Chính thức công bố Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam năm 2018

Ngày đăng: 15-03-2018

[Hà Nội, ngày 14 tháng 3 năm 2018. Trong khuôn khổ Diễn đàn toàn cảnh thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam 2018 (Vietnam Online Business Forum – VOBF), Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam chính thức công bố Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử 2018. Trong báo cáo này cho thấy Tp. HCM, Hà Nội, tiếp tục dẫn đầu. Tuy nhiên, Hải Phòng vượt Đà Nẵng xếp vị trí thứ 3 toàn quốc về chỉ số phát triển thương mại điện tử. Cũng tại Diễn đàn toàn cảnh, những con số và các hoạt động nổi bật hỗ trợ cho doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử chính thức được công bố].

 

Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục TMĐT & Kinh tế số phát biểu khai mạc diễn đàn

 

Diễn đàn đã chính thức khai mạc tại Hà Nội với nhiêu chủ đề nổi bật. Chương trình năm nay bao gồm bốn phiên thảo luận về bốn chủ đề nổi bật. Phiên thứ nhất có chủ đề “Thời đại Kết nối và Chia sẻ thông tin”. Các diễn giả đã thảo luận về xu hướng phát triển của thương mại điện tử năm 2018, khả năng duy trì tốc độ tăng trưởng cao như năm 2017, những động lực mới để đạt được tốc độ tăng trưởng này. Các doanh nghiệp cần phải tăng cường kết nối và chia sẻ thông tin nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh và thỏa mãn tốt nhất nhu cầu đa dạng và ngày càng cao của khách hàng như thế nào. Cũng tại phiên này, khách tham dự rất chú trọng với sự có mặt của đại diện Amazon. Ông Gijae Seong – Giám đốc kinh doanh toàn cầu của Amazon tại Singapore phát biểu tại diễn đàn cho hay nhà bán lẻ trực tuyến này đang xây dựng đội ngũ để phát triển ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Việc xây dựng đội ngũ để giúp các cá nhân, doanh nghiệp bán lẻ tại Việt Nam có thể tiếp cận với khách hàng toàn cầu. Cũng theo chia sẻ của ông Gijae Seong, thị trường bán lẻ và bán hàng toàn cầu đang phát triển nhanh chóng hơn 51% mặt hàng được bán trên Amazon đều đến từ bên thứ 3 và 25% doanh số bán lẻ này thuộc về ngừời bán quốc tế. Ông cũng nêu ra câu chuyện khởi nghiệp từ Amazon thành công của người Việt Nam. Đồng thời cho biết, Amazon sẽ trở thành công cụ bán hàng của người Việt Nam để mở rộng thị trường thế giới.

 

Ông Gijae Seong, Giám đốc bộ phận bán hàng toàn cầu của Amazon tại Singapore trình bày tại VOBF 2018 tại Hà Nội

 

Các khách mời rất quan tâm tới sự có mặt của Amazon tại Việt Nam, và những câu hỏi xoay quanh các vấn đề về khởi nghiệp như làm sao để bán hàng hiệu quả trên amazon và các sàn giao dịch thương mại điện tử khác cũng được thảo luận rất sôi nổi.

 

Toàn cảnh diễn đàn ngày 14 tháng 3 tại Hà Nội

 

Nhận được các ý kiến trao đổi của khách mời về sự có mặt của Amazon, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch VECOM cho biết, Amazon không vào Việt Nam như cách các trang thương mại điện tử khác như Lazada, nghĩa là sẽ không đặt một trang cụ thể ở Việt Nam. Thay vào đó, Amazon sẽ phối hợp với VECOM để đưa chuyên gia, giáo trình vào Việt Nam nhằm hướng dẫn doanh nghiệp Việt Nam cách giao dịch, buôn bán trên Amazon. Cũng theo Phó Chủ tịch VCOM, Amazon dù có mạng lưới rộng nhưng tại châu Á mới chỉ có 3 thị trường, nên Việt Nam sẽ là một lựa chọn để Amazon thử nghiệm. Đây cũng chính là cơ hội tốt cho doanh nghiệp Việt, tuy nhiên, ông Dũng cho rằng cần nhìn nhận một thực tế là thủ tục để doanh nghiệp Việt Nam có thể bán được hàng ra toàn cầu thông qua Amazon là khá phức tạp. Ông hy vọng, khóa đào tạo ngắn được tổ chức vào tháng 4 tới sẽ giúp các doanh nghiệp Việt tháo gỡ được rào cản này, để mang hàng Việt đến với thị trường toàn cầu. Thời gian đầu, Amazon sẽ phối hợp với VECOM tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn cho các doanh nghiệp kỹ năng vận hành, khai thác các công nghệ, giải pháp và dịch vụ trong hệ sinh thái thương mại điện tử của mình để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp sản phẩm ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, có một điều khiến không ít nhà kinh doanh cảm thấy hụt hẫng là trong suốt cuộc trò chuyện, đại diện Amazon cũng không cho thấy kế hoạch nào về việc sẽ tham gia vào thị trường Việt Nam.

Những vấn đề nổi bật trong kinh doanh trực tuyến” là chủ đề của Phiên thứ hai. Sự phát triển của công nghệ đã thúc đẩy sự hình thành và phát triển nhiều loại hình kinh doanh trực tuyến mới, đồng thời cũng phát sinh nhiều thử thách liên quan tới cạnh tranh lành mạnh hay bảo vệ người tiêu dùng. Phiên thứ hai các diễn giả cùng nhiều khách tham dự đã thảo luận về các vấn đề được đông đảo các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến quan tâm, bao gồm vấn đề quản lý thuế đối với thương mại điện tử, kinh tế chia sẻ, công nghệ blockchain và tiền số (digital currency), an toàn thông tin và bảo vệ thông tin cá nhân…; Tại phiên này, tọa đàm bàn tròn tương tác cũng gây không ít ý kiến từ khán giả với các câu hỏi liên quan đến chính sách thuế với Thương mại điện tử. Chia sẻ ý kiến về vấn đề này, bà Mạnh Thị Tuyết Mai, Trưởng phòng Chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp, Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) cho hay, đối tượng tham gia kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) ở Việt Nam bao gồm các doanh nghiệp hoạt động theo pháp luật Việt Nam (doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài); các tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh hoặc có thu nhập tại Việt Nam thì được gọi chung là nhà thầu nước ngoài; các hộ và các nhóm cá nhân khác…Về hình thức, kinh doanh TMĐT bao gồm TMĐT giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B), TMĐT giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng (B2C), TMĐT giữa doanh nghiệp với cơ quan nhà nước (B2G) và TMĐT giữa người tiêu dùng và người tiêu dùng (C2C). Trong quá trình phát triển TMĐT ở các nước nói chung và Việt Nam nói riêng, hiện nay xuất hiện một số tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý thuế. Tại bài phát biểu trong phiên này, bà cho biết thêm: “Đối với Hiệp hội taxi thì loại hình kinh doanh của Uber, Grab gọi là hoạt động vận tải taxi công nghệ, còn đối với phía Bộ GTVT thì coi đây là loại hình Kinh doanh vận tải theo hợp đồng. Như chúng ta đã biết tùy theo loại hình mà mức thuế sẽ có sự chênh lệch. Chính vì hiện nay các cơ quan vẫn đang còn tranh cãi về loại hình Kinh doanh của Uber, Grab nên việc quản lý thuế cũng gặp nhiều khó khăn theo”. Và đối với hoạt động mới phát sinh tương tự như Uber hay Grab thì Bộ Tài chính có văn bản hướng dẫn kê khai nộp thuế nhà thầu và khấu trừ số thuế phải nộp trước khi trả cho các tài xế. Cơ quan chức năng cũng sẽ phối hợp các nhà mạng để xác định địa điểm kinh doanh, giao hàng, phối hợp hội đồng tư vấn thuế các vùng để đưa các cá nhân vào diện quản lý thuế trong tương lai. Theo bà Mai, đơn vị hiện đang cùng Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng Luật quản lý thuế sửa đổi trong đó có một chương nói về quản lý thuế đối với giao dịch TMĐT.Luật này đề xuất trình chính phủ, dự kiến sẽ thông qua trong năm 2019 và dự kiến có hiệu lực từ 1/1/2020.

Phiên thứ ba thảo luận về “Tác động của công nghệ tới thương mại điện tử“. Công nghệ điện toán đám mây (cloud computing), dữ liệu lớn (big data) và di động (mobile) đã tác động to lớn tới kinh doanh thương mại điện tử ở Việt Nam. Những công nghệ nổi bật khác như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), thực tế ảo (VR) hay blockchain sẽ ảnh hưởng thế nào tới thương mại điện tử nước ta trong năm 2018 và những năm tiếp theo. Các diễn giả của Phiên thứ ba cùng các đại biểu sẽ thảo luận để nhận diện tác động sâu sắc của các công nghệ này tới hoạt động kinh doanh của mỗi doanh nghiệp. Phiên cuối cùng là cơ hội cho các doanh nhân trẻ trao đổi về chủ đề “Khởi nghiệp thành công với thương mại điện tử”. Khởi nghiệp chưa bao giờ là việc đơn giản, đặc biệt là khởi nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh trực tuyến. Đâu là những điểm tương đồng và khác biệt của khởi nghiệp trong lĩnh vực trực tuyến với các lĩnh vực khác? Ngoài ý tưởng sáng tạo, các nhà khởi nghiệp cần môi trường kinh doanh và sự hỗ trợ nào từ nhà nước và các tổ chức nghề nghiệp? Phiên khởi nghiệp của VOBF 2018 sẽ giúp cộng đồng khởi nghiệp kinh doanh trực tuyến chia sẻ những yếu tố cần thiết để thành công!

Sự kiện VOBF năm nay nhận được rất nhiều sự quan tâm từ các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp cũng như các cơ quan báo chí truyền thông thông trung ương và địa phương. Đặc biệt là sự hỗ trợ và có mặt của đại diện các Sở công thương trên toàn quốc đã giúp đỡ và hỗ trợ Hiệp hội trong công tác điều tra khảo sát để hoàn thành báo cáo chỉ số thương mại điện tử. Kết quả khảo sát cho thấy tốc độ tăng trưởng TMĐT Việt Nam năm 2017 so với năm trước ước tính trên 25%. Riêng với lĩnh vực bán lẻ trực tuyến, thông tin từ hàng nghìn website TMĐT cho thấy tỷ lệ tăng trưởng doanh thu năm 2017 tăng 35%. Với lĩnh vực thanh toán, năm 2017, tăng trưởng số lượng giao dịch trực tuyến thẻ nội địa tăng khoảng 50% so với năm 2016 trong khi giá trị giao dịch tăng trưởng tới 75%. Trong lĩnh vực tiếp thị trực tuyến, một số công ty tiếp thị liên kết có tốc độ tăng trưởng năm 2017 đạt 100 – 200%. Trong lĩnh vực du lịch, tỷ lệ đặt phòng qua đại lý du lịch trực tuyến tăng mạnh, đạt mức 30%. Nếu kết hợp với đà tăng trưởng 2 chữ số của doanh thu du lịch thì có thể ước tính tốc độ tăng trưởng doanh thu du lịch trực tuyến đạt trên 50%.

 

Ông Đoàn Quốc Tâm – Phó Ban Hợp tác của VECOM giới thiệu Báo cáo Chỉ số TMĐT tại sự kiện

 

Ông Tâm cũng lưu ý và nhấn mạnh rằng những con số nêu trên chỉ là ước tính, “Việc thiếu thống kê tin cậy đối với giao dịch trực tuyến gây khó khăn lớn cho hoạt động xây dựng chính sách và pháp luật cũng như xây dựng chiến lược đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp. Các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế số và thống kê cần nhanh chóng triển khai các hoạt động thống kê giao dịch trực tuyến, phân theo các lĩnh vực như bán lẻ, du lịch, giải trí, giáo dục, vận tải, tiếp thị…”.

Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam (Vietnam Online Business Forum – VOBF) năm nay đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới truyền thông và nhiều doanh nghiệp lớn trong nước, quốc tế có ảnh hưởng lớn tới kinh doanh trực tuyến như: Amazon, Nielsen, NAPAS, VnPost, Vinaphone, VinaCapital, Zalo, Grab, Mắt bão, PA Vietnam, Vietinbank, Mobifone, US-ASEAN Business Council, Fado…

Sự kiện tiếp tục được triển khai tại Tp. Hồ Chí Minh ngày 16 tháng 3 tại số 3 Đặng Văn Sâm, Phường 9, Quận Phú Nhuận.

VECOM.

Viết bình luận của bạn