Trong bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam gặp nhiều khó khăn, lĩnh vực thương mại điện tử nước ta tiếp tục phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng trên 25% và đạt quy mô trên 25 tỷ USD. Xuất khẩu trực tuyến tới người tiêu dùng ở nước ngoài tăng mạnh và sẽ tạo ra xu hướng mới của thương mại điện tử nước ta. Thương mại điện tử cũng lan toả ngày càng sâu vào các ngành như giáo dục, y tế và môi trường.
Tuy nhiên, tương phản với sự tăng trưởng nhanh về quy mô là tính không bền vững của thương mại điện tử nước ta. Những yếu tố chính của sự không bền vững là khoảng cách số, nguồn nhân lực số và môi trường. Trên thực tế, khoảng cách phát triển thương mại điện tử giữa hai thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh với 61 địa phương khác rất lớn, nguồn nhân lực chất lượng cao được đào tạo chính quy ở các trường đại học chưa đáp ứng nhu cầu và thương mại điện tử gây tác động ngày càng xấu tới môi trường.
Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử năm nay tiếp tục chỉ ra sự cần thiết phải triển khai các chính sách và giải pháp nhằm giải quyết ba vấn đề lớn nêu trên. Ngoài ra, Báo cáo cũng kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước cần đánh giá hiện trạng, ban hành chính sách và pháp luật thúc đẩy hoạt động xuất khẩu trực tuyến, công nghệ giáo dục (EdTech) và công nghệ y tế (HealthTech).
Năm 2024 VECOM tiếp tục hoàn thiện phương pháp tính chỉ số thương mại điện tử. Bên cạnh việc tính toán dựa vào kết quả khảo sát hàng nghìn doanh nghiệp VECOM, còn sử dụng nhiều kênh thông tin định lượng tin cậy khác. Tên miền quốc gia “.VN” tiếp tục là yếu tố quan trọng nhất trong đánh giá hạ tầng cho thương mại điện tử. Mặc dù Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) đã triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy việc đăng ký và sử dụng tên miền quốc gia nhưng sự thay đổi tại một số địa phương rất nhỏ. Do đó, năm nay VECOM không xếp hạng chỉ số với những địa phương với trung bình trên 2000 dân mới có một tên miền quốc gia.
Mức độ tham gia các sàn thương mại điện tử và nền tảng công nghệ hỗ trợ bán hàng đa kênh là những thông tin quan trọng khi tính điểm cho các chỉ số. Do mối tương quan chặt chẽ giữa số doanh nghiệp và thu nhập trung bình của người dân ở mỗi địa phương tới thương mại điện tử nên những thông tin này được xem xét khi tính toán các chỉ số.
Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử năm nay là nguồn thông tin hữu ích cho mọi đối tượng quan tâm tới kinh doanh trực tuyến, bao gồm các doanh nghiệp, đơn vị nghiên cứu và tư vấn, các cơ quan xây dựng chính sách và pháp luật… Đặc biệt, các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương như Sở Công Thương, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư… có thể đề xuất các hoạt động cụ thể thuộc phạm vi quản lý của mình để thúc đẩy từng chỉ tiêu thành phần trong chỉ số chung, qua đó góp phần phát triển thương mại điện tử tại địa phương.