Chương trình Phát triển Thương mại điện tử bền vững

Ngày đăng: 2019-03-13

Chương trình Phát triển Thương mại điện tử bền vững

Những năm gần đây thương mại điện tử nước ta đã đạt tốc độ tăng trưởng cao và quy mô giao dịch trực tuyến sắp chạm mốc 10 tỷ USD. Tuy nhiên, mua bán trực tuyến mới tương đối phổ cập ở Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh. Tiềm năng của thương mại điện tử còn rất lớn nếu chúng ta có các chính sách phù hợp và có sự kết nối chặt chẽ của cộng đồng cung cấp dịch vụ và giải pháp kinh doanh trực tuyến.

Để khai phá tiềm năng này, VECOM đã đề xuất Chương trình Phát triển Thương mại điện tử bền vững giai đoạn 2019 – 2025. Chương trình này đề xuất hai giải pháp cơ bản. Giải pháp đầu tiên là nâng cao lòng tin người tiêu dùng, thúc đẩy mua sắm trực tuyến ở các thành phố trực thuộc Trung ương và các thành phố tỉnh lỵ. Giải pháp thứ hai là hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ, hộ gia đình, tổ hợp tác, làng nghề ở các địa phương bán sản phẩm trực tuyến.

Trong hai năm 2019 – 2020, VECOM sẽ ưu tiên triển khai giải pháp thứ hai thông qua việc huy động nguồn lực của các hội viên, tạo ra hệ sinh thái hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như các hộ kinh doanh trong một số ngành hàng ở các địa phương tiếp cận và mở rộng kinh doanh trực tuyến.

A. Hiện trạng
Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử nhiều năm cho thấy tới nay phần lớn hoạt động thương mại điện tử diễn ra ở hai trung tâm kinh tế là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh và một số tỉnh năng động liền kề như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Đồng Nai, Bình Dương và các thành phố lớn trực thuộc Trung ương là Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ. Hoạt động kinh doanh trực tuyến tại hầu hết các tỉnh khác còn yếu và có nguy cơ ngày càng tụt lại so với hai thành phố dẫn đầu.

Ước tính Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh chiếm khoảng 70% giao dịch thương mại điện tử. Quy mô thương mại điện tử ở các địa phương, đặc biệt ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa rất nhỏ. Trong khi đó, khoảng 70% dân số sống ở nông thôn. Khu vực nông thôn có tiềm năng tiêu thụ lớn, đồng thời cũng là nơi cung cấp sản phẩm đa dạng phù hợp với bán hàng trực tuyến.

VECOM nhận định muốn TMĐT phát triển nhanh, bền vững nhất thiết phải thu hẹp khoảng cách số giữa Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh với các địa phương khác. Đã tới lúc các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các tổ chức xã hội nghề nghiệp cần có các chính sách và giải pháp đồng bộ để biến các cơ hội của thương mại điện tử thành hiện thực tại mọi địa phương, doanh nghiệp và người dân. Song song với việc nâng cao lòng tin cho người tiêu dùng, yếu tố then chốt là tích cực triển khai các hoạt động để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các hộ gia đình ở khu vực nông thôn, thị trấn, thị xã bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ trên môi trường trực tuyến.

Trên cơ sở đó, VECOM đề xuất các cơ quan, tổ chức cùng xây dựng và triển khai Chương trình “Phát triển thương mại điện tử bền vững giai đoạn 2019 – 2025”. Mục tiêu của Chương trình là tới năm 2025 tỷ trọng thương mại điện tử của 61 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là các tỉnh) đạt tới 50%, trong khi vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm của Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh ở mức cao trên 25%.

B. Giai đoạn, Mục tiêu và Giải pháp
I. Giai đoạn

  • Chương trình kéo dài trong 7 năm, từ năm 2019 tới năm 2025.
  • Giai đoạn 1 triển khai trong hai năm 2019-2020.
  • Giai đoạn 2 trong năm năm 2021 – 2025.

II. Mục tiêu
1) Mục tiêu tới năm 2025
     i) Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh chiếm 50% giao dịch thương mại điện tử, tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm trên 25%;
        ii) 61 địa phương còn lại chiếm 50%;
       iii) 30% số xã trên cả nước có ít nhất 5 đơn vị (doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân) bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trực tuyến.
2. Mục tiêu tới năm 2020
      i) Hỗ trợ doanh nghiệp, tổ hợp tác, hộ kinh doanh hoặc cá nhân ở 20 thị xã/thị trấn/xã tại 5-7 tỉnh bán hàng trực tuyến trong nước và/hoặc xuất khẩu hiệu quả.
     ii) Hỗ trợ ít nhất 10 sản phẩm sử dụng nhiều lao động nông thôn, nguyên liệu địa phương được đông đảo người tiêu dùng trong nước quan tâm vào năm 2020.

Vui lòng xem toàn văn Chương trình Tại đây

VECOM