Theo ông Vincent Wong, Giám đốc Điều hành Bộ phận phát triển kinh doanh và Dịch vụ người mua của sàn TMĐT Alibaba.com, đặt trong bối cảnh thị trường khó khăn và buộc phải cắt giảm chi phí như hiện nay, nhiều nhà nhập khẩu đang bắt đầu chuyển sang tìm kiếm những nguồn hàng chất lượng tương đương với mức giá thấp hơn tại một số thị trường mới.
“Trước đây các nhà nhập khẩu lớn thường tìm kiếm nguồn hàng từ các thị trường quen thuộc như Ấn Độ, Trung Quốc. Tuy nhiên, xu hướng này đang thay đổi khi họ đang chuyển sang tìm kiếm sản phẩm từ những thị trường mới với chất lượng, chi phí hợp lý hơn”, ông Vincent Wong bày tỏ.
Khảo sát gần đây của công ty Nielsen cũng chỉ rõ, người mua hoạt động trên các sàn TMĐT ngày càng muốn tiếp cận những nhà sản xuất trực tiếp, không qua trung gian.
Đánh giá của Alibaba.com còn cho thấy, gần đây Alibaba.com cũng thường xuyên tiếp nhận yêu cầu trực tiếp từ các tập đoàn lớn trên thế giới về việc tìm kiếm nhà cung cấp thuộc nhiều ngành hàng khác nhau của Việt Nam, trong đó có thể kể đến các tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới như Kmart, Carrefour, OfficeMax và Walmart.
Cùng đó, hiện 3 ngành hàng của Việt Nam đang được người mua quan tâm tìm kiếm nhiều nhất trên Alibaba.com là nông sản (20%), thực phẩm và đồ uống (19%), xây dựng và bất động sản (8%). Trong đó, có tới 9% số hỏi hàng từ Mỹ, 8% từ Trung Quốc và 8% từ Ấn Độ.
“Thực tế này cho thấy các mặt hàng của Việt Nam đang ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm từ những doanh nghiệp lớn trên thế giới”, đại diện Alibaba.com nói.
Và nhiều chuyên gia trong lĩnh vực TMĐT cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam nên tận dụng cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu.
Ông Trần Đình Toản, Phó TGĐ công ty OSB Việt Nam nhấn mạnh, Việt Nam hiện thuộc Top 10 thị trường có sản phẩm được tìm kiếm nhiều nhất trên thế giới. Vì thế, đây là thời điểm các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam có thể bứt phá thông qua TMĐT.
Còn theo bà Phó Nam Phượng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM, trước những khó khăn như hàng rào kỹ thuật, việc tìm hiểu thị hiếu và kết nối với các nhà nhập khẩu…, hiện nhiều doanh nghiệp đã chủ động tìm kiếm giải pháp thông qua TMĐT, đặc biệt là các sàn TMĐT B2B (kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp) để đạt được những ưu điểm về chi phí và thời gian tối ưu, phạm vi tiếp cận và cơ hội quảng bá.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng khuyến cáo các doanh nghiệp khi tham gia TMĐT cần lưu ý đặc tính của môi trường TMĐT là các giao dịch diễn ra rất nhanh chóng, do đó cần xây dựng thói quen phản hồi khách hàng kịp thời để có thể tận dụng, khai thác tốt kênh tìm kiếm khách hàng đầy tiềm năng này.
Nguồn: ICT News
Các bài liên quan:
Tập huấn hỗ trợ các Doanh nghiệp Thương mại điện tử
Vecom hợp tác với Smartlink hỗ trợ các doanh nghiệp thương mại điện tử Việt Nam