Dự án Tạp hóa số ra mắt ngày 30/7 nhằm gia tăng khả năng cung ứng, phân phối hàng hóa thiết yếu bằng mạng lưới cửa hàng tạp hóa.
Đây là dự án được tổ chức bởi Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) và Liên minh chuyển đổi số (DTS), do Chuỗi tạp hóa Cam và IM Group triển khai.
Trong bối cảnh Covid-19 tại TP HCM diễn biến phức tạp, nhằm đảm bảo phòng chống dịch, chợ tự phát và tạp hóa bán lẻ phải dừng hoạt động, trong khi nhu cầu mua sắm mặt hàng thiết yếu tăng mạnh. Sức mua của người dân dồn đến các siêu thị, cửa hàng và sàn thương mại điện tử gây nên tình trạng quá tải, giao hàng đình trệ do số lượng đơn hàng lớn, đặc điểm sản phẩm hàng tiêu dùng thiết yếu cần phải giao hàng trong ngày và khan hiếm người giao hàng.
Mặc dù, hiện nay một số chợ truyền thống được vận hành và quản lý theo mô hình mới làm giảm áp lực cho các kênh mua sắm hiện có, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu người tiêu dùng. Trong bối cảnh này, vấn đề lớn trong ngành bán lẻ là làm sao cung ứng đầy đủ nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân mùa dịch một cách nhanh chóng, tối ưu hiệu quả nhưng vẫn đảm bảo các quy định phòng phòng dịch.
Theo số liệu thống kê đến tháng 7/2021, trên địa bàn TP HCM có khoảng 40.000 cửa hàng tạp hóa. Đây là mạng lưới phân phối có độ phủ lớn nhất xung quanh các khu dân cư. Tuy nhiên, các cửa hàng này đang vận hành đơn lẻ, tính phân tán cao theo phương thức tự kinh doanh, không có cơ quan chủ quản, chưa có các quy chuẩn chung và phương thức phòng dịch nên phải tạm dừng hoạt động.
Vì vậy, các chuyên gia cho rằng cần có chương trình, kế hoạch cụ thể nhằm tập hợp các tạp hóa thành chuỗi cung ứng, phát triển và quản lý chuỗi cung ứng mặt hàng thiết yếu tối ưu hiệu quả, đáp ứng cho nhu cầu người tiêu dùng hiện nay.
Lễ công bố dự án Tạp hóa số theo hình thức trực tuyến, ngày 30/7
Tại buổi ra mắt dự án, đại diện nhà phân phối Tiến Minh cho hay, vấn đề lưu thông, vận chuyển hàng hóa gặp nhiều khó khăn, nguồn hàng đứt gãy khi các văn bản chỉ thị phòng, chống dịch liên tục được đưa ra, tuy nhiên nội dung chưa thống nhất rõ ràng đối với từng khu vực gây nên tình trạng ùn tắc hàng hóa. Trong đó, nhà phân phối Tiến Minh đã ứng dụng nhận đơn hàng trên kênh mạng xã hội, nhưng còn nhiều cửa hàng tạp hóa vẫn đang vận hành theo hình thức truyền thống, chưa làm quen với hệ thống đặt hàng online.
"Vì vậy, mong rằng chương trình tạp hóa số sẽ hỗ trợ cho Tiến Minh cũng như hệ thống tạp hóa chuyển đổi số hiệu quả và đáp ứng nhu cầu chuỗi cung ứng hiện nay", đại diện nhà phân phối này chia sẻ.
Với mục tiêu sử dụng nền tảng công nghệ để đưa hệ thống các cửa hàng tạp hóa trở thành chuỗi cung ứng thực phẩm thiết yếu, giảm áp lực cho các kênh phân phối hiện có, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) và Liên minh chuyển đổi số (DTS), cùng Hệ thống Chuỗi tạp hóa Cam và IM Group - Hệ thống Học viện Kinh doanh số triển khai dự án Tạp hóa số.
Sự kiện ra mắt dự án được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó chủ tịch VECOM cho biết, hệ thống cửa hàng tạp hóa có độ phủ lớn trên khắp cả nước với hình ảnh gần gũi, cung cấp đầy đủ các mặt hàng nhu yếu phẩm cho người tiêu dùng và giữ vai trò như nhà đại diện nhà phân phối. Dịch bùng phát, siêu thị quá tải, 70% số lượng đơn hàng trên các sàn thương mại điện tử tồn đọng. Trong khi đó, hệ thống tạp hóa đang hoạt động hiệu quả, tuy nhiên chưa có hướng xoay chuyển kịp thời và phải đóng cửa để đảm bảo an toàn chống dịch, vì vậy cần có giải pháp để nâng cao vai trò của cửa hàng tạp hóa.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó Chủ tịch VECOM phát biểu tại sự kiện
"Trong thời gian tới, VECOM và các đối tác Liên minh DTS, IM Group sẽ liên kết để hỗ trợ chuyển đổi số cho các cửa hàng tạp hóa tham gia dự án tạp hóa số, hệ thống tạp hóa số sẽ trở thành kênh phân phối hiệu quả và an toàn trong mùa dịch", ông Dũng nói.
Ông Leon Trương - Chủ tịch Liên minh DTS chia sẻ, thời gian đầu, Liên minh DTS cũng đã làm việc với VECOM để đưa ra các giải pháp để hỗ trợ các tiểu thương tại chợ bán hàng, tuy nhiên các hình thức này chưa đáp ứng kịp thời khi tình hình dịch bệnh ngày càng diễn biến khó lường. Trước đây, cửa hàng tạp hóa bán lẻ chịu tải từ 70-75% sức mua, vì vậy tạo nên áp lực lớn cho chuỗi cung ứng khi hệ thống này dừng hoạt động.
"Chuỗi cửa hàng tạp hóa tham gia chương trình tạp hóa số trước mắt sẽ giải quyết bài toán phục hồi chuỗi cung ứng mùa dịch, mục tiêu lâu dài sẽ phát triển thành hệ thống cung ứng hiện đại, vận hành tối ưu", ông Leon Trương cho biết.
Kế hoạch triển khai dự án tạp hóa số gồm 4 nội dung chính. Cụ thể, Tạp hóa số sẽ kết nối và cung cấp hàng hóa đa dạng gồm rau, củ, quả và nhu yếu phẩm cần thiết cho cửa hàng tạp hóa. Cung cấp các ứng dụng công nghệ trong bán hàng và đặt hàng. Với hình thức kinh doanh cũ, nhân viên kinh doanh sẽ đến từng cửa hàng để thống kê số lượng hàng cần cung cấp cho tạp hóa, nhưng với ứng dụng đặt hàng và bán hàng online sẽ đảm bảo các yêu cầu mùa dịch.
Kế đến, triển khai tổ chức các chương trình tập huấn bán hàng online, bán hàng trên các kênh mạng xã hội và hướng dẫn chăm sóc khách hàng cho các chủ cửa tiệm tạp hóa. Và cuối cùng, triển khai các giải pháp cho nhà cung cấp và nhà phân phối, cung cấp miễn phí hệ thống quản lý kho, giao hàng và đặt hàng. Đồng thời, chương trình thực hiện kết nối bán hàng với mạng lưới tạp hóa số và đào tạo chuyển đổi số.
Mục tiêu của dự án là lan tỏa sứ mệnh và thông điệp từ dự án đến tất cả chủ cửa hàng tạp hóa. Trong tháng 9, dự án sẽ thực hiện chuyển đổi số và triển khai trên chuỗi 2.000 cửa hàng tạp hóa tại TP HCM. Thời gian tới sẽ tiếp tục mở rộng đến các tỉnh thành khác trên khắp cả nước.
Dự án Tạp hóa số với sự tham gia của các chủ cửa hàng, nhà phân phối.
Tạp hóa là kênh phân phối tiềm năng để giải quyết các vấn đề bất cập hiện tại, ứng dụng công nghệ mang nhu yếu phẩm đến gần người dân hơn. Chương trình kêu gọi sự tham gia của tất cả các cửa hàng tạp hóa, các nhà phân phối và nhãn hàng, đối tác trên địa bàn TP HCM tham gia từ ngày 1/8.
VECOM