Phát biểu khai mạc tại hội nghị, ông Trần Tuấn Anh – Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết: Sau hơn 3 năm triển khai Quyết định số 1073/QĐ- TTg năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2011- 2015 đã có những bước chuyển biến quan trọng về hạ tầng pháp lý cho TMĐT. Trước nhiệm vụ quan trọng “Phát triển nhanh hạ tầng thương mại điện tử” đã được đề cập trong Nghị quyết số 13- NQ/TW Hội nghị lần thứ 4 BCHTW Đảng khóa XI. Thứ trưởng mong muốn qua hội nghị, các doanh nghiệp, nhà quản lý trong lĩnh vực liên quan sẽ đưa ra nhiều ý kiến trao đổi, phản biện nhiều chiều để góp phần xây dựng một hành lang pháp lý hoàn chỉnh trong hoạt động thương mại điện tử.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tham dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị tại TP.HCM và TP. Huế
Theo thống kê của Cục TMĐT và CNTT, hiện Việt Nam có gần 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có khoảng hơn 200.000 doanh nghiệp là có website. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 40% – 45% trên tổng số doanh nghiệp có website là có website TMĐT. Thế nhưng, chỉ có hơn 4.800 website TMĐT làm thủ tục thông báo/đăng ký. Trong đó, TP.HCM và Hà Nội chiếm tỷ lệ cao nhất.
Ông Trần Vinh Nhung, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, tại TPHCM có trên 144.000 tên miền website trong đó có trên 85.996 tên miền website TMĐT đang hoạt động, với gần 80.000 website TMĐT cần thanh tra, kiểm tra theo Nghị định số 52. Tuy nhiên chỉ mới có 2% website TMĐT trên địa bàn TPHCM đã đăng ký. Tình trạng website TMĐT “vô chủ” đang rất tràn lan, để quản lý được các website TMĐT cần phải có cơ chế phối hợp giữa Bộ Công Thương và Bộ Thông tin và Truyền thông.
Nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành năm 2013 nhằm tạo hành lang pháp lý lành mạnh cho việc phát triển TMĐT. Tuy nhiên, theo đánh giá của các đại biểu tham dự hội nghị, hiện nay việc quản lý các website thương mại điện tử tại các địa phương đang còn lỏng lẻo, thiếu nhân lực và sự phối hợp của các cơ quan chuyên ngành, các DN còn “ngại đăng ký”…
Quang cảnh Hội nghị diễn ra tại thành phố Huế
Các đại biểu tại hội nghị đều nhận định hoạt động quản lý nhà nước về TMĐT tuy đã nỗ lực theo sát thực tiễn nhưng vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Một trong những rào cản lớn nhất của công tác quản lý là tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký, thông báo theo đúng quy định khi tham gia TMĐT vẫn còn rất thấp; nhiều vấn đề phát sinh mới chưa được quản lý tốt như thuế; bảo mật; bảo vệ thông tin cá nhân; hàng cấm, hàng nhái xuất hiện tràn lan; hoạt động lừa đảo ngày càng phức tạp…
Trước thực tiễn trên, ông Trần Hữu Linh – Cục trưởng Cục TMĐT và CNTT cho rằng, đây là phương thức kinh doanh đặc thù nên cần có cách quản lý phù hợp. Có thể thấy, các mô hình kinh doanh TMĐT liên tục phát triển và mở rộng ở các mô hình mobile, mạng xã hội…Hàng giả, hàng cấm, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xách tay… cũng theo đó phát triển tràn lan trên mạng, không sợ sự kiểm soát, xử phạt của các cơ quan chức năng. Ngay cả các vấn đề phát sinh như thuế, an toàn bảo mật, bảo vệ thông tin cá nhân, kiểm tra – xử phạt cũng gây nhiều khó khăn, trở ngại cho các cơ quan thực thi hành pháp.
Ông Trần Hữu Linh – Cục trưởng cục TMĐT và CNTT và ông Trần Vinh Nhung – PGĐ Sở Công Thương TP.HCM trả lời đại biểu tại phần thảo luận ở TP.HCM
Do đó, kế hoạch 2014 – 2015, Bộ Công Thương sẽ tập trung sửa đổi Thông tư 12/2013/TT-BTC, đưa trách nhiệm của chủ các sàn giao dịch TMĐT, mạng xã hội đối với thông tin của người bán vào Thông tư. Bên cạnh đó, Bộ cũng tăng cường công tác kiểm tra các website bán hàng, sàn giao dịch TMĐT…; thẩm quyền thanh tra, xử phạt cho các thanh tra chuyên ngành; đồng thời xây dựng quy định quy chế thực hiện Chương trình Phát triển TMĐT quốc gia.
Theo VECITA