Trong một khảo sát của Magento tại Adobe Summit 2020, 83,7% doanh nghiệp phản hồi rằng họ đang sử dụng và sẽ lên kế hoạch chuyển đổi “headless commerce” cho dự án của mình. Vậy, headless commerce là gì và ảnh hưởng thế nào tới các doanh nghiệp bán lẻ? Headless commerce là gì?
Để có thể hiểu chính xác về headless commerce, ta cần hiểu sơ bộ về 2 phần chính cấu thành nên một website:
- Back-end: hệ thống dữ liệu, công cụ quản lý và tạo nội dung. Đây là nơi lưu trữ các phần tùy biến giúp phát triển chức năng cho website.
- Front-end: mặt giao diện, có chức năng hiển thị những nội dung sản xuất từ back-end. Đây là mặt mà người dùng sẽ tiếp xúc và tương tác trực tiếp khi họ duyệt web.
Với các website sử dụng cấu trúc web truyền thống, front-end và back-end hoạt động trên cùng một nền tảng và kết nối chặt chẽ với nhau, nghĩa là mọi thay đổi trên website đều phải chỉnh sửa 2 phần cùng lúc. Nhưng với headless commerce, front-end và back-end tách rời nhau và có thể hoạt động như 2 hệ thống độc lập.
Các lợi ích từ headless commerce
Tốc độ tải trang nhanh hơn
Nhờ sự tách biệt giữa front-end và back-end, lượng thông tin người dùng phải tải về để hiển thị giảm mạnh, giúp các website và trang thương mại điện tử tải nhanh hơn. Lợi thế này cũng giúp nâng cao sự thân thiện với các công cụ tìm kiếm như Google, Bing, giúp người dùng dễ dàng tìm thấy địa chỉ trang web hơn.
Cá nhân hóa trải nghiệm dễ dàng
Trong môi trường headless, chủ doanh nghiệp có khả năng quản lý trải nghiệm người dùng trên nhiều thiết bị mà không làm xáo trộn các hệ thống với nhau. Hơn thế nữa, với các thông tin về người dùng này, doanh nghiệp có thể dễ dàng nắm bắt được hành trình khách hàng và tùy biến quảng cáo, gợi ý mua hàng hay thiết lập các chính sách khuyến mại theo đúng nhu cầu và thói quen tiêu dùng của “thượng đế”.
Chi phí rẻ hơn trong dài hạn
Dù việc vận hành một nền tảng headless commerce tốn kém hơn so với website thương mại điện tử truyền thống, nhưng nếu nhìn vào dài hạn, các doanh nghiệp sẽ thấy nhiều vấn đề tiềm ẩn như sau:
- Chi phí vận hành và nâng cấp hệ thống cũ ngày một cao.
- Càng được nâng cấp và cải tiến, hệ thống cũ càng có tốc độ tải chậm.
- Hệ thống mới dễ dàng mở rộng/ thu hẹp và giữ chân khách hàng tốt hơn, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được chi phí cho các chiến dịch bán hàng và tiếp thị trong tương lai mà vẫn thu hút được tệp khách hàng sẵn có nhu cầu tự tìm đến/ quay lại.
Phải nói rằng, để xây lại một hệ thống từ đầu là một lựa chọn cần nhiều suy xét và đầu tư tài chính. Tuy nhiên, ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp đã có thể lựa chọn headless commerce như bước đầu tiên trong hành trình chuyển đổi số để bắt kịp xu thế và kỳ vọng của khách hàng trước khi quyết định chuyển đổi sâu và toàn diện hơn về lâu dài.
VECOM