Xem chi tiết báo cáo: Tại đây
Báo cáo tóm tắt "Bộ tiêu chí thương mại điện tử xanh - ECGI" được thực hiện dựa trên các kết quả tổng hợp và phân tích toàn diện hệ thống chính sách và pháp luật của Việt Nam về thương mại liên quan đến thương mại điện tử, bảo vệ môi trường...bao gồm dịch vụ phân phối, ngoại thương, logistics và chuyển phát; các bộ tiêu chí về môi trường và TMĐT của Việt Nam và một số nước cũng như các tổ chức quốc tế.
Trong những năm gần đây thương mại điện tử ở Việt Nam đã tăng trưởng với tốc độ cao hàng đầu trên thế giới với tỷ lệ trung bình hàng năm trên 25%. Theo dự đoán của VECOM và một số tổ chức có uy tín, Việt Nam sẽ duy trì tốc độ cao này trong nhiều năm tới.
Nhưng sự phát triển nhanh của thương mại điện tử, bao gồm bán lẻ hàng hoá trực tuyến và gọi đồ ăn công nghệ, đã dẫn tới những tác động tiêu cực tới môi trường, đặc biệt là quy mô rác thải bao bì, dụng cụ nhựa ngày càng tăng.
Bảo vệ môi trường là nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi của toàn xã hội, bao gồm các chủ thể chính là nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Chủ thể đầu tiên là nhà nước có vai trò xây dựng chính sách và pháp luật nhằm phát triển thương mại điện tử bền vững, với các mục tiêu cơ bản là đảm bảo sự phát triển nhanh của thương mại điện tử trong khi giảm thiểu tới mức cao nhất các tác động xấu tới môi trường, đặc biệt là giảm sử dụng, tái sử dụng, tái chế các loại bao bì, vật liệu nhựa.
Trên cơ sở phân tích toàn diện hệ thống chính sách và pháp luật của Việt Nam cho tới cuối năm 2024, nghiên cứu này cho thấy pháp luật về thương mại, bao gồm dịch vụ phân phối, ngoại thương, logistics và chuyển phát, thương mại điện tử hầu như chưa đề cập tới phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, thương mại xanh. Quy định về môi trường trong pháp luật về thương mại mới giới hạn ở các biện pháp cấm, hạn chế kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện các hàng hoá hay dịch vụ tác động xấu tới môi trường, bao gồm động vật, thực vật hoang dã quý hiếm trong tình trạng nguy cấp, chưa có các quy định cụ thể liên quan tới giảm sử dụng bao bì, vật liệu nhựa hay giảm phát thải khí nhà kính. Một số chính sách về thương mại đã đề cập sơ lược tới phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, nhưng mới dừng ở quan điểm phát triển hay mục tiêu, hầu như chưa đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.
Trong khi đó, chính sách và pháp luật về môi trường liên quan tới thương mại mới đề cập tới phương thức kinh doanh truyền thống, chưa bao quát hình thức kinh doanh trực tuyến.
Chủ thể thứ hai là các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến. Mặc dù mục tiêu chủ yếu của doanh nghiệp là tìm kiếm lợi nhuận nhưng đây là lực lượng chủ chốt trong bảo vệ môi trường trong lĩnh vực thương mại điện tử. Trước hết, doanh nghiệp có nghĩa vụ thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường khi kinh doanh trực tuyến và họ sẽ bị xử phạt hành chính hoặc trách nhiệm hình sự nếu không tuân thủ pháp luật. Tuy nhiên, các doanh nghiệp gặp khó khăn đáng kể về nguồn lực để nắm được các quy định của pháp luật và thực thi các nghĩa vụ liên quan. Do đó, các cơ quan nhà nước và các tổ chức xã hội nghề nghiệp có trách nhiệm phổ biến, tuyên truyền pháp luật về môi trường, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao nhận thức và tuân thủ pháp luật bảo vệ môi trường.
Bên cạnh việc tuân thủ pháp luật kinh doanh và môi trường, các doanh nghiệp cũng có thể chủ động triển khai nhiều hoạt động mà pháp luật chưa quy định, vừa góp phần bảo vệ môi trường vừa nâng cao uy tín, thương hiệu của mình.
Xây dựng và giới thiệu tới các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến một bộ tiêu chí hướng dẫn và nhận diện doanh nghiệp thương mại điện tử xanh, mô hình TMĐT bền vững, không bao bì nhựa khó phân huỷ là một giải pháp giúp các doanh nghiệp triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường dễ dàng hơn.
Để xây dựng bộ tiêu chí này, trước hết nhóm nghiên cứu đã thu thập các bộ tiêu chí về môi trường và thương mại điện tử của Việt Nam và một số nước cũng như các tổ chức quốc tế. Tiếp đó, các bộ tiêu chí này được phân tích một cách chi tiết về mục tiêu, phạm vi và đối tượng áp dụng, đơn vị ban hành, các tiêu chí và tiêu chí thành phần, đánh giá tình hình triển khai và những yếu tố ảnh hưởng tới sự thành công của mỗi bộ tiêu chí.
Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu đã xây dựng Bộ tiêu chí hướng dẫn và nhận diện doanh nghiệp thương mại điện tử xanh, mô hình TMĐT bền vững, không bao bì nhựa khó phân huỷ. Đồng thời, nhóm nghiên cứu cũng đề xuất lộ trình áp dụng và sửa đổi bộ tiêu chí này nhằm càng ngày càng có nhiều doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến triển khai bộ tiêu chí tại doanh nghiệp của mình, từ đó góp phần thiết thực vào chiến lược phát triển thương mại điện tử bền vững và thân thiện với môi trường.
MỤC TIÊU NGHIÊN CỨU
1. Tập hợp các nội dung, quy định trong chính sách, pháp luật thương mại và môi trường với các quy định liên quan tới thương mại điện tử xanh và bền vững.
2. Các quy định, thoả thuận về thương mại điện tử xanh của một số nước và tổ chức quốc tế.
3. Phân tích rào cản trong chính sách, pháp luật và thực thi đối với phát triển thương mại điện tử thân thiện với môi trường.
4. Thu thập thông tin các bộ tiêu chí bảo vệ môi trường và thương mại điện tử, ý nghĩa của các bộ tiêu chí này đối tới thực tiễn bảo vệ môi trường, xác định các yếu tố liên quan tới sự thành công của mỗi bộ tiêu chí.
5. Đề xuất Bộ tiêu chí hướng dẫn và nhận diện doanh nghiệp thương mại điện tử xanh, mô hình TMĐT bền vững, không bao bì nhựa khó phân huỷ phù hợp với thực tiễn phát triển của thương mại điện tử Việt Nam.