Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2012

Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2012
Tác giả: Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam VECOM
Ngày đăng: 2012-12-14
Năm xuất bản: 2012
Định dạng: PDF

 

Download

Cho tới năm 2012, đã có một số Sở Công Thương đã chủ động tiến hành điều tra hiện trạng ứng dụng thương mại điện tử tại địa phương. Tuy nhiên, những cuộc điều tra này hầu như không được tiến hành đều đặn hàng năm và không theo một phương pháp thống nhất nên những kết quả điều tra chưa được phổ biến, sử dụng rộng rãi. Trong bối cảnh đó, Chỉ số Thương mại điện tử (EBI) giúp các địa phương có được bức tranh chung về tình hình phát triển thương mại điện tử trên cả nước cũng như tại địa phương mình.

Do chỉ số EBI được xây dựng cho các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương nên VECOM chủ trương phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước về thương mại điện tử tại các địa phương. Ngày 24/7/2012 VECOM đã gửi công văn số 11/VECOM-VP tới tất cả các Sở Công Thương đề nghị phối hợp triển khai Chương trình Chỉ số Thương mại điện tử 2012. Tiếp đó, ngày 28/9/2012 VECOM tiếp tục gửi công văn số 20/VECOM-VP tới các Sở Công Thương đề nghị các Sở tiếp tục phối hợp, giúp đỡ hoạt động điều tra doanh nghiệp và thông báo tới Hiệp hội cán bộ đầu mối phụ trách thương mại điện tử.

Trong quá trình xây dựng chỉ số EBI, VECOM đã trao đổi và nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của Cục Ứng dụng Công nghệ thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (DIAP) về phương pháp đánh giá, xếp hạng cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên website của các tỉnh. Đồng thời, VECOM tiến hành nghiên cứu toàn diện phương pháp và kết quả xây dựng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do VCCI tiến hành dưới sự hỗ trợ của Dự án Sáng kiến Cạnh tranh Việt Nam thuộc Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID/VNCI). PCI chú trọng tới tính minh bạch và mức độ các doanh nghiệp thu thập thông tin từ website của cơ quan nhà nước cấp tỉnh.

EBI được xây dựng dựa trên bốn nhóm tiêu chí lớn là nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin, giao dịch thương mại điện tử doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C), giao dịch thương mại điện tử doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) và cung cấp dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan nhà nước tới doanh nghiệp (G2B). Trên cơ sở điều tra hơn ba nghìn doanh nghiệp khắp cả nước, VECOM đã sử dụng phương pháp đánh giá sự sẵn sàng ứng dụng thương mại điện tử của Trung tâm Phát triển Quốc tế thuộc Đại học Havard để xây dựng chỉ số cho từng tỉnh.  Mặc dù VECOM đã hết sức cố gắng nhưng do đây là lần đầu tiên triển khai xây dựng EBI trong điều kiện khó khăn về nguồn lực nên chưa thể đánh giá được tất cả các địa phương trên cả nước. Việc tham khảo số liệu của các địa phương lân cận hoặc có mức độ phát triển tương đương có thể có ích đối với các tỉnh chưa có trong danh mục EBI năm nay.

Chúng tôi xin cảm ơn tất cả các tổ chức và cá nhân, đặc biệt là Ngân hàng cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Google, Ngân hàng cổ phần Á Châu (ACB), Trung tâm Phát triển Thương mại điện tử (ECOMVIET), các Sở Công Thương An Giang, Đắk Lắk, Đắk Nông, Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và nhiều doanh nghiệp hội viên của VECOM như Hapecom Group, Vietnamnay đã nhiệt tình giúp đỡ Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam trong công tác xây dựng Chỉ số Thương mại điện tử 2012.

Chúng tôi cũng xin gửi lời cảm ơn chân thành tới tất cả các doanh nghiệp trên cả nước đã dành thời gian quý báu tham gia khảo sát EBI 2012. Không thể có Báo cáo EBI này nếu không có sự giúp đỡ nhiệt tình và khách quan của các doanh nghiệp này.

VECOM

Các bài liên quan:

Báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam 2010

Báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam 2011

Báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam năm 2013