Bưu điện Việt Nam ứng dụng công nghệ để chuyển đổi số thành công

Ngày đăng: 2020-09-01

Thời gian tới, thị trường bưu chính trong nước chắc chắn sẽ tiếp tục có sự cạnh tranh khốc liệt giữa hơn 435 doanh nghiệp bưu chính. Năm 2019, số lượng doanh nghiệp bưu chính tăng 14% so với năm trước. “Chiếc bánh” bưu chính giờ đây không còn giành riêng cho các doanh nghiệp trong nước mà phải chia sẻ với các doanh nghiệp nước ngoài. Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, những doanh nghiệp truyền thống như Bưu điện Việt Nam dù đang chiếm giữ thị phần lớn nhất trong lĩnh vực bưu chính cũng đang tập trung ứng dụng công nghệ thông tin và đẩy nhanh quá trình số hóa trên mọi hoạt động.

Với mục tiêu công nghệ thông tin (CNTT) trở thành nền tảng và công cụ để nâng cao năng suất, chất lượng, bắt kịp xu thế phát triển của các doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong lĩnh vực bưu chính và logistics, hướng đến tối ưu và tự động hoá, giải phóng sức lao động thủ công, ngay sau khi tách khỏi tập đoàn VNPT Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) đã bắt đầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động. Tại tất cả các vị trí làm việc đều có máy tính, đầu đọc, máy in…

Theo ông Nguyễn Quốc Vinh, Thành viên Hội đồng thành viên Tổng công ty Vietnam Post, Bưu điện Việt Nam đang có mạng lưới ứng dụng CNTT chuyên ngành lớn nhất Việt Nam, với tổng số gần 20.000 máy tính kết nối mạng, hơn 10.000 điểm kết nối mạng online. Bên cạnh đó các bưu tá, nhân viên phát đều sử dụng smartphone để thực hiện việc xác nhận thông tin, truyền dữ liệu báo phát nhanh chóng, kịp thời. Ông Nguyễn Quốc Vinh chia sẻ “ Chúng tôi đang tiếp tục hiện đại hóa các trung tâm khai thác, vận chuyển. Hiện đã có 1 trung tâm ở Hiệp Phước được trang bị tự động hóa. Tới đây ở Đà Nẵng, Hà Nội và Hải Phòng, Nghệ An, Khánh Hòa, Cần Thơ… là những hub phụ, cũng dần dần từng bước sẽ được trang bị hệ thống chia chọn tự động, giúp cho việc phân phối hàng hóa được nhanh chóng, đảm bảo chất lượng dịch vụ, đồng thời cập nhật thông tin tự động để hỗ trợ hoạt động điều hành kịp thời. Một thế mạnh nữa, Bưu điện Việt Nam là nhà cung cấp đa dịch vụ, ngoài dịch vụ chuyển phát còn có các dịch vụ tài chính bưu chính. Chúng tôi đang hợp tác với một số ngân hàng để tới đây cung cấp giải pháp ví điện tử của Bưu điện Việt Nam, giúp cho việc thanh toán và điều phối dòng tiền một cách kịp thời, bảo đảm chất lượng.

Đặc biệt, hiện Vietnam Post còn đang hợp tác với một số Viện nghiên cứu và các đối tác uy tín để thiết kế, lắp đặt băng tải đọc mã vạch tự động trên diện rộng, hoặc triển khai robot gắp hàng hóa, bưu kiện tự động.

Ngoài những ứng dụng CNTT trong mạng lưới, thời gian qua Vietnam Post còn triển khai nhiều ứng dụng khác như mã bưu chính, bản đồ số, sàn giao dịch vận tải… đem lại lợi ích cho các doanh nghiệp bưu chính và nhiều lĩnh vực khác trong đời sống, xã hội. Bởi doanh nghiệp này xác định, mình là cánh tay nối dài của các cấp chính quyền cũng như một phần động lực để phát triển kinh tế – xã hội. Điều này cũng nằm trong chủ trương chung của Liên minh Bưu chính thế giới (UPU), coi các mạng bưu chính công cộng và dịch vụ bưu chính công ích là một trong những động lực để phát triển kinh tế – xã hội.

Ông Chu Quang Hào, Tổng giám đốc Vietnam Post cho biết thêm, Bưu điện Việt Nam định hình văn hóa doanh nghiệp theo hướng ngoài sự phát triển của nội bộ, cần tạo ra môi trường, hệ sinh thái để các doanh nghiệp, người dân cùng tham gia và phát triển trong quá trình chuyển đổi số quốc gia. Sàn giao dịch vận tải là một ví dụ điển hình. Đây là một phương thức mới, minh bạch hóa, không chỉ giúp Bưu điện Việt Nam giảm chi phí mà còn giúp các công ty vận tải khác cũng tham gia vào hoạt động vận tải bưu chính, giảm chi phí chung của xã hội, theo đó sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nói chung.

Đặc biệt, năm 2019 doanh nghiệp bưu chính công ích duy nhất của Việt Nam đã “ghi điểm” qua việc xây dựng Bản đồ số Vmap trong Hệ tri thức Việt số hóa. Việc có sản phẩm bản đồ số do người Việt làm chủ rất quan trọng đối với vấn đề an ninh quốc gia, nhất là chủ quyền trên không gian mạng. Hiện Bưu điện Việt Nam vẫn  đang phối hợp với các đơn vị liên quan để tiếp tục mở rộng thêm tính năng mới tiện ích hơn cho người sử dụng bản đồ số Vmap.

Tại buổi làm việc mới đây với Bưu điện Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã yêu cầu Vietnam Post phải thông qua hạ tầng công nghệ số để chuyển đổi mô hình kinh doanh và xây dựng hệ sinh thái sản phẩm dịch vụ số để ngày càng tạo ra nhiều giá trị hơn nữa cho xã hội, người dân và doanh nghiệp. Theo ông Nguyễn Quốc Vinh,  đây là hướng đi đặc biệt quan trọng của Bưu điện Việt Nam trong thời gian tới. Ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm 2020, Bưu điện Việt Nam đã ban hành hành khung kiến trúc công nghệ thông tin tổng thể của đơn vị. Theo đó năm 2020, Vietnam Post sẽ tập trung đổi mới mô hình quản lý, ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng điều hành tập trung, làm chủ và sáng tạo công nghệ. Bên cạnh đó, giảm thiểu tối đa số lượng ứng dụng tại các khâu, công đoạn trong sản xuất, nâng cao khả năng tích hợp và tính tiện ích, tiện dụng của từng ứng dụng. Đồng thời đảm bảo kết nối liên thông giữa hạ tầng công nghệ thông tin của Bưu điện Việt Nam với khách hàng, đối tác trong và ngoài nước. Ngay từ năm 2020, các hoạt động của Bưu điện Việt Nam sẽ lấy công nghệ thông tin làm nền tảng và là công cụ và giải pháp hữu hiệu thúc đẩy quá trình hiện đại hoá sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng. Trong đó Bưu điện Việt Nam sẽ đặc biệt chú trọng tới việc tối ưu hóa và tự động hóa trong lĩnh vực bưu chính chuyển phát, logistic và chăm sóc khách hàng.

VECOM.

 Tags: