Sáng ngày 19/10/2018, Trường Đại học Sài Gòn, với sự tài trợ của công ty Infinity Blockchain Labs (IBL), đã tổ chức buổi hội thảo “Cơ hội và thách thức với công nghệ blockchain” tại cơ sở A của Đại học Sài Gòn (273 An Dương Vương, Quận 5, TP HCM). Đồng tổ chức bởi Khoa Công nghệ thông tin của trường đại học này, hội thảo đã thu hút đông đảo giảng viên, chuyên gia công nghệ và các bạn sinh viên – những người háo hức nhất để giới thiệu sáng kiến của chính họ nhằm đưa blockchain vào cuộc sống với các ứng dụng thiết thực.
Khán phòng đông đủ các giảng viên, chuyên gia và các bạn sinh viên từ rất sớm.
Mở đầu buổi hội thảo, ông Đỗ Văn Long – giám đốc chiến lược Vùng của IBL, đã có bài phát biểu khái quát tiềm năng và dự báo tác động của công nghệ blockchain đối với Việt Nam cũng như khu vực. Ông cũng giới thiệu ngắn gọn về Infinity Blockchain Labs, những dự án mà công ty này đang thực hiện với vị thế là đơn vị dẫn đầu hệ sinh thái blockchain tại Việt Nam, từng bước góp phần giúp Việt Nam nổi lên như là điểm sáng về việc áp dụng công nghệ mới này. Kế đến, tiến sĩ Nguyễn Quốc Huy Tưởng – Trưởng bộ môn Hệ thống thông tin của Đại học Sài Gòn chia sẻ những suy nghĩ và tư vấn hữu ích nhằm giúp các bạn trẻ sớm nắm bắt kiến thức cũng như sở hữu kỹ năng cần thiết về blockchain qua bài phát biểu “Sinh viên với công nghệ blockchain”.
Ông Đỗ Văn Long chia sẻ những kiến thức hữu ích từ thực tế hoạt động của các dự án mà Infinity Blockchain Labs đang theo đuổi
Sau đó là quãng thời gian đặc biệt thú vị với phần thuyết trình về các dự án ứng dụng blockchain từ những nhóm sinh viên xuất sắc từ nhiều trường đại học khu vực phía Nam. Trong số này, dự án “Áp dụng công nghệ blockchain vào quy trình sản xuất và tiêu thụ nông sản nhằm nâng cao lợi ích cho doanh nghiệp và người nông dân” của 3 sinh viên Đại học Bách Khoa TP HCM nhận được sự tán thưởng lớn. Đây là dự án xuất phát từ trăn trở về việc mặc dù có tiềm năng rất lớn nhưng giá trị mà nông sản Việt thu về vẫn bị đánh giá là chưa tương xứng. Hy vọng nhóm sinh viên Bách Khoa đầy nhiệt huyết và sáng tạo này có thể biến dự án của họ thành một giải pháp thực tế hoàn chỉnh, hữu ích trong tương lai gần.
Đại diện nhóm sinh viên ĐH Bách Khoa trình bày giải pháp nhằm giúp nông sản Việt mang về lợi ích lớn hơn cho người nông dân.
Nhóm sinh viên của Đại học An Giang mang đến hội thảo đề án “Ứng dụng công nghệ blockchain trong quản lý tài sản ngăn chặn” và cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt. Với các đặc điểm như phi tập trung và không thể sửa đổi sau khi dữ liệu được lưu, nhóm nghiên cứu tin rằng blockchain là lời giải cho quá trình minh bạch hóa thông tin liên quan đến tài liệu, hợp đồng, chứng từ giao dịch về nhà đất và tài sản ngăn chặn. Đại diện nhóm, sinh viên Trương Minh Tuyền, cũng đồng thời khẳng định nếu được áp dụng thành công, dự án của nhóm sẽ giúp đơn giản hóa đáng kể thủ tục hành chính.
Ngoài ra, không thể không nhắc đến hàng loạt các ý tưởng sáng tạo được giới thiệu bằng hình thức poster sinh động: “Hệ thống IoT kết hợp thông tin nhà vườn hỗ trợ truy xuất nguồn gốc”. “Giúp việc nhà trên blockchain”, ‘Phân tích thực trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và ứng dụng công nghệ blockchain”, “Ứng dụng giải pháp blockchain vào mô hình e-ticket”. Mặc dù các dự án, ý tưởng đều được các thầy cô giảng viên từ Đại học Sài Gòn chỉ ra một số những hạn chế cần hoàn thiện nhưng vẫn chứng tỏ được năng lực sáng tạo, nắm bắt kỹ năng mới và sự nhiệt huyết của các bạn sinh viên dành cho một công nghệ đầy hứa hẹn như blockchain.
Các bạn sinh viên tìm hiểu một số ý tưởng ứng dụng blockchain được thể hiện qua các poster sinh động.
Cuối buổi hội thảo, ông Đỗ Văn Long trao tặng một số phần học bổng là các khóa học blockchain miễn phí do chính Infinity Blockchain Labs cung cấp. Với việc tiếp cận các khóa học được soạn thảo bởi một R & D hàng đầu châu Á về blockchain, các bạn sinh viên sẽ có được điều kiện tốt nhất để nhanh chóng lĩnh hội và trở nên xuất sắc hơn trên con đường chinh phục công nghệ mới này.
Học bổng là các khóa đào tạo về blockchain của Infinity Blockchain Labs
Blockchain là gì? Blockchain là một chuỗi khối dữ liệu (block) được mở rộng liên tục và liên kết với nhau bằng những thuật toán mật mã học. Mỗi khối lại bao gồm thông tin được mã hóa của khối trước đó cùng với dữ liệu giao dịch. Đặc điểm đáng chú ý bậc nhất của blockchain là nó chống lại việc sửa đổi dữ liệu. Kế đến, blockchain là một hệ thống mở, phi tập trung và có khả năng ghi lại thông tin giao dịch của 2 thực thể một cách hiệu quả, xác thực và lưu cữu. Các blockchain được kiểm soát bởi một hệ thống ngang hàng (peer-to-peer network) đồng thuận quy tắc chung về giao tiếp liên nốt (node) và xác thực khối thông tin mới. Một khi đã được ghi nhận thì dữ liệu trên mỗi khối sẽ không thể được thay đổi nếu không có sự cho phép của tất cả các khối thông tin khác cùng hệ thống. Blockchain được phát minh bởi Satoshi Nakamoto vào năm 2008 để có thể hoạt động như một cuốn sổ cái mở dành cho việc ghi nhận các giao dịch tiền mã hóa. Tuy vậy, blockchain có thể được ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau và được các chuyên gia nhận định sẽ tạo nên những thay đổi sâu rộng trong cách thức chúng ta vận hành sản xuất, kinh doanh và xã hội. |
VECOM