Cụ thể, về hạ tầng CNTT: 100% cán bộ công chức trong cơ quan nhà nước – đến cấp xã – được trang bị máy tính; 100% sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và 80-90% các UBND xã, phường, thị trấn được kết nối bằng cáp quang với mạng diện rộng.
Về ứng dụng CNTT được chia ra các lĩnh vực: xây dựng và phát triển công dân điện tử; xây dựng và phát triển chính phủ điện tử; xây dựng và phát triển DN điện tử; phát triển giao dịch và thương mại điện tử với các chỉ tiêu cụ thể.
Về công nghiệp CNTT sẽ quy hoạch và xây dựng năm khu công nghiệp phần mềm và nội dung số, hai phân khu công nghiệp phần cứng. Về phát triển nguồn nhân lực: 100% lãnh đạo sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và cấp xã được đào tạo kiến thức, kỹ năng khai thác sử dụng các ứng dụng CNTT…Trong Báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT – TT năm 2012 (ICT Index 2012) do Hội Tin học Việt Nam phối hợp với Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về CNTT công bố cuối năm qua, Hà Nội đã tụt hạng ba bậc so với năm trước khi đứng vị trí thứ 10. Năm 2011, Hà Nội đứng thứ bảy, lùi bốn bậc so với năm 2010 (đứng thứ ba).
Ở từng chỉ số cụ thể, năm 2012, Hà Nội tiếp tục xếp các vị trí khá xa. Chẳng hạn, chỉ số về hạ tầng kỹ thuật, Hà Nội đứng thứ 10 (năm 2011, năm 2010 đều đứng thứ 3); về xếp hạng môi trường tổ chức, chính sách, Hà Nội đứng thứ 29 (năm 2011 đứng thứ 20)… Duy nhất có chỉ tiêu xếp hạng về sản xuất, kinh doanh CNTT thì Hà Nội vươn lên đứng vị trí thứ 2 (năm 2011 đứng thứ 7).
Trước đó, việc tụt hạng được lý giải là do sự sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội. Nhưng lần tụt hạng mới nhất này, lý do đó không thuyết phục nữa. Lãnh đạo Hội Tin học Việt Nam cho biết, rất khó lý giải được vì sao Hà Nội liên tiếp thụt lùi về các chỉ số liên quan đến ứng dụng CNTT. Việc phê duyệt quy hoạch phát triển CNTT lần này đã phần nào thể hiện quyết tâm của lãnh đạo thủ đô trong việc đưa Hà Nội vươn lên trong lĩnh vực này./
Nguồn: MIC