'Cuộc đua' công nghệ của doanh nghiệp logistics

Ngày đăng: 03-03-2022

Các đơn vị vận chuyển áp dụng tự động hóa vào quy trình vận hành, tăng lợi thế cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường dự kiến tăng mạnh năm nay.

Theo báo cáo của Google và Temasek, tổng giá trị nền kinh tế Internet Việt Nam năm 2021 đạt 21 tỷ USD, tăng 31% so với 2020. Dự kiến đến năm 2025, toàn ngành đạt giá trị 57 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) chạm mốc 29%.Nhằm đáp ứng nhu cầu tăng vọt của thương mại điện tử, đồng thời giữ vững lợi thế cạnh tranh, nhiều doanh nghiệp logistics đã nhanh chóng ứng dụng tự động hóa vào vận hành. Việc các SMEs lẫn "ông lớn" ngành này tích cực đổ vốn vào nền tảng công nghệ hai năm trở lại đây của ngành này đã góp phần mở ra cuộc "chạy đua" đầu tư.

Những doanh nghiệp chuyển phát nhanh hoạt động lâu năm thường có hướng đi riêng. Đơn cử có Vietnam Post khi triển khai gần 30 hệ thống, phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin, tập trung vào các khâu chấp nhận - theo dõi - phát hàng; chăm sóc khách hàng; đối soát, thanh toán...

Công nghệ phân loại hàng tự động giúp Vietnam Post tối ưu sản lượng bưu gửi. Ảnh: Vecom

Công nghệ phân loại hàng tự động giúp Vietnam Post tối ưu sản lượng bưu gửi. Ảnh: Vecom

Trong đó, nổi bật là dự án công nghệ thông tin quy mô lớn "Hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin Bưu chính Việt Nam" (MPITS). Dự án được đánh giá góp phần tối ưu quy trình nghiệp vụ, nâng cao năng suất lao động. Chất lượng dịch vụ cũng được cải thiện đáng kể khi khách hàng sử dụng dịch vụ thuận tiện, tiết kiệm thời gian hơn, tăng trải nghiệm tại quầy giao dịch.

Đồng thời, việc mở rộng hệ thống dây chuyên khai thác, chia chọn tự động tại các trung tâm khai thác vận chuyển với công suất hàng chục nghìn bưu kiện mỗi giờ cũng góp phần đáp ứng tốc độ tăng trưởng bình quân sản lượng bưu gửi, đạt mức trên 30%.

Đầu năm 2021, Viettel Post khai trương trung tâm logistics tự động miền Nam giúp tiết kiệm 91% nhân lực, ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại vào vận hành, giám sát. Hai trung tâm chính gồm điểm chia chọn và fulfillment (hoàn tất đơn hàng), cung cấp đầy đủ dịch vụ gồm: nhập hàng vào kho, lưu kho, xử lý đơn, dán nhãn, xuất hàng, chia chọn...

Trong đó, khâu vận chuyển được ứng dụng công nghệ robot AGV giúp đưa hàng hóa đến tận điểm phân chia và lưu trữ tự động, sắp xếp hàng hóa, điều phối đơn ngẫu nhiên theo thuật toán tối ưu đường đi. Tại trung tâm chia chọn, hệ thống băng chuyền tự động công suất 42.000 bưu phẩm mỗi giờ có khả năng phân chia hàng nặng đến 50 kg và hàng nhỏ.

Các Trung tâm  phân loại hiện đại của BEST trang bị dây chuyền phân loại tự động giúp tối ưu thời gian xử lý và giao hàng trên toàn quốc. Ảnh: BEST Express

Các Trung tâm phân loại hiện đại của BEST trang bị dây chuyền phân loại tự động giúp tối ưu thời gian xử lý và giao hàng trên toàn quốc. Ảnh: BEST Express

Đơn vị vận chuyển BEST Express từ tháng 10/2019 cũng chính thức gia nhập thị trường Việt Nam với dịch vụ chuyển phát và mô hình nhượng quyền bưu cục. Đại diện doanh nghiệp cho biết công nghệ là nền tảng giúp tăng lợi thế cạnh tranh. Áp dụng công nghệ cao vào phân loại hàng hóa giúp đơn vị này tăng độ chính xác phân loại bưu kiện từ 80% lên mức gần như tối ưu. Hiệu quả phân loại cũng tăng gấp 4 lần so với phương pháp thủ công.

Hiện BEST Express sở hữu 30 trung tâm phân loại hàng hóa tự động trên cả nước. Khả năng phân loại lên đến 1,8 triệu đơn hàng mỗi ngày. Trong đó, TP HCM và Bắc Ninh là hai trung tâm lớn nhất, nhì của tập đoàn tại Đông Nam Á. Sau khi đi vào hoạt động, hai trung tâm giúp điều phối hàng hóa vận chuyển nhịp nhàng trên khắp các tỉnh, thành cả nước.

Mỗi trung tâm đều trang bị những băng chuyền phân loại hàng tốc độ cao, sử dụng công nghệ phân loại hiện đại đai chéo, ma trận đa tầng. Toàn quy trình ít có sự can thiệp của con người. Thông thường, mỗi bưu kiện khối lượng quy đổi dưới 3 kg chỉ mất 0,5-2 giây để hoàn thành phân loại. Quá trình này vận hành nhờ hệ thống khí nén và đẩy, giúp đảm bảo an toàn cho các kiện hàng khối lượng và kích thước phức tạp.

Băng chuyền phân loại hàng hóa trên 3 kg thiết kế ma trận đa tầng cho khả năng xử lý kiện hàng trong 2 giây của BEST Express. Ảnh: BEST Express

Băng chuyền phân loại hàng hóa trên 3 kg thiết kế ma trận đa tầng cho khả năng xử lý kiện hàng trong 2 giây của BEST Express. Ảnh: BEST Express

Thông tin kiện hàng ghi nhận bằng hệ thống cân, đo, quét mã vạch và quét hình ảnh tự động. Sau đó chúng được xử lý bởi công nghệ phân tích dữ liệu Big Data trên nền tảng điện toán đám mây BEST Cloud, đảm bảo thông tin bưu kiện được giám sát chặt chẽ.

"Lợi thế cạnh tranh trong ngành logistics hiện nay quyết định phần lớn nhờ công nghệ hiện đại. Theo đó, BEST Express không ngừng cố gắng nâng cao chất lượng, đầu tư công nghệ để hoạt động vận hành thêm nhanh chóng, linh hoạt. Rút ngắn thời gian giao hàng sẽ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nghiệm khách hàng, đối tác trên toàn quốc", đại diện BEST Express cho biết.

ST.