“Ông Trần Huy Bảo Giang – Giám đốc chuyển đổi số của FPT cho rằng, chuyển đổi số phải xuất phát từ thực tiễn doanh nghiệp sau đó mới tính đến lựa chọn quy trình và công nghệ phù hợp.
– Theo ông chuyển đổi số có gì khác nhau giữa quy mô doanh nghiệp nhỏ và lớn?
– Quy mô doanh nghiệp khác nhau cũng có sự khác nhau cơ bản khi chuyển đổi số. Công ty nhỏ thường ra quyết định nhanh và dễ. Bên cạnh đó họ chưa có hạ tầng công nghệ tốt cũng ảnh hưởng ít nhiều đến việc số hóa quy trình vận hành. Điều này cũng có nghĩa để có kết quả nhanh doanh nghiệp chỉ cần tập trung vào một số vấn đề trọng yếu.
Còn công ty lớn tuy khó ra quyết định nhưng lại có nền tảng tốt, công cụ và dữ liệu có sẵn, tạo ra một cơ sở tốt khi bắt tay vào số hóa. Quan trọng với họ là suy nghĩ xem nên làm gì trước, làm gì sau.
– Với doanh nghiệp nhỏ và vừa, đâu là vấn đề phải giải quyết đầu tiên?
– Theo tôi mỗi đơn vị có một đặc thù khác nhau nên không có công thức chung cho vấn đề này. Tất nhiên chuyển đổi số thì lúc nào cũng sẽ giải quyết những vấn đề về vận hành, nâng cao trải nghiệm khách hàng… Nhưng mỗi đơn vị lại có một vấn đề và một đặc thù khác nhau nên đầu tiên doanh nghiệp phải biết vấn đề mình là gì. Nếu một doanh nghiệp đang vận hành xuất sắc, đang quản lý chuỗi cung ứng tốt, họ không cần chuyển đổi. Do đó mới nói mỗi doanh nghiệp phải tự hiểu mình trước.
Ông Trần Huy Bảo Giang – Giám đốc chuyển đổi số của FPT. Ảnh: Tuấn Cao
Vấn đề chi phí ảnh hưởng như thế nào đến quyết định chuyển đổi số của doanh nghiệp?
– Chi phí luôn là vấn đề mà doanh nghiệp phải quan tâm, cân nhắc. Tuy nhiên khi thực hiện chuyển đổi số doanh nghiệp phải hướng đến việc đạt được một giá trị nhất định cùng với việc sử dụng các công cụ của các bên trong hệ sinh thái. Ví dụ để nghiên cứu một chatbot thì rất mất thời gian, hay phát triển một công nghệ ứng dụng công nghệ AI cũng tốn nhiều tiền bạc. Nếu sử dụng các công cụ có sẵn trong hệ sinh thái sẽ giúp công ty tiết kiệm chi phí và thời gian hơn. Doanh nghiệp vừa và nhỏ nên sử dụng những công cụ có sẵn đã được các công ty công nghệ lớn phát triển thành công.
– Trong giai đoạn Covid-19, việc chuyển đổi số đóng vai trò như thế nào với sự phát triển doanh nghiệp?
– Có 3 điều cần ưu tiên trong giai đoạn này gồm: sinh tồn, phát triển và chuẩn bị cho tương lai. Theo tôi, chuyển đổi số hay làm bất cứ việc gì đều phải hướng đến vấn đề sinh tồn, từ đó rồi mới phát triển và hướng đến tương lai thay đổi như thế nào.
Nhiều công ty cho rằng đây là cơ hội để chuyển mình và thực hiện 3 điều ưu tiên trên. Quan điểm tôi thấy phù hợp để giúp doanh nghiệp có sức bật cao hơn hơn. Còn nếu chỉ án binh bất động, cắt giảm chi phí thì công ty sẽ khó có thể hồi phục như trước. Thực tế này đã chứng minh bởi những lần khủng hoảng trước.
– FPT tham gia chuyển đổi số tại các doanh nghiệp ra sao?
– Tại FPT, liên quan đến việc chuyển đổi số, chúng tôi có một quy trình gồm hai bước để hỗ trợ các doanh nghiệp. Đầu tiên là xác định cách làm và xây dựng lộ trình, thực hiện quá trình chuyển đổi số như thế nào, làm gì trước, làm gì sau. Chúng tôi có FPT digital Kaizen, tức là một quy trình chuyển đổi số nhấn mạnh vào sáng tạo, làm sao để đạt kết quả tốt nhất và làm sao để liên tục cải tiến và đi đến đích. Khi ta đã biết làm gì và làm như thế nào rồi thì tương ứng có loạt sản phẩm và giải pháp giúp các doanh nghiệp chuyển đổi số nhanh hơn, cải thiện năng suất, trải nghiệm khách hàng, mang lại nhiều giá trị khác nhau. Chúng tôi giúp doanh nghiệp hiểu việc chuyển đổi số như thế nào rồi mới có thể lựa chọn sản phẩm, công cụ phù hợp với nhu cầu.
Chuyển đổi số phải hướng vào thực chất của doanh nghiệp và phải có quy trình, cách làm hợp lý rồi mới nghĩ đến việc sử dụng công nghệ gì để giải quyết.
Diễn đàn “Chuyển đổi số trong lĩh vực xuất nhập khẩu hàng hoá – VOIEF 2020 ” sẽ diễn ra vào Thứ Ba ngày 28/07 tại Hà Nội Tower – 49 Hai Bà Trưng, Hà Nội là cơ hội để các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp trao đổi về xu hướng chuyển đổi số xuất nhập khẩu hàng hóa, các hành động cần triển khai để phát huy những lợi thế của thương mại điện tử trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa.
Quý doanh nghiệp quan tâm có thể đăng tham dự miễn phí (Tại đây) để cùng tham gia trao đổi với các chuyên gia trong hệ sinh thái thúc đấy Xuất – Nhập khẩu trực tuyến.
Theo VnExpress
VECOM