Đầu tư cho IoT: “Một đồng vốn, bốn đồng lời”

Ngày đăng: 2015-11-13

Theo Gartner, Internet of Thing (IoT) không còn là một khái niệm xa lạ mà nó đã làm thay đổi gần như cơ bản cách sống của con người tại một số thị trường phát triển về CNTT-Viễn thông.

 

Trong khi đó, tại những thị trường đang phát triển trong đó có Việt Nam, khái niệm IoT ngày càng hiển hiện rõ ràng hơn, đã được công nhận là chìa khóa của thành công trong tương lai.

 

Theo dự báo, nếu duy trì được tốc độ tăng trưởng như hiện nay, số lượng thiết bị kết nối IoT sẽ tăng lên thành gần 6,4 tỷ vào cuối năm sau với khoảng 5,5 triệu thiết bị kết nối mới mỗi ngày. Trong thời gian tới, sẽ có sự cạnh tranh mạnh mẽ trong lĩnh vực này khi mà các hãng công nghệ không hề giấu ý định xâm nhập vào thị trường này.

 

 

IoT thuở “sơ khai”

IoT được chính thức đề cập đến năm 1999, khi mà người ta bắt đầu nhìn nhận được tiềm năng của xu hướng này, lúc mà các rào cản giới hạn Internet, khoa học công nghệ dần được khai phá, nhưng mãi gần đây nó mới được nhiều doanh nghiệp cũng như các nhà khoa học để ý và phát triển mạnh mẽ.

 

Đến nay, IoT đã cho thấy tiềm năng của mình bằng những con số đáng kinh ngạc: 3,8 tỷ thiết bị kết nối mạng IoT vào cuối năm 2014, nhanh chóng tăng lên thành 4,9 tỷ vào tháng 11/2015.

 

 

Thống kê số lượng thiết bị kết nối vào mạng IoT toàn cầu năm 2014, 11/2015 và dự báo năm 2016 và 2020

 

Trong đó, khách hàng cá nhân chiếm phần lớn (60%) thiết bị kết nối IoT, phần còn lại thuộc về khách hàng doanh nghiệp. Điều này cho thấy người dùng cá nhân có nhu cầu rất cao trong việc sử dụng công nghệ để nâng cao chất lượng cuộc sống. Đây cũng là một điều đặc biệt của phân khúc thị trường công nghệ này.

 

Có được những thành tựu kể trên phải kể đến những nỗ lực chung trong việc loại bỏ và hạn chế tác động của những tác nhân ngăn cản sự phát triển của Internet of Things như chưa có một ngôn ngữ chung, hàng rào subnetwork, có quá nhiều “ngôn ngữ địa phương” và chi phí.

 

Trong đó, chi phí có thể nói là rào cản lớn nhất bởi lẽ cách duy nhất để các thiết bị IoT có thể thật sự giao tiếp với nhau đó là khi có một động lực kinh tế đủ mạnh khiến các nhà sản xuất đồng ý chia sẻ quyền điều khiển cũng như dữ liệu mà các thiết bị của họ thu thập được.

 

Tuy nhiên, thống kê mới đây của Gartner cho thấy cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp ngày càng mạnh tay chi tiền để sử dụng dịch vụ này.Cụ thể, họ sẵn sàng bỏ ra 939 tỷ USD để kết nối 3,8 tỷ thiết bị vào mạng IoT vào năm 2014. Số tiền này tăng lên thành 1.183 tỷ vào tháng 11/2015 và được dự báo sẽ tăng lên thành 1.414 vào năm sau.

 

 

Thống kê chi phí mà khách hàng đã bỏ ra để hòa mạng IoT vào năm 2014, 11/2015 và dự báo 2016, 2020

 

IoT của tương lai

Theo dự báo của Gartner, vào năm 2020, sẽ có hơn 20 tỷ thiết bị kết nối vào mạng IoT toàn cầu, tăng gấp 4 lần so với hiện nay. Để đạt được con số này, người dùng (cả cả nhân và doanh nghiệp) phải chi ra khoản tiền 3.010 tỷ USD.

 

Trong khi đó, Cisco, nhà cung cấp giải pháp và thiết bị mạng hàng đầu hiện nay dự báo: Đến năm 2020, sẽ có khoảng 50 tỷ đồ vật kết nối vào Internet, bao gồm hàng tỷ thiết bị di động, tivi, máy giặt, …

 

Còn theo một dự báo tổng thể hơn thì vào năm 2020, mạng Internet of Things sẽ tạo ra 4.000 tỷ USD doanh thu, hơn 25 triệu ứng dụng, hơn 25 tỷ hệ thống nhúng và hệ thống thông minh và 50 ngàn tỷ Gigabytes dữ liệu.

 

Từ những dẫn giải ở trên, có thể khẳng định, trong số tất cả những xu hướng công nghệ đang diễn ra hiện nay, có lẽ thứ lớn lao nhất chính là Internet of Things; chính nó sẽ mang đến cho chúng ta bước ngoặt lớn nhất cũng như cơ hội lớn nhất trong 5 năm tới.