Châu Á sôi động cùng sự chuyển dịch sang các nền tảng di động

Ngày đăng: 2015-05-28

Sự tương tác và những mối ràng buộc giữa các giao tiếp online – offline, xu thế Internet of Things lan tỏa trong đời sống hàng ngày, tiềm năng của thị trường thương mại điện tử và thanh toán trực tuyến trên nền tảng di động… đó là những dấu ấn nổi bật trong đời sống công nghệ châu Á được ghi nhận từ CES Asia 2015.

Là một thị trường sôi động, có tốc độ phát triển nhanh và đầy tiềm năng, châu Á đang và sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong ngành điện tử tiêu dùng và xu hướng công nghệ mới. Triển lãm CES Asia 2015 vừa diễn ra từ ngày 25-27/5 tại Thượng Hải (Trung Quốc) đã cho thấy những chuyển động và xu thế công nghệ tiêu dùng phổ biến trong thời gian tới tại thị trường này.

Nhân dịp này, Nhịp Sống Số đã có cuộc phỏng vấn ông Gary Shapiro – Chủ tịch và Giám đốc Điều hành của Hiệp hội Điện tử tiêu dùng (CEA), Hiệp hội Thương mại Mỹ.

Ông Gary Shapiro phát biểu tại Lễ khai mạc CES Asia 2015 (Ảnh: CEA)

 

Theo ông, đâu là những dấu ấn công nghệ đáng chú ý tại CES Asia 2015?

Có thể thấy, một trong những tác động quan trọng hình thành lên thị trường điện tử tiêu dùng Châu Á là sự chuyển dịch sang các nền tảng di động. CES Asia 2015 đã chứng kiến sự xuất hiện của nhiều sáng chế tương thích với smartphone tầm trung, bao gồm các tiện ích thông minh tại gia. Trong vài năm tới, sự kết nối giữa các thiết bị sẽ trở thành chủ đề chính tại CES Asia.

Đơn cử, năm nay Mercedes Benz đã công bố quan hệ đối tác với Nest, tiện ích cho phép dụng cụ điều chỉnh nhiệt trong nhà tự động bật khi xe của bạn nằm trong một bán kính nhất định. Nhờ đó, ngay khi về đến nhà, người dùng ngay lập tức có thể tận tưởng nhiệt độ dễ chịu và thư giãn thực sự.

Cũng tại CES Asia, người tham dự đã được chứng kiến công nghệ tiên tiến từ 14 loại sản phẩm và lĩnh vực công nghệ mới nổi, bao gồm in 3D, robot, giải trí gia đình, công nghệ hình ảnh 4K Ultra HD và công nghệ tự động hóa.

Còn về thương mại điện tử (TMĐT) và thanh toán trực tuyến trên nền tảng di động – chủ đề đang sôi động trên các diễn đàn công nghệ châu Á hiện nay – thì sao, thưa ông?

Đúng vậy, cùng với sự bùng nổ của các dòng sản phẩm smartphone, tác động của TMĐT trên nền tảng di động tới nền kinh tế là thực tế dễ nhận thấy tại châu Á. Các báo cáo thị trường cho thấy, người châu Á đang có xu hướng truy cập Internet trên điện thoại thông minh thay vì các phương tiện truyền thống như laptop, PC…, nên tiềm năng của thị trường TMĐT và thanh toán trực tuyến trên nền tảng di động rất lớn.

Giờ đây, các nhà bán lẻ truyền thống không những phải cạnh tranh với bán lẻ trực tuyến mà còn phải đối mặt với sự gia tăng của các nhà bán lẻ trên điện thoại di động, khi thị trường TMĐT chuyển từ trực tuyến sang trực tiếp (O2O: online-to-offline)

Hiện, một số nhà phát triển ứng dụng trò chuyện châu Á đã tạo ra một nền tảng mà trên đó người dùng có thể lựa chọn hàng hóa, xác nhận và thanh toán… trên điện thoại di động. Ví dụ, người dùng có thể mua bán vật dụng cá nhân trực tiếp với người dùng cuối khác (C2C) nhờ nền tảng mua sắm trên những ứng dụng trò chuyện như Line Mall.

Sự giảm sút của tương tác trực tiếp đã trở thành một chủ đề nóng trong cuộc sống trực tuyến ngày nay. Nhìn từ CES Asia 2015, ông có thể cho biết các nhà sáng chế trong lĩnh vực điện tử tiêu dùng đã thay đổi như thế nào để đáp ứng xu hướng này?

Hơn 40 năm qua, công nghệ đã phát triển nhanh chóng, và 40 năm nữa chắc chắn sẽ có những sáng chế đổi mới với tốc độ nhanh hơn. Chắc chắn trong tương lai gần, đa số người dùng sẽ sử dụng smartphone cho các công việc hàng ngày như mua tạp hóa và dịch vụ ngân hàng.

Tuy nhiên, ngay cả khi các giải pháp công nghệ phát triển hơn thế nữa, các nguyên tắc cơ bản của giao tiếp không bao giờ thay đổi. Tương tác trực tiếp, các mối quan hệ cá nhân và ấn tượng đầu tiên vẫn là điều tối quan trọng, đặc biệt là trong kinh doanh. Các triển lãm thương mại, như CES Asia lần này (24-27/5) sẽ ngày càng tăng về số lượng bởi họ cung cấp cơ hội khám phá trực tiếp và tương tác cá nhân.

Các nhà phát triển ứng dụng trò chuyện Châu Á có thể học hỏi từ các doanh nghiệp tương tự ở Trung Đông trong việc họ xây dựng và duy trì mối quan hệ. Jetlee, một ứng dụng di động mới tại Cộng hòa Ả rập Thống nhất, đã được đưa ra để khuyến khích mọi người tắt smartphone và trò chuyện trong cuộc sống thực. Hay một số ứng dụng tương tác trực tuyến giới hạn việc trò chuyện online trong 24 giờ, khuyến khích người dùng gặp gỡ trực tiếp.

Ông có thể đưa ra lời khuyên cho các nhà phát triển phần mềm đang băn khoăn trong việc tìm kiếm giải pháp cân bằng giữa tương tác offline (trực tiếp) và tương tác online?

Trong thế giới kết nối phẳng với nhịp độ nhanh, tốc độ là điều cốt lõi. Hàng ngày, cả tá tiện ích và ứng dụng vẫn đang được phát triển trong nỗ lực nhằm tăng tốc cuộc sống của chúng ta và cung cấp các tiện ích tối ưu. Tương phản với những tiện ích được cung cấp ngày nay, không có gì có thể thay thế các kết nối đặc biệt được tạo ra từ tương tác trực tiếp. Các nhà phát triển nên tận dụng nhu cầu tiện ích ngày càng tăng, phối hợp với các các trò chuyện trực tuyến, giúp người dùng có thể tương tác với nhau một cách cá nhân.

Chương trình CES châu Á giống và khác biệt những gì so với CES Quốc tế, thưa ông? Đâu là cơ hội cho các doanh nghiệp trong khu vực?

Chúng tôi không coi CES Asia là một phiên bản dành châu Á của CES. Thay vào đó, chúng tôi luôn tin rằng châu Á đang và sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong ngành điện tử tiêu dùng và xu hướng công nghệ mới.

Đây là một khu vực rất đa dạng, ở các mức độ phát triển khác nhau, vì vậy rất khó để xác định tốc độ phát triển của việc ứng dụng công nghệ của toàn khu vực. Tuy nhiên, rõ ràng là nhu cầu về công nghệ tiên tiến và các giải pháp đang tăng mạnh ở Châu Á.

Nếu, CES Quốc tế là nơi hội tụ của tất cả những doanh nghiệp kinh doanh trong ngành công nghệ tiêu dùng trên toàn thế giới, với nhiều sản phẩm sản xuất dành cho Hoa Kỳ và các thị trường phương Tây; thì CES Asia được thiết kế cho các sản phẩm sắp ra mắt tại thị trường châu Á.

Triển lãm sẽ trang bị cho các nhà bán lẻ địa phương các kinh nghiệm tốt nhất để trưng bày và bán các công nghệ mới. CES Asia cũng dành cho các công ty đang tìm cách phát triển và củng cố thương hiệu của mình trên thị trường Châu Á.

 

CES Asia 2015, như là một phần của sự đề cao các tương tác trực tiếp trong đời sống công nghệ sôi động ngày nay (Ảnh: CEA)

Ông có lời khuyên gì cho doanh nghiệp Việt Nam tới trưng bày tại triển lãm để có thể tìm được đối tác ngay tại đó?

Sứ mệnh của Hiệp hội Điện tử tiêu dùng (CEA) là phát triển ngành công nghiệp công nghệ tiêu dùng toàn cầu, và mục tiêu của chúng tôi với CES Asia là đẩy mạnh tăng trưởng của thị trường điện tử tiêu dùng châu Á, trong đó có Việt Nam.

Theo một nghiên cứu từ Google, số lượng người dùng di động tại Việt Nam tăng từ 20% trong năm 2013 lên 36% trong năm 2014, đưa Việt Nam trở thành thị trường có số dân sử dụng di động thông minh cao thứ hai tại Đông Nam Á.

Là một thị trường mới nổi với dân số trẻ có đời sống gắn kết với di động, thị trường di động thông minh tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng. Chúng ta sẽ chứng kiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam tận dụng lợi thế đó để gia tăng xâm nhập di động và phát triển những ứng dụng tương thích với smartphone.

CES Asia sẽ là cơ hội để gặp gỡ các nhà đầu tư, người mua, người bán lẻ và phương tiện truyền thông từ khắp nơi trên thế giới. Đây là dịp tốt để giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp vào thị trường mới nổi Châu Á, doanh nghiệp Việt Nam nên tận dụng cơ mọi cơ hội từ sự kiện này.

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Theo Nhịp sống số.