Từ năm 2010, TMĐT thực sự phát triển mạnh mẽ trên cả nước. Trong giai đoạn bùng nổ, tác động lan tỏa rộng khắp của Internet, công nghệ thông tin và viễn thông di động, đây dần được xem là công cụ thúc đẩy sự phát triển kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp nước ngoài. Theo thống kê của Bộ Công Thương, TMĐT nước ta đang phát triển ổn định với doanh thu đạt khoảng 2,2 tỷ USD/năm, giá trị mua hàng trực tuyến bình quân đầu người ước tính khoảng 120 USD/năm.
Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, khoảng 45% doanh nghiệp tham gia khảo sát đã xây dựng trang web, trong đó, 92% trang web có chức năng giới thiệu sản phẩm và 41% có chức năng đặt hoặc bán hàng trực tuyến. Con số này chưa tính lượng khổng lồ các trang bán hàng trực tuyến do cá nhân hay hộ gia đình lập ra. Với quy mô dân số 90 triệu người, đặc biệt có khoảng hơn 31 triệu người (tương đương 36% dân số) sử dụng Internet, có thể thấy, cơ hội phát triển của TMĐT trong nước vẫn rất nhiều tiềm năng.
Ảnh internet
Tuy nhiên, hiện nay, lĩnh vực TMĐT trong nước vẫn chưa thực sự đạt được những bước phát triển như kỳ vọng, bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế. Giám đốc điều hành Rocket Internet (Đức) tại Việt Nam (đơn vị sở hữu trang bán hàng trực tuyến Lazada.vn) Phan Kim Đôn cho rằng, điểm yếu của phần lớn doanh nghiệp kinh doanh TMĐT trong nước là chưa thực sự chú trọng đến khâu chăm sóc khách hàng, nhất là sau khi hàng đã được bán nên chưa thực sự chiếm được lòng tin của người tiêu dùng. Người đặt ra luật lệ giao dịch, điều khoản cung cấp hàng hóa, thông tin sản phẩm, thông thường cũng chính là chủ sở hữu trang web TMĐT nên quyền, lợi ích của người mua và tính minh bạch trong giao dịch thường bị xem nhẹ.
Trên thực tế, nhiều trường hợp người tiêu dùng nhận được sản phẩm kém chất lượng, thậm chí sai lệch cả về hình ảnh so với quảng cáo trên trang web. Vì thế, nhiều người tiêu dùng trở lại với cách mua hàng truyền thống, quay lưng với TMĐT. Nhiều trường hợp người mua chỉ xem xét thông tin sản phẩm trên mạng, sau đó giao dịch trực tiếp tại cửa hàng của người bán, làm mất đi tinh thần của TMĐT: việc mua bán chỉ thông qua giao dịch qua mạng…
Tìm động lực cho TMĐT phát triển đúng hướng
Nhiều chuyên gia nhận định, Chương trình phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2014 – 2020 vừa được Chính phủ chính thức phê duyệt sẽ tạo động lực cho TMĐT của nước ta phát triển đúng hướng; ngày càng thuận lợi và từng bước trở thành hình thức mua hàng phổ biến của người tiêu dùng thời gian tới. Cụ thể, xây dựng hệ thống thanh toán TMĐT quốc gia, tạo điều kiện cho việc phát triển các mô hình TMĐT, nhất là loại hình TMĐT giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng. Xây dựng và nhanh chóng ứng dụng rộng rãi giải pháp thẻ thanh toán tích hợp nhằm giảm thiểu các giao dịch bằng tiền mặt.
Bên cạnh đó, hoàn thiện và tiến hành áp dụng phổ biến chứng thực chữ ký số nhằm tăng cường tính an toàn, bảo mật cho các giao dịch TMĐT. Hỗ trợ, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp xuất khẩu tham gia các sàn giao dịch TMĐT uy tín trong nước và quốc tế; xây dựng các giải pháp phát triển ứng dụng TMĐT trên nền thiết bị di động, phát triển nội dung số cho TMĐT và xây dựng các ứng dụng dịch vụ công trực tuyến hỗ trợ cho các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp.
Với nhiều hạng mục quan trọng và thiết thực, đáp ứng nhu cầu phát triển TMĐT và đặt lợi ích của người tiêu dùng lên hàng đầu, trong những năm tới, TMĐT tại Việt Nam sẽ là một trong những điểm sáng của nền kinh tế.
Theo daibieunhandan