Theo VECOM, Email đứng đầu về nhận đơn đặt hàng qua các công cụ trực tuyến của doanh nghiệp, cao hơn nhiều hai hình thức khác là website hay sàn thương mại điện tử và mạng xã hội. Song bán hàng thì ngược lại.
Theo Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM), phần mềm kế toán hiện là nhóm phần mềm được sử dụng nhiều nhất trong doanh nghiệp. Tiếp theo là phần mềm quản lý nhân sự với 53% doanh nghiệp sử dụng.
Tuy nhiên còn khá ít doanh nghiệp sử dụng các phần mềm phức tạp trong việc triển khai như quản lý khách hàng (CRM), quản lý chuỗi cung ứng (SCM) và quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP). “Xu hướng sử dụng các phần mềm này chưa có dấu hiệu thay đổi so với các năm trước”, theo VECOM.
Xét trong nhóm doanh nghiệp lớn thì có 94% doanh nghiệp đã sử dụng phần mềm tài chính kế toán, 83% doanh nghiệp có sử dụng phần mềm quản lý nhân sự. Nhìn chung nhóm doanh nghiệp lớn vẫn có tỷ lệ sử dụng các phần mềm chuyên dụng cao hơn doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Có thể thấy mức độ chênh lệch của việc sử dụng các phần mềm giữa nhóm doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ và vừa là khá cao, đặc biệt là đối với phần mềm ERP độ chênh lệch lên tới gần ba lần.
Vẫn theo VECOM, Email tiếp tục là hình thức nhận đơn đặt hàng qua các công cụ trực tuyến của doanh nghiệp. Năm 2017 có 79% doanh nghiệp nhận đơn đặt hàng qua email và giảm 6% so với năm 2016. Hai hình thức khác là website và sàn thương mại điện tử/mạng xã hội có tỷ lệ thấp hơn nhiều và đều dưới mức 50%.
VECOM cũng tiến hành khảo sát về tỷ lệ đầu tư, xây dựng và vận hành website/ứng dụng di động trên tổng vốn đầu tư thương mại điện tử của doanh nghiệp. Theo đó, đa số doanh nghiệp vẫn chưa chú trọng đầu tư nhiều vào khâu này, điển hình có tới 60% doanh nghiệp tham gia khảo sát chi dưới 20% trong tổng số vốn đầu tư thương mại điện tử để xây dựng, vận hành website/ứng dụng đi động, 33% doanh nghiệp đầu tư từ 20 – 50%.
Không có sự khác biệt đáng kể giữa các doanh nghiệp lớn với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tỷ lệ chỉ cho xây dựng và vận hành website/ứng dụng di động.
Ngoài ra có khoảng 39% doanh nghiệp tham gia khảo sát đánh giá cao hiệu quả bán hàng trực tuyến thông qua mạng xã hội, cao nhất trong các công cụ trực tuyến. Đứng thứ hai là bán hàng thông qua website của doanh nghiệp chiếm 35%.
Giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) qua các công cụ trực tuyến, email vẫn là hình thức đứng đầu
Theo Nguyễn Trang – Tạp chí TGTT