Những ứng dụng công nghệ trong phát triển nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long, những giải pháp thúc đẩy nền nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, và ứng dụng tiềm năng trong xu hướng phát triển chính phủ điện tử và đô thị thông minh. Đây là những nội dung chính được các chuyên gia và nhà nghiên cứu đưa ra trao đổi, thảo luận tại Hội thảo “Blockchain trong Nông nghiệp và Đô thị Thông minh” do Khoa Công nghệ Thông tin, Đại học An Giang tổ chức vào ngày 07/07/2018 tại Đại học An Giang với sự đồng hành của các nhóm nghiên cứu về công nghệ Blockchain tại trường Đại Học Bách Khoa Tp. HCM, Đại học Sài Gòn, Đại học Hoa Sen, Đại học Giao Thông Vận Tải, Đại học Lạc Hồng và công ty Infinity Blockchain Labs.
Vào ngày 07/07/2018, Khoa Công nghệ Thông tin, trường Đại học An Giang đã tổ chức hội thảo chuyên đề “Blockchain trong Nông nghiệp và Đô thị Thông minh”. Hội thảo chủ yếu xoay quanh các giải pháp công nghệ trong phát triển ứng dụng CNTT trong nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long, cũng như các ứng dụng tiềm năng trong xu hướng phát triển chính phủ điện tử và đô thị thông minh. Hội thảo đã diễn ra cùng với sự góp mặt của nhiều diễn giả, chuyên gia thuộc các nhóm nghiên cứu về công nghệ Blockchain tại nhiều trường đại học như Đại Học Bách Khoa, Đại học Sài Gòn, Đại học Hoa Sen, Đại học Giao Thông Vận Tải, Đại học Lạc Hồng và các chuyên gia bên công ty Infinity Blockchain Labs (IBL). Hội thảo còn nhận được sự đồng hành của đại diện phía Doanh nghiệp tỉnh An Giang là Công ty nếp sạch Nguyễn Phú Vinh, và sự hỗ trợ về mặt truyền thông từ Chi hội Blockchain, Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM).
Việc tổ chức hội thảo cũng nhận được sự tài trợ từ phía công ty IBL. Với vai trò là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển công nghệ Blockchain tại Việt Nam, công ty IBL mong muốn thúc đẩy phát triển giáo dục và nghiên cứu về công nghệ Blockchain cũng như truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ về sự phát triển, xu hướng và tiềm năng của công nghệ vượt trội này trên thế giới trong tương lai. Hội thảo “Blockchain trong Nông nghiệp và Đô thị Thông minh” được tổ chức bởi trường Đại học An Giang nằm trong dự án hợp tác và hỗ trợ mà công ty IBL đang triển khai với các trường đại học trên toàn quốc trong khuôn khổ dự án Việt Nam Blockchain Country, nhằm mục đích tăng cường các hoạt động đào tạo về Blockchain, và ngày một nâng cao chất lượng kỹ sư và nguồn nhân lực trong lĩnh vực đầy tiềm năng này.
Những diễn giả, đại biểu và khách mời đến từ IBL và các đơn vị đồng hành có mặt tại hội thảo
Hội thảo được xem là cơ hội quý báu để các chuyên gia, nhà nghiên cứu, cán bộ quản lý giáo dục và các bạn sinh viên tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long có thể giao lưu học hỏi cùng với các trường bạn như là các trường đại học ở khu vực Tp.HCM và Đồng Nai. Tại đây, các đại biểu đã có cơ hội giao lưu, trao đổi và thảo luận về những ứng dụng đa dạng của Blockchain trong nông nghiệp; cũng như những cơ hội và thách thức trong áp dụng Blockchain vào phát triển các mô hình thành phố thông minh và bền vững, đặc biệt trong mảng giáo dục và đào tạo.
Không khí tranh luận tích cực và sôi nổi diễn ra xuyên suốt hội thảo
Hội thảo đã diễn ra gồm hai phiên tham luận chính: “Blockchain và nền nông nghiệp hiện đại” và “Ứng dụng Blockchain vào đô thị thông minh”.
Phát biểu tại phiên tham luận đầu tiên, ông Nguyễn Đức Đình Nghĩa, chuyên gia về công nghệ Blockchain tại công ty IBL, đã chia sẻ về mô hình phi tập trung. Trong phần trình bày, ông Nghĩa đã dẫn dắt từ sự phát triển của các hệ thống theo mô hình tập trung kèm theo những giới hạn như là thất bại đơn điểm, có khả năng bị thao túng, thoái thác … Và từ đó, mô hình phi tập trung ra đời nhằm mục đích góp phần hỗ trợ giải quyết những giới hạn nêu trên.
Phiên tham luận kế tiếp đã mang đến một góc nhìn đa diện và tổng quan nhất về tiềm năng, ứng dụng của Blockchain trong sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam, bao gồm nhiều chủ đề nóng hổi như giải pháp IoT trong nông nghiệp công nghệ cao; ứng dụng Blockchain trong truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông sản như chuối, nếp, và đặc biệt là xoài.
Phần trình bày về mô hình phi tập trung của ông Nguyễn Đức Đình Nghĩa đến từ IBL
Tiếp theo đó, TS. Phạm Hoàng Anh, giảng viên trường Đại học Bách Khoa Tp.HCM, nhấn mạnh về ý nghĩa và tầm quan trọng của ứng dụng IoT trong sản xuất nông nghiệp. Để phát triển nền nông nghiệp bền vững theo hướng công nghệ cao, việc ứng dụng các giải pháp IoT vào hoạt động sản xuất là một xu thế tất yếu, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay khi mà chất lượng nông sản đang trở thành một đề tài nóng bỏng. Ứng dụng IoT vào nông nghiệp hứa hẹn sẽ giúp nâng cao năng suất, tăng cường tính minh bạch trong chuỗi cung ứng, đồng thời hỗ trợ hiệu quả quá trình truy xuất nguồn gốc thực phẩm.
TS. Phạm Hoàng Anh phát biểu về ứng dụng IoT vào nông nghiệp công nghệ cao
Tiếp nối chương trình là phần trình bày của TS. Nguyễn Văn Hòa từ Đại học An Giang về tiềm năng ứng dụng công nghệ Blockchain vào truy xuất nguồn gốc nông sản, cụ thể là trên các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh An Giang như nếp và chuối. Ông Hòa cũng chia sẻ thêm về những chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp hiện đại với những sản phẩm có thương hiệu trên thị trường. Tính khả thi trong ứng dụng Blockchain vào truy xuất nguồn gốc nông sản cũng được ông Hòa đề cập tại hội thảo. Thực tế cho thấy, thị trường nông sản Việt hiện nay đang bị bao vây bởi tình trạng thực phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Và Blockchain được xem là công nghệ chìa khóa giúp giải quyết triệt để bài toán minh bạch hóa thông tin. Ứng dụng công nghệ Blockchain, người tiêu dùng có thể kiểm tra toàn bộ thông tin trên chuỗi cung ứng một cách rõ ràng và minh bạch. Các đơn vị phân phối, bán lẻ hay hộ nông dân cũng có thể kiểm soát được tình trạng nông sản, trạng thái vận chuyển hay số lượng hàng tồn kho trên nền tảng Blockchain, qua đó dự đoán chính xác nhu cầu tiêu thụ của người dùng và tối ưu hóa kế hoạch sản xuất.
TS. Nguyễn Văn Hòa từ Đại học An Giang chia sẻ về ứng dụng blockchain vào truy xuất nguồn gốc nông sản tại tỉnh An Giang
Ngoài ra tại hội thảo, khách tham dự có cơ hội lắng nghe những chia sẻ từ ông Đỗ Văn Long - Giám đốc Chiến lược IBL về dự án đột phá mang tên “Fruitchain”, giải pháp tiên phong trong ứng dụng công nghệ Blockchain vào truy xuất nguồn gốc nông sản tại Việt Nam. Dự án được IBL triển khai thí điểm với Hợp tác xã Xoài Mỹ Xương tại tỉnh Đồng Tháp, nhằm mục tiêu tăng cường tính minh bạch trong truy xuất nguồn gốc nói riêng và trên toàn bộ chuỗi giá trị nông nghiệp nói chung. Thông qua Fruitchain, niềm tin người tiêu dùng vào nông sản Việt sẽ được cải thiện và củng cố, từ đó mở đường cho sự phát triển nông nghiệp bền vững, và khẳng định hơn nữa giá trị thương hiệu Việt trên thị trường quốc tế.
Ông Đỗ Văn Long - Giám đốc Chiến lược IBL chia sẻ về dự án Fruitchain và Vietnam Blockchain Country
Bên cạnh đó, phiên tham luận thứ hai “Blockchain và đô thị thông minh” sẽ thảo luận về việc xây dựng và triển khai mô hình Đô thị thông minh trên nền tảng công nghệ hiện đại Blockchain. Khách tham dự sẽ được tiếp cận và cập nhật những giải pháp công nghệ hiện hữu đóng vai trò nền tảng trong xây dựng và quản lý thành phố thông minh, bao gồm hệ thống hỗ trợ xác minh chứng chỉ, và hệ thống phi tập trung hỗ trợ hoạt động dạy học chủ động. Các giải pháp đề xuất là tiền đề để phát triển nền tảng cho các công dân sinh sống và tham gia học tập tại các trung tâm đào tạo của thành phố thông minh.
Phiên tham luận thứ ba được bắt đầu với chủ đề “Blockchain và Đô thị thông minh” cùng với sự góp mặt của diễn giả Trương Minh Tuyền, giảng viên trường Đại học An Giang và cũng là một trong những thành viên sáng lập Blockchain Lab tại trường, cùng những gương mặt nổi bật khác đến từ IBL. Phiên tham luận chủ yếu xoay quanh các giải pháp công nghệ hiện hữu đóng vai trò nền tảng trong chiến lược phát triển hướng đến thành phố thông minh. Các giải pháp được đề xuất tại hội thảo bao gồm hệ thống hỗ trợ xác minh chứng chỉ và hệ thống phi tập trung hỗ trợ hoạt động dạy học chủ động. Đây được xem là tiền đề quan trọng trong công tác đổi mới hệ thống và nâng cao chất lượng giáo dục tại các thành phố thông minh trong tương lai.
Anh Trương Minh Tuyền từ Đại học An Giang trình bày về ứng dụng blockchain vào đô thị thông minh
Hội thảo “Blockchain trong Nông nghiệp và Đô thị Thông minh” là một trong những dự án hợp tác mà IBL đang triển khai với các trường đại học trên toàn quốc, nằm trong khuôn khổ dự án Việt Nam Blockchain Country. Được biết, Việt Nam Blockchain Country là một chiến dịch quan trọng mang tầm quốc gia, nhằm mục đích kết nối các nhà lãnh đạo, nhà giáo dục, nhà hoạch định chính sách, cũng như những doanh nghiệp, tổ chức lợi nhuận và phi lợi nhuận trong hệ sinh thái Blockchain tại Việt Nam. Tầm nhìn và sứ mệnh của dự án là khẳng định, củng cố và nâng tầm vị thế của Việt Nam như một cường quốc về Blockchain trên bản đồ công nghệ thế giới.
Để hoàn thành được sứ mệnh nói trên, cần phải bắt đầu từ những việc đơn giản, thiết yếu và bền vững là đầu tư phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao. Riêng công ty IBL sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động hỗ trợ và hợp tác đào tạo hướng tới cộng đồng, thúc đẩy việc nghiên cứu phát triển Blockchain trong các viện, trường học, từ đó chuẩn bị hành trang vững chắc cho thế hệ trẻ bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Xem chi tiết chương trình tại đây.