Trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, thương mại điện tử không chỉ thay đổi cách thức kinh doanh mà còn mở rộng khả năng tiếp cận sản phẩm - dịch vụ, kết nối các thị trường và người tiêu dùng trên khắp thế giới. Bên cạnh những lợi ích rõ ràng, thương mại điện tử cũng đặt ra những vấn đề lớn cần được xem xét nghiêm túc, đặc biệt là tác động của nó đối với môi trường tự nhiên.
Ngày 12/9/2024, Hội thảo “Tác động của Thương mại điện tử đối với môi trường” lần đầu tiên được tổ chức tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành với sự tham dự của lãnh đạo các tỉnh thành phố khu vực phía Nam, các chuyên gia thuộc các viện nghiên cứu và giảng viên các trường Đại học thuộc Khối ngành Khoa học sự sống và môi trường, Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên Việt Nam (WWF), Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM).
Ông Nguyễn Tấn Phong - Trưởng Văn phòng đại diện VECOM phía Nam báo cáo về Chiến lược phát triển thương mại điện tử bền vững
Ông Nguyễn Thanh Hưng - Thành viên Hội đồng tư vấn cấp cao VECOM báo cáo về chủ đề “Chất thải nhựa bao bì từ thương mại điện tử tại Việt Nam 2023”
Với 3 chủ đề chính tại 3 tiểu ban được thảo luận sôi nổi, đã cung cấp những góc nhìn đa chiều, tổng quan nhất về thực trạng và các nghiên cứu khoa học mang tính ứng dụng đưa ra những giải pháp chuyên sâu góp phần giải quyết các vấn đề nổi cộm.
1. Cơ hội, thách thức và giải pháp từ các hoạt động thương mại điện tử. Sự phát triển của công nghệ mang đến những cơ hội mới trong kinh doanh và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, đi kèm với nó là những thách thức xoay quanh như tiêu thụ năng lượng, phát sinh chất thải điện tử, và quản lý vòng đời sản phẩm. Thảo luận về cách thức khai thác cơ hội mà thương mại điện tử mang lại, đồng thời tìm ra các giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực đối với môi trường, hướng đến một mô hình kinh doanh bền vững.
Bà Nguyễn Trang Phương Linh - Phó Trưởng Văn phòng đại diện VECOM Phía Nam báo cáo tại tiểu ban 1
2. Hoạt động thương mại điện tử và kinh tế tuần hoàn trong các lĩnh vực: Thương mại điện tử không chỉ tạo ra tác động tức thời mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến các mô hình kinh tế, đặc biệt là kinh tế tuần hoàn. Việc tái sử dụng, tái chế và giảm thiểu chất thải trong quá trình sản xuất và tiêu thụ trở nên vô cùng quan trọng. Chủ đề này đã đi sâu vào mối liên hệ giữa thương mại điện tử và kinh tế tuần hoàn, phân tích cách thức mà các doanh nghiệp có thể chuyển đổi hoạt động của mình để đóng góp vào sự bền vững chung của môi trường.
Ông Nguyễn Thanh Hưng chủ trì tại tiểu ban 2
3. Giáo dục và quản lý môi trường trong hoạt động thương mại điện tử, kinh tế số: đóng vai trò cốt lõi trong việc định hình một tương lai bền vững. Để thương mại điện tử phát triển mà không gây hại đến môi trường, chúng ta cần đầu tư vào giáo dục và nâng cao nhận thức về quản lý môi trường. Nhấn mạnh vào vai trò của giáo dục, quản lý môi trường trong kinh tế số, và cách thức các doanh nghiệp, cơ quan quản lý có thể hợp tác để thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Thông qua Hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước đã cùng nhau thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra những giải pháp hiệu quả để giảm thiểu tác động tiêu cực của thương mại điện tử đến môi trường và hướng đến phát triển bền vững trong thời gian tới.
Tài liệu tại Hội thảo: xem tại đây