Các mạng xã hội Việt bây giờ ra sao?

Ngày đăng: 2014-02-11

Zing Me của Công ty cổ phần VNG là mạng xã hội Việt đầu tiên tuyên bố cạnh tranh trực tiếp với Facebook tại thị trường trong nước. Và thực tế, có những thời điểm Zing Me đã vượt mặt Facebook về lượng người sử dụng, cụ thể ngày 23/09/2009 mạng xã hội này có 945.000 người dùng, trong khi Facebook lúc đó là 918.000 người. Hay trong tháng 3/2011, số liệu từ Google Ad Planner cũng cho thấy Zing Me đã đạt 6,8 triệu khách truy cập, trong khi đó con số của Facebook là 3,1 triệu khách truy cập. Tuy nhiên, đến năm 2012 Facebook đã vươn lên mạnh mẽ ở thị trường trong nước và đến tháng 12/2012, Vicenzo Cosenza, chuyên gia về chiến lược truyền thông mạng của Ý, đã công bố Bản đồ mạng xã hội toàn cầu (World Map of Social Network) cho thấy, Facebook đã vượt qua Zing Me tại Việt Nam.

Zing Me đã có một thời gian vượt qua Facebook ở Việt Nam về lượng người truy cập

Và từ năm 2013 trở đi, Facebook đã tăng trưởng với tốc độ “chóng mặt” tại Việt Nam, trong khi đó Zing Me lại đi xuống liên tục, VNG cũng thừa nhận thất bại trong cuộc cạnh tranh với người khổng lồ này và họ đã chuyển sang tập trung vào cuộc chiến ứng dụng OTT trên di động với sản phẩm Zalo. Zing Me thực tế bây giờ chủ yếu dùng để làm kênh phân phối ứng dụng và game là chính.

Một ông lớn khác cũng làm mạng xã hội để cạnh tranh trực tiếp với Facebook tại Việt Nam, đó chính là VTC với Mạng Việt Nam Go.vn. Đây là một dự án được đầu tư rất lớn, từ kỹ thuật lẫn truyền thông. Khi ra mắt, ông Nguyễn Lâm Thanh, lúc bấy giờ là Trợ lý Tổng giám đốc VTC cho hay, Go.vn được kỳ vọng là mạng hàng đầu của Việt Nam về giáo dục, giải trí, giao tiếp trực tuyến. Đồng thời tuyên bố nếu sau 6 tháng, Go.vn không vượt qua Facebook tại Việt Nam ở số lượng người thì dự án này xem như thất bại.

Mạng xã hội Go.vn là một thất bại cay đắng của VTC

Thực tế, điều đó đã xảy ra, Go.vn đã không có những sáng tạo mới để thu hút người dùng trong nước tham gia và đến thời điểm hiện tại nó đã chuyển thành một trang tin tức tổng hợp, một thất bại có phần rất cay đắng cho VTC.

Trong làn sóng mạng xã hội nở rộ ở Việt Nam trước đây, FPT Online cũng không đứng ngoài cuộc chơi, khi họ quyết định tung ra thị trường mạng xã hội Banbe.net. So với Zing Me hay Go.vn, mạng xã hội Banbe.net không truyền thông nhiều bằng và thực tế lượng người tham gia cũng rất hạn chế. Đến thời điểm hiện tại nó đã trở thành nơi phổ biến FPT ID và quảng bá các sản phẩm dịch vụ của FPT Online là chính và gần như đang “đắp chiếu”.

Khi Yahoo!360 đóng cửa, Tamtay.vn của Công ty cổ phần TamTay và Yume.vn của VON là hai dịch vụ mạng xã hội ra đời với tham vọng thay thế cho người khổng lồ này. Thế nhưng, mặc dù đẩy mạnh rất nhiều về truyền thông, tung ra nhiều dịch vụ để thu hút người dùng, các mạng xã hội này vẫn không thể phát triển mạnh lên được và nguyên nhân chính vẫn là do người dùng lúc này đã thay đổi thói quen viết Blog, thay vào đó họ thích các mạng chia sẻ như Facebook là chính.

Trên mạng xã hội Tamtay.vn còn có cả game đánh bài

Tamtay.vn hiện tại vẫn được duy trì để làm nền tảng cho nhiều dịch vụ khác của Tamtay, trong đó có cả game “đánh bài” cũng xuất hiện trên mạng xã hội này ở khu vực Games. Còn Yume đã phải chuyển thành dạng trang tin tổng hợp với bài viết từ các thành viên, nhưng cũng không thu hút và cuối cùng VON đã phải bán mạng xã hội này lại cho công ty TNHH MTV Địa Điểm.

Còn rất nhiều mạng xã hội trong nước khác lúc ra đời đều đặt mục tiêu vượt mặt các mạng xã hội lớn của nước ngoài như Facebook, Google+…và kết quả cuối cùng đều không vượt qua được.

Giải thích sự thất bại của các mạng xã hội ở Việt Nam, một chuyên gia trong ngành cho biết, nguyên nhân là do Facebook quá sáng tạo, các mạng xã hội trong nước khi ra đời cũng không chịu nổi kết nối quá mạnh của mạng xã hội này khi nó trở thành một hiệu ứng trên toàn cầu.  Nhưng điểm cốt lõi chính là các mạng xã hội trong nước chỉ toàn bắt chước theo mô hình các mạng xã hội quốc tế, không có sự sáng tạo, cho nên thất bại chính nằm ở ngay sản phẩm. Về chính sách quản lý ở Việt Nam chuyên gia này chia sẻ, đúng là cũng có ảnh hưởng đến sự phát triển của các mạng xã hội trong nước, nhưng nó chỉ là một yếu tố ảnh hưởng rất nhỏ.

Theo ICTNews.