Điểm lại Pháp luật Kinh doanh 2018

Ngày đăng: 15-01-2019

[Hà Nội, ngày 15 tháng 01 năm 2019] Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo “Điểm lại Pháp luật kinh doanh 2018” ghi lại bức tranh pháp luật và những chuyển động chính sách nổi bật của Việt Nam trong năm 2018.

Chủ trì hội thảo là ông Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch VCCI phát biểu: “Năm 2018 là năm của cải cách thể chế với việc đồng khởi những nỗ lực cắt giảm các điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính kiểm tra chuyên ngành. Hai điểm nghẽn lớn nhất cho việc gia nhập thị trường và lưu thông thương mại qua biên giới, và cũng là hai rào cản lơn nhất cho phát triển kinh tế tư nhân và hội nhập – với tư cách là những động lực quan trọng hàng đầu của công cuộc phát triển kinh tế ở Việt Nam. Chúng ta đã làm được nhiều việc trong cuộc đồng khởi này – 50% điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành được đơn giản hoá hoặc dỡ bỏ đã giải phóng doanh nghiệp khởi hàng ngàn các thủ tục và chi phí không cần thiết, góp phần thúc đẩy hoạt động của doanh nghiệp, mang lại niềm tin cho giới kinh doanh”

 

Ông Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch VCCI phát biểu khai mạc 

 

Ông Lộc cho hay:” Những con số ấn tượng về thành tựu kinh tế và những dự cảm tốt đẹp cho năm 2019 là những chỉ báo quan trọng của niềm tin, và chúng ta có chung một cảm nhận là một giai đoạn mới của cải cách đang bắt đầu. Sự cộng hưởng của công cuộc phòng chống tham nhũng được đẩy mạnh, cải cách thể chế, các nỗ lực hội nhập và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ trong kỷ nguyên số đang mở ra những triển vọng tốt đẹp cho nền kinh tế Việt Nam. Nhưng câu chuyện về pháp luật kinh doanh và bức tổng thể về bức tranh luật kinh doanh vẫn còn những điểm mờ, cải cách ở nhiều lĩnh  vực vẫn còn chậm và chưa thực chất. Chúng ta vẫn dùng những tư duy cũ để quản lý những mô hình kinh doanh mới, vẫn thấy tình trạng gập ghềnh trong tư duy quản lý của các bộ ngành. Các giải pháp  thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân vẫn thiên về các biện pháp ưu đãi, hỗ trợ mà ngập ngừng trong việc giải quyết những vấn đề cốt lõi về thể chế…”

 Trong buổi hội thảo, Ông Đậu Tuấn Anh- Trưởng Ban Pháp chế VCCI thông qua Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2018 tham luận về xu thế pháp luật kinh doanh: “ Về rà soát điều kiện đầu tư kinh doanh chịu sự ảnh hưởng từ sức nóng của Nghị quyết 01 và 19. Tính đến cuối tháng 11/2018, có 25 nghị định của 15 bộ ngành. Những điểm sáng của lĩnh vực này là bãi bỏ toàn bộ ngành nghề, bãi bỏ các điều kiện không cần thiết, bãi bỏ điều kiện áp đặt quy mô, bãi bỏ điều kiện không minh bạch. Về thủ tục hành chính chịu ảnh hưởng của Nghị quyết 01, 19, 139, điều này mang lại nhiều kết quả tích cực được doanh nghiệp đánh giá cao. Những điểm sáng phải kể đến như Nghị đinh in giảm thời gian xử lý hồ sơ, giảm thành phần hồ sơ, thực hiện qua mạng…

 

Ông Đậu Tuấn Anh – Trưởng Ban Pháp chế VCCI

 

Ông Tuấn Anh cũng cho biết thêm: “Về ưu đãi hỗ trợ trong nông nghiệp rất nhiều ưu đãi nhiều những chưa giải quyết vấn đề cốt lõi như quyền tài sản đối với đất đa, có tới 76% doanh nghiệp nông nghiệp gặp khó về thủ tục hành chính đất đai, đất đai là lĩnh vực phiền hà nhất đối với doanh nghiệp nông nghiệp; bảo hộ sở hữu trí tuệ, nhãn mác như tình trạng giả nhãn mác, sở hữu trí tuệ, tình trạng mua chứng nhận, không xử lý vi phạm về nhãn mác, chứng nhận; thực thi hợp đồng xuất hiện tình trạng lật kèo khi ký hợp đồng sản xuất – tiêu thụ, xét xử kéo dài, thi hành án kém hiệu quả…

Năm 2018 ghi nhận sự xâm lấn của mô hình kinh tế chia sẻ như hoạt động vận tải qua phương thức kết nối công nghệ, kinh doanh lưu trú qua mô hình kết nối Airbnb. Doanh nghiệp truyền thống phản ứng gay gắt khi phản đối chính sách, khởi kiện dân sự đồi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Cơ quan nhà nước khá lúng túng lựa chọn, chưa có động thái xử lý và quản lý hoạt động.

 

Ông Nguyễn Thanh Hưng-Chủ tịch VECOM phát biểu tại hội thảo.

 

Trong buổi hội thảo, Ông Nguyễn Thanh Hưng- Chủ tịch Hiệp hội Thương mai điện tử Việt Nam chia sẻ về các chính sách luật qua góc nhìn hiệp hội. Ông Hưng cho hay: “Các luật còn rất nhiều vấn đề, muốn có chính sách tốt thì phải có sự chuẩn bị. Tôi lấy ví dụ năm 2018 chúng ta rất bị động về tiền ảo. Ngân Hàng Nhà Nước, Bộ Công Thương, Bộ Tài Chính lúng túng cho nhập khẩu máy đào tiền ảo hay không, tranh luận mãi thì tiền ảo sụt giá, nếu tiền ảo lên 50.000 USD thì sẽ rất sôi động. Nhưng việc ra luật chậm đã khiến nhập rất nhiều máy đào về, giờ là đống sắt vụn. Hiện nay với sự phát triển của khoa học công nghệ, chính sách đang đi sau nhiều quá. Tính nhất quán của chính sách chưa nhất quán. Năm 2018 chứng kiến sự bùng nổ của các hình thức giao hàng nhanh, nhưng cuối năm 2018, nhiều công ty giải thể, chúng ta chưa kịp ra chính sách gì, chúng đã tự phát triển tự giải thể. Kinh tế số dựa trên nền tảng Internet đang phát triển rất nhanh, môi trường chính sách của chúng ta đang là tháo gỡ rào cản, nhưng chúng ta cần cái lớn hơn là thúc đẩy phát triển”.

Trong buổi hội thảo có sự đóng ý kiến của các đại diện đến từ các cơ quan, hiệp hội: Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế trung ương, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội tỉnh Bắc Ninh, Hiệp hội Sữa Việt Nam, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, Hiếp hội kinh doanh chứng khoán, Hiệp hội các trường đại học cao đẳng Việt Nam; và các  chuyên gia về kinh tế, giáo dục cũng đưa ra ý kiến về pháp luật kinh doanh trên lĩnh vực của mình và đề xuất nguyện vọng được phát triển trong môi trường kinh doah thuận lợi hơn.

VECOM.

Viết bình luận của bạn