Giao dịch thương mại điện tử: Cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường

Ngày đăng: 2016-03-09

Bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng và ký kết nhiều hiệp định thương mại đã mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp (DN) trong nước phát triển. Xác định việc quảng bá thương hiệu, sản phẩm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển, doanh nghiệp Việt Nam đã ứng dụng rộng rãi giao dịch thương mại điện tử (GDTMĐT) vào các hoạt động kinh doanh.

 

Nhiều lợi ích thiết thực

Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ thông tin như hiện nay, một trong những lợi ích thiết thực là thông qua sàn GDTMĐT, DN có cơ hội giới thiệu, quảng bá sản phẩm và tạo nên “chiếc cầu nối” giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng. Đây cũng là cơ hội mở thêm cơ hội hợp tác, liên kết, liên doanh với các DN khác ở phạm vi trong nước và cả nước ngoài, từ đó giúp doanh nghiệp nắm bắt kịp thời thông tin về nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng và phát triển mạnh mạng lưới phân phối.

 

 

Ông Trần Hữu Linh – Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ Thông tin

 

Trao đổi với Tạp chí Thương Gia & Thị Trường, Ông Trần Hữu Linh – Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ Thông tin, Bộ Công Thương, cho biết: “Có thể nói việc đổi mới các phương thức xúc tiến thương mại ở tầm quốc gia cũng như trong mỗi DN trong thời gian tới rất quan trọng. Với sự phát triển của công nghệ thông tin, bên cạnh việc xúc tiến thương mại qua các kênh truyền thống như tham dự hội chợ, triển lãm, đưa hàng vào các showroom…,thì một DN, một khách hàng bất kỳ trên thế giới khi muốn tìm một DN đối tác, một sản phẩm nào đó thì công cụ thường sử dụng đầu tiên đó là internet và các công cụ tìm kiếm. Do đó, TMĐT phải là một phần không thể thiếu trong kế hoạch kinh doanh của DN.

 

So với các hình thức quảng bá khác, thì GDTMĐT sẽ giúp DN giảm tối đa các khoản chi phí quảng cáo trực tiếp và gián tiếp, không cần tốn nhiều về nhân lực. Thêm vào đó là sự tiện ích, nhanh chóng, chỉ cần nhấp chuột là thông tin được tải lên và đáp ứng các yêu cầu của các đối tác, người tiêu dùng… Bên cạnh đó, hình thức này không chỉ mang lại lợi ích cho các DN, mà còn mở ra nhiều cơ hội cho người tiêu dùng trong lựa chọn sản phẩm phù hợp với nhu cầu và điều kiện kinh tế của mình; đồng thời tạo nên sự cạnh tranh giữa các DN về nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm, giá thành… làm cho thị trường hàng hóa không ngừng phát triển và có lợi cho người tiêu dùng.

 

Cần phát huy sức mạnh

Với sự nỗ lực không ngừng trong phát huy hiệu quả của các sàn GDTMĐT, nhiều thành viên tích cực quảng bá giới thiệu về DN, sản phẩm và các dịch vụ của mình; luôn đổi mới hình ảnh, thông tin phong phú và đa dạng. Qua đó, tạo nên sự hấp dẫn và góp phần làm tăng số lượt người truy cập trên sàn.

 

Theo các DN tham gia sàn GDTMĐT, mặc dù các DN đã xây dựng website riêng để giới thiệu, quảng bá cho doanh nghiệp của mình, nhưng các DN vẫn tham gia sàn GDTMĐT. Bởi, thông qua sàn GDTMĐT, các sản phẩm, dịch vụ của DN được biết đến nhiều hơn, số lượng truy cập vào các trang điện tử của DN cũng tăng lên.

 

Một trong những trở ngại mà DN thường gặp đó chính là thiếu thông tin hoặc tiếp cận các thông tin cần thiết một cách rất khó khăn, như thông tin về thị trường bản xứ, thông tin về đối tác, bạn hàng, thông tin về thủ tục xuất nhập khẩu… DN cần chủ động trong việc tìm hiểu thông tin, và có cách thức sử dụng thông tin hiệu quả. Mặt khác, DN lại thường cho rằng thông tin cần phải miễn phí. DN nên nhìn nhận dưới góc độ là cần phải đầu tư cho thông tin, cần có bộ phận chuyên trách để tìm kiếm, thu thập, phân tích thông tin để giúp cho lãnh đạo DN ra quyết định kinh doanh phù hợp.

Minh Sơn – Thương gia và Thị trường.