Chữ ký số trong thương mại điện tử: Đẩy “cung” – đón “cầu”

Ngày đăng: 09/01/2021 16:02:00

“Gánh nặng” rất lớn đang được đặt lên vai các cơ quan quản lý Nhà nước, đó là vừa phải gấp rút xây dựng và hoàn thiện hệ thống cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số sao cho đáp ứng nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, vừa phải thúc đẩy các doanh nghiệp mặn mà hơn nữa trong việc ứng dụng chữ ký số vào hoạt động giao thương.

Đã có tiền lệ

Nắm bắt nhu cầu ứng dụng chữ ký số trong hoạt động thương mại, ngay từ năm 2004, Bộ Công Thương đã phối hợp với Công ty Cổ phần Công nghệ thẻ Nacencomm triển khai hệ thống visa điện tử hỗ trợ doanh nghiệp dệt may Việt Nam xuất khẩu hàng sang Hoa Kỳ.

 

 

Theo lời ông Nguyễn Thanh Hưng, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử & Công nghệ thông tin, Bộ Công Thương, khi chưa ứng dụng visa điện tử, doanh nghiệp dệt may khi xuất khẩu hàng sang Hoa Kỳ thì kèm theo lô hàng phải có visa giấy. Thời điểm ấy, khá nhiều visa giấy có thể bị làm giả để chuyển tải hàng dệt may bất hợp pháp. Từ khi có visa điện tử, hiện tượng giả mạo đã bị xoá sổ. Bởi hệ thống visa điện tử này có áp dụng chữ ký số khi truyền dữ liệu từ các phòng xuất nhập khẩu về Trung tâm Tích hợp dữ liệu của Bộ Công Thương, đảm bảo không có hiện tượng mạo danh, thay đổi thông tin (ví dụ được cấp hạn ngạch 100.000 áo sơ minh nhưng cố tình chữa thành 200.000 áo) hoặc chối bỏ trách nhiệm. Sau khi Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Hoa Kỳ không còn áp dụng hạn ngạch dệt may đối với doanh nghiệp Việt Nam hệ thống visa trực tuyến này đã dừng hoạt động.

Dẫu sao thì với hệ thống visa trực tuyến kể trên, có thể nói Bộ Công Thương đã đi tiên phong trong việc ứng dụng chữ ký số nhằm tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp tại Việt Nam.

Vẫn vướng về luật pháp

Bộ Công Thương cũng đã trở thành đơn vị tiên phong trong khối các Bộ, ngành ở Việt Nam về việc xây dựng hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dụng MOIT-CA.

Ứng dụng MOIT-CA đã được triển khai khá thành công trong một số dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương như Hệ thống quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử eCoSys, Hệ thống cấp giấy phép nhập khẩu tự động, Hệ thống cấp giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trực tuyến… Qua đó rút ngắn thời gian làm thủ tục cấp phép, giảm thiểu chi phí, công sức cho các doanh nghiệp.

Theo kế hoạch đến năm 2012, Bộ Công Thương sẽ ưu tiên cung cấp trực tuyến các dịch vụ công mức độ 3 và mức độ 4 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu (có thể giao dịch trực tuyến hoàn toàn, không cần phải tiếp xúc trực tiếp với cán bộ, công chức Nhà nước của cơ quan quản lý – PV). Và với việc triển khai các dịch vụ công trực tuyến thì việc cộng đồng doanh nghiệp sử dụng chữ ký số khi giao dịch với cơ quan công quyền (giao dịch B2G – giữa doanh nghiệp với cơ quan Nhà nước – PV) sẽ dần dần trở thành yêu cầu bắt buộc, đặc biệt là khi văn bản điện tử được sử dụng để thay thế hoàn toàn cho văn bản giấy, có giá trị pháp lý tương đương.

Tuy nhiên, nếu chiểu theo Nghị định 26 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số, thì có vẻ như Bộ Công Thương đang “lệch chuẩn”. Bởi theo Nghị định này, hoạt động của tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dụng là hoạt động nhằm phục vụ nhu cầu giao dịch nội bộ (của Bộ Công Thương – PV) và không nhằm mục đích kinh doanh. Trong khi trên thực tế, chữ ký số đang được Bộ Công Thương cấp cho các tổ chức, doanh nghiệp.

Tìm hiểu nguyên nhân sâu xa thì biết thời điểm Bộ Công Thương xây dựng và triển khai hoạt động MOIT-CA, tại Việt Nam vẫn chưa có tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng nào được cấp phép.

Bộ Thông tin & Truyền thông dự tính sẽ rà soát lại các CA đã hoạt động từ trước năm 2006 để có giải pháp tháo gỡ phù hợp quy định pháp luật.

Cũng chung nhận định rằng việc ứng dụng chữ ký số trong thương mại điện tử tại Việt Nam hiện vẫn đang bị vướng về mặt luật pháp, song dưới góc nhìn của người sử dụng chữ ký số, ông Hoàng Quốc Khánh, Giám đốc Nacencomm phân tích thêm rằng “hiện tại, chính sách khuyến khích phát triển chữ ký số trong thương mại điện tử chưa cụ thể, quy trình thực hiện và chấp thuận văn bản điện tử, chữ ký số chưa rõ ràng, do đó sẽ khó cho nhiều bên khi phải duy trì cả 2 hình thức văn bản gốc (giấy và điện tử)”.

Không thể chỉ dùng hàng Việt!

Có một thực tế là các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ sử dụng chữ ký số cho các giao dịch thương mại nội địa. Trong khi doanh nghiệp của Việt Nam sử dụng hệ thống chứng thực chữ ký số (CA) của Việt Nam, doanh nghiệp Nhật, Mỹ, Pháp… lại sử dụng CA của họ. Vấn đề lúc này là phải làm sao để người mua – người bán của các quốc gia tin cậy nhau.

Chính phủ Việt Nam và Bộ Công Thương cũng đã sớm nhận ra yêu cầu thực tiễn nêu trên. Trong Quyết định 1703/QĐ-TTg Phê duyệt Kế hoạch Tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2011 – 2015 đã đề ra mục tiêu đến năm 2015 sẽ có một số tổ chức chứng thực chữ ký số của Việt Nam có uy tín, được các tổ chức nước ngoài thừa nhận (tính đến thời điểm này, Bộ Thông tin & Truyền thông đã cấp phép cho 5 tổ chức cung cấp chứng thực chữ ký số trong nước song cả 5 tổ chức đều chưa được nước ngoài thừa nhận).

Đề cập tới vấn đề này, ông Đào Đình Khả, Giám đốc Trung tâm Chứng thực chữ ký số quốc gia cho rằng đây là vấn đề hóc búa không chỉ ở Việt Nam mà cả ở trên thế giới. Rất khó để 2 tổ chức cung cấp dịch vụ tin cậy chấp nhận nhau.

Dù thế nào đi nữa thì “các nhà cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng của Việt Nam cũng phải “bắt tay” được với các tổ chức uy tín nước ngoài, khi đó, các hoạt động thương mại điện tử quốc tế của doanh nghiệp Việt Nam mới phát triển được”, ông Hưng khẳng định.

Viết bình luận của bạn