:

i) Hội Tin học Việt Nam (VAIP)

Tiếp tục truyền thống hợp tác chặt chẽ và toàn diện trong mọi hoạt động của VAIP, bao gồm các sự kiện Cúp vàng ICT, IT Week, Hội thảo quốc gia về CNTT, ICT Index, v.v…

ii) Hiệp hội phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA)

Phối hợp với VINASA tư vấn, phản biện các chính sách về phần mềm, đặc biệt là phần mềm (tự do) nguồn mở; phối hợp với VINASA trong các sự kiện như Sao Khuê, v.v…

iii) Hiệp hội an toàn thông tin số (VNISA)

Phối hợp với VNISA đẩy mạnh các hoạt động an toàn thông tin gắn với thương mại điện tử.

5. Hợp tác quốc tế

Chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan, tổ chức duy trì hợp tác với Trung tâm Cơ hội số APEC (ADOC), Ủy ban Thuận lợi hóa thương mại châu Á – Thái Bình Dương (AFACT) và caccs cơ quan, tổ chức khác.

Xem xét việc hợp tác giữa VECOM với một số công ty đa quốc gia về thương mại điện tử, chẳng hạn Google.

C. HOẠT ĐỘNG NỘI BỘ

I. Văn phòng và Văn phòng đại diện tại Tp. Hồ Chí Minh

Hoạt động văn phòng có đặc thù tự cân đối thu chi, hoàn toàn không có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, phần lớn hội viên là doanh nghiệp nhỏ, tiềm lực tài chính chưa mạnh.

Hoạt động của Văn phòng năm 2012 định hướng như sau:

  • Ổn định hoạt động của Văn phòng tại Hà Nội và Văn phòng đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh.
  • Từng bước có thù lao (dù thấp) cho các chức danh lãnh đạo.
  • Văn phòng đảm bảo hỗ trợ tốt cho các hoạt động của Hiệp hội.

II. Phát triển, hỗ trợ hội viên

Kế thừa thành tích phát triển hội viên năm 2011, năm 2012 VECOM cần đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển hội viên mới. Ngoài các hội viên chính thức, xem xét kết nạp các hội viên danh dự và hội viên liên kết.

Hoạt động này chủ yếu thuộc nhiệm vụ của Văn phòng và Ban Hội viên. Tuy  nhiên, đề nghị tất cả Ủy viên Ban chấp hành giúp đỡ, coi đây là công việc chung của Hiệp hội.

Song song với phát triển hội viên mới, cần liên tục hỗ trợ các hội viên dưới nhiều hình thức. Khuyến khích các hội viên đưa ra các cam kết cụ thể hỗ trợ các hội viên mới.

III. Thành lập chi bộ Đảng

Một số hội viên cá nhân và ủy viên Ban chấp hành đã nghỉ hưu là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam đề xuất thành lập Chi bộ Đảng của VECOM.

Văn phòng sẽ khảo sát hoạt động của các tổ chức Đảng tại một số hiệp hội khác, báo cáo tổ chức Đảng có thẩm quyền về việc thành lập Chi bộ Đảng của VECOM.

IV. Nâng cấp Trang thông tin điện tử chính thức www.vecom.vn

Tiếp tục duy trì và nâng cấp Trang thông tin điện tử của VECOM, vận động, hỗ trợ các hội viên quan tâm tới nội dung của trang thông tin điện tử này.

Chẳng hạn, có hội viên đã gợi ý sự hỗ trợ theo hướng: hội viên ký hợp đồng đăng thông tin giới thiệu về doanh nghiệp mình trên website của Hiệp hội. Trước đây việc này khó thực hiện nhưng từ năm 2012 hình thức hỗ trợ này có thể triển khai thuận lợi.

Download Kế hoạch công tác 2012: Tại đây

Download Báo cáo tổng kết 2011: Tại đây

VECOM

 Tags: