Đầu năm 2021, Dự án Phòng chống buôn bán trái pháp luật các loài động, thực vật hoang dã tiếp tục truyền thông về giảm nhu cầu sử dụng động vật hoang dã trên trang Facebook: http://facebook.com/hayngungtaonghiep, cũng như các kênh thông tin khác.
Từ tháng 1- 3/20121, trang Facebook này đã đạt 2,2 triệu lượt xem các bài đăng trên trang. Tính từ khi được thiết lập vào tháng 10/2020, trang này đã đạt gần 7,3 triệu lượt xem và hơn 528.000 lượt tương tác với các bài đăng.
Thông điệp truyền thông của các chiến dịch “Ngưng tạo nghiệp” và “Hồi sinh Voi và Tê tê” cũng được trưng bày tại các bảng quảng cáo tại 100 tòa nhà thương mại ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, dự kiến tiếp cận tới hơn 10 triệu lượt người.
Trong quý I này, các chiến dịch truyền thông tiếp tục chuyển tải thông điệp về phòng chống buôn bán trái pháp luật các loài động vật hoang dã trên các phương tiện thông tin đại chúng, bao gồm TV, báo in, báo mạng, và các nền tảng xã hội như Facebook, Youtube, cũng như thông qua tiếng nói của những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOL).
Chiến dịch “Hồi sinh Voi và Tê tê” là giai đoạn tiếp theo của chiến dịch “Ngưng tạo nghiệp”, đã được đăng tải trên Facebook, kêu gọi cộng đồng chung tay “hồi sinh” voi và tê tê bằng cách chụp ảnh selfie cùng chú voi và tê tê trên nền tảng thực tế ảo tại trang: http://ngungtaonghiep.com.
Mỗi bức ảnh của cộng đồng sẽ góp phần tô thêm màu sắc cho chú voi và tê tê. Theo kế hoạch, chiến dịch đặt mục tiêu đạt 2.000 bức ảnh để voi và tê tê được hoàn thành tô màu và được “hồi sinh”. Tuy nhiên đến cuối tháng 3/2021, đã có hơn 4.300 bức ảnh (hơn gấp đôi mục tiêu) được chụp bởi cộng đồng mạng.
Doanh nghiệp chung tay “hồi sinh voi và tê tê”
Từ tháng 2 – 3/2021, đã có 10 công ty tham gia chiến dịch “Hồi sinh Voi và Tê tê” bằng cách tham gia đặt banner với các thông điệp của chiến dịch tại văn phòng làm việc, cửa hàng, khu vực tiếp tân của công ty và đăng bài trên website hoặc trang Facebook của công ty hoặc người lãnh đạo. Các công ty này hoạt động trong nhiều lĩnh vực, bao gồm kinh doanh, sản xuất, bán lẻ, du lịch…, như Công ty Cổ phần Royal Crystal, Tập đoàn Nagakawa Việt Nam, Le Champ Tú Lệ Resort, Tokyolife, Công ty Cổ phần Bellsystem24 – Hoa Sao.
Theo báo cáo của Hiệp hội Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam (VNPPA), sau các đợt tập huấn về truyền thông do Dự án hỗ trợ năm 2019 và 2020, khoảng 75% học viên cho biết họ đã áp dụng được các kiến thức và kỹ năng học được vào công việc thực tiễn.
Tính tới ngày 31/1/2021, các vườn quốc gia và khu bảo tồn đã tổ chức nhiều hoạt động truyền thông gắn với thông điệp bảo vệ dộng vật hoang dã và sử dụng các sản phẩm truyền thông do Dự án cung cấp. Các sự kiện này đã thu hút sự tham gia của hơn 58.000 người dân tại địa phương, 25.000 học sinh và hơn 84.000 du khách.
USAID hỗ trợ tập huấn cán bộ hải quan về điều tra tội phạm liên quan tới động vật hoang dã
Từ ngày 6-8/01/2021, Dự án Phòng, chống buôn bán trái pháp luật các loài động, thực vật hoang dã đã hỗ trợ Trường Hải quan Việt Nam tổ chức một khóa tập huấn về kiểm soát và phòng chống buôn bán động vật hoang dã cho 42 cán bộ hải quan đến từ 32 tỉnh thành trong cả nước.
Tại khóa tập huấn này, các cán bộ hải quan đã được cung cấp kiến thức về các văn bản pháp luật liên quan tới quản lý và bảo vệ động vật hoang dã, cũng như kiến thức nghiệp vụ để điều tra và phát hiện tội phạm buôn bán động vật hoang dã.
“Khóa tập huấn này giúp tôi cập nhật kiến thức về các quy định pháp luật liên quan tới bảo vệ động vật hoang dã. Tôi đã có thêm kỹ năng xác định các mẫu vật nghi ngờ. Chúng tôi cũng đã được giới thiệu một số phương pháp mà tội phạm thường sử dụng để vận chuyển sản phẩm động vật hoang dã qua sân bay và cảng. Các kiến thức này rất hữu ích trong công tác phòng chống tội phạm.”, ông Trần Minh Núi, Phó Đội trưởng Đội Giám sát và Kiểm soát, Chi cục Hải quan Tân Sơn Nhất cho biết.
Hải quan là lực lượng ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống tội phạm buôn bán động vật hoang dã. Các hỗ trợ của USAID nhằm tăng cường kiến thức và kỹ năng cho lực lượng hải quan sẽ góp phần quan trọng cho việc nâng cao năng lực thực thi pháp luật, ngăn chặn loại tội phạm này tại Việt Nam.
Theo USAID
VECOM