Cần triển khai nhiều hoạt động để thúc đẩy giao dịch thương mại điện tử qua biên giới

Ngày đăng: 09/01/2021 16:15:00

Thương mại điện tử ở Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ và nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp cũng như các cơ quan xây dựng chính sách. Nghị quyết 13-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 đã đề ra nhiệm vụ phát triển nhanh hệ thống thương mại điện tử. Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 03/01/2012 đã nhấn mạnh tới nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng và áp dụng cơ chế phù hợp khuyến khích phát triển thương mại điện tử.

Tham dự Hội thảo có nhiều diễn giả là các chuyên gia hàng đầu từ các cơ quan quản lý nhà nước về thương mại điện tử, thuế, công nghệ thông tin và gần 150 đại biểu đại diện cho nhiều tổ chức và doanh nghiệp. Các tham luận tại Hội thảo đều thống nhất xu hướng giao dịch thương mại điện tử qua biên giới sẽ tăng trưởng rất nhanh trong giai đoạn tới, bao gồm các giao dịch do các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp cho khách hàng tại Việt Nam cũng như các giao dịch do doanh nghiệp Việt Nam cung cấp cho các khách hàng nước ngoài.

 

PGS.TS Lê Danh Vĩnh, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo

 

Qua các bài tham luận của nhiều diễn giả và trao đổi sôi nổi, thẳng thắn tại Hội thảo, ý kiến chung đều thống nhất các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ trực tuyến cho các khách hàng Việt Nam phải nộp các loại thuế được quy định tại Thông tư số 134/2008 ngày 31/12/2008 của Bộ Tài chính “Hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam”. Đối với các doanh nghiệp nước ngoài chưa có hiện diện thương mại tại Việt Nam, các đại lý hoặc khách hàng là các doanh nghiệp, tổ chức hoặc cá nhân kinh doanh sẽ phải nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo tỷ lệ phần trăm (%) tính trên doanh thu cho cơ quan thuế trước khi chuyển lợi nhuận ra nước ngoài cho nhà cung cấp dịch vụ. Như vậy, hội thảo đã làm sáng tỏ trách nhiệm của các bên liên quan và khẳng định các doanh nghiệp như Google không trốn thuế tại Việt Nam.

Tuy nhiên, các đại biểu tham gia Hội thảo cũng phân tích và chỉ ra nhiều khó khăn còn tồn tại đối với hoạt động thu thuế, hóa đơn, thanh toán và quản lý ngoại tệ. Chẳng hạn, cần phải nâng cao nhận thức và năng lực chuyên môn liên quan tới pháp luật về thuế và thương mại điện tử của cả doanh nghiệp lẫn các nhân viên ngành thuế, rà soát các chính sách về quản lý ngoại hối trong môi trường thương mại điện tử, tăng cường sự phối hợp giữa Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc xây dựng và thực thi chính sách pháp luật liên quan tới giao dịch thương mại điện tử qua biên giới…

Nhiều đại biểu đánh giá cao sáng kiến của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam và Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) đã tổ chức hội thảo này và đề nghị Hiệp hội tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức một số hội thảo chuyên đề trong thời gian tới.

Tài liệu hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo
1-Các vấn đề về thuế đối với phát triển thương mại điện tử
2-Những nguyên tắc cơ bản của WTO đối với lĩnh vực thương mại điện tử
3-Nghĩa vụ thuế đối với các giao dịch liên quan đến thương mại điện tử
4-Thương mại điện tử: một số vấn đề về thuế và định hướng quản lý trong thời gian tới
5-Đề xuất một số giải pháp quản lý đối với dịch vụ CNTT xuyên biên giới tại Việt Nam
7-Sự hỗ trợ của Nhà nước cho doanh nghiệp trong ngành Internet
8-1-Thẻ doanh nghiệp và tính minh bạch trong thanh toán không dùng tiền mặt (Tiếng Việt)
8-2-Thẻ doanh nghiệp và tính minh bạch trong thanh toán không dùng tiền mặt (Tiếng Anh)
9-Một số vấn đề về thuế liên quan tới doanh nghiệp thương mại điện tử tại Hải Phòng

Một số hình ảnh trong buổi hội thảo:

Toàn cảnh buổi hội thảo

 

ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục TMĐT&CNTT

 

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Tổng thư ký Hiệp hội TMĐT VN – Vecom với bài tham luận “Những nguyên tắc cơ bản của WTO đối với lĩnh vực TMĐT”

 

Ông Nguyễn Văn Phụng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính với bài tham luận “Nghĩa vụ thuế đối với các giao dịch liên quan đến TMĐT”

 

Ông Nguyễn Xuân Sơn, Phó Trưởng ban Cải cách, Tổng cụ thuế với bài tham luận “TMĐT: một số vấn đề về thuế và định hướng quản lý trong thời gian tới”

 

Ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ CNTT, Bộ Thông tin  và Truyền thông với những “Đề xuất một số giải pháp quản lý đối với dịch vụ CNTT xuyên biên giới tại VN”

Viết bình luận của bạn