Bước tiến mới của đào tạo chính quy thương mại điện tử

Ngày đăng: 09/01/2021 16:55:00

Phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp được coi là yếu tố then chốt để thương mại điện tử bùng nổ trong giai đoạn tới. Đây là nhận định được nhiều trường đại học và doanh nghiệp đưa ra trong Hội thảo Tổng kết 10 năm đào tạo chính quy thương mại điện tử và hướng phát triển diễn ra vào ngày 19/6/2015 tại Trường Đại học Thương mại, Hà Nội.

Năm 2005 Trường Đại học Thương mại đã chính thức triển khai chương trình đào tạo ngành thương mại điện tử. Tới nay trên cả nước có tới 100 trường đại học và cao đẳng giảng dạy thương mại điện tử ở các mức độ khác nhau và là kênh quan trọng cung cấp nguồn nhân lực đào tạo chính quy về lĩnh vực này cho các doanh nghiệp.

 

GS. TS. Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại phát biểu chào mừng

 

Ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin phát biểu tại Hội thảo

 

TS. Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại, đã nhấn mạnh trong bài phát biểu khai mạc Hội thảo “Trong 10 năm qua, với tư cách là trường đại học đầu tiên trong cả nước đào tạo chính quy bậc đại học ngành thương mại điện tử, Trường Đại học Thương mại đã đi đầu trong việc triển khai và cho ra trường nhiều khóa sinh viên tốt nghiệp chính quy ngành Thương mại điện tử, đóng góp không nhỏ cho việc cung cấp nguồn nhân lực cho việc phát triển thương mại điện tử của đất nước”. Thực tế sau sáu khóa cho thấy tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ngành TMĐT tìm được việc làm chiếm tỷ lệ cao tới 93%. Trong 7% còn lại thì có tới 6% tiếp tục đi học và chỉ có 1% là chưa tìm được việc làm.

Hội thảo do Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin phối hợp với Khoa Thương mại điện tử -Trường Đại học Thương mại tổ chức đã thu hút sự tham gia của lãnh đạo và giảng viên hàng chục trường đại học và cao đẳng trên cả nước. Chỉ trong vòng vài tháng đã có trên 60 báo cáo khoa học gửi tới Ban tổ chức. Kỷ yếu của Hội thảo đã giới thiệu 45 báo cáo được biên tập theo 5 chủ đề, bao gồm kinh nghiệm và kết quả đào tạo thương mại điện tử; thực trạng và triển vọng sử dụng nhân lực thương mại điện tử; thực tiễn ứng dụng, triển khai thương mại điện tử; sự phối kết hợp trong đào tạo nhân lực thương mại điện tử và đào tạo thương mại điện tử đón đầu xu hướng.

Trong khi các báo cáo đều khẳng định tầm quan trọng của đào tạo chính quy thương mại điện tử trong giai đoạn tới, các diễn giả từ doanh nghiệp đánh giá chất lượng đào tạo của các trường chưa đáp ứng được nhu cầu cả về số lượng lẫn chất lượng. Tỷ lệ lao động được đào tạo chính quy về thương mại điện tử trong những công ty thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam chưa cao, chưa chiếm ưu thế trong bộ máy lãnh đạo. Các doanh nghiệp trực tuyến phải tốn kém chi phí và thời gian cho việc tuyển dụng nhân sự và đào tạo họ để có thể đáp ứng công việc. Đặc biệt, những doanh nghiệp thương mại điện tử gặp khó khăn rất lớn khi cần tuyển dụng gấp hàng trăm nhân sự để triển khai các dự án kinh doanh trực tuyến lớn.

 

Hình ảnh Hội thảo

 

Nhiều đề xuất đã được nêu tại Hội thảo liên quan tới tính liên ngành trong đào tạo ngành thương mại điện tử, sự cân bằng giữa giảng dạy công nghệ thông tin với thương mại và quản trị kinh doanh, sự phối hợp giữa các trường với nhau cũng như giữa các trường với các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến, v.v… Hội thảo đánh giá các cơ quan quản lý nhà nước có vai trò lớn trong việc tuyên truyền để khuyến khích sinh viên quan tâm hơn tới việc đăng ký học ngành này. Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin thuộc Bộ Công thương và Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) là những tổ chức có trách nhiệm lớn trong việc định hướng, hỗ trợ và kết nối các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp, gắn đào tạo với nhu cầu nhân sự thương mại điện tử của doanh nghiệp.

Nhân dịp này, Khoa Thương mại điện tử đã trao Chứng nhận cho VECOM và một số đơn vị có nhiều đóng góp cho hoạt động đào tạo chính quy ngành thương mại điện tử của Trường Đại học Thương mại trong 10 năm qua.

 

 

Đại diện VECOM và một số đơn vị nhận giấy Chứng nhận của trường Đại học Thương mại

 

Theo đề nghị của VECOM, nhiều doanh nghiệp hội viên và các cơ sở đào tạo đã nhiệt tình gửi báo cáo đóng góp cho hội thảo. Những thông tin khách quan và đề xuất của các doanh nghiệp có giá trị tích cực cho các cơ sở đào tạo nâng cao chất lượng giảng dạy thương mại điện tử trong những năm tới.

VECOM.

Viết bình luận của bạn