5 cách góp phần giảm thiểu nạn buôn bán động vật hoang dã

Ngày đăng: 2019-06-10

Việt Nam trong những năm gần đây đang trở thành một trong những điểm nóng về buôn bán, sử dụng, và tàng trữ các sản phẩm từ động thực vật hoang dã trong khu vực Đông Nam Á. Có rất nhiều vụ án buôn bán, tàng trữ trái phép sản phẩm động thực vật hoang dã khối lượng lớn đã bị phát hiện. Tình trạng sử dụng ngà voi, sừng tê giác, vảy tê tê, và vô số các loài quý hiếm khác nhằm phục vụ cho việc chữa bệnh hoặc cho các bữa tiệc xa hoa đã trở thành một quan niệm xấu và một thói quen xấu trong việc tiêu dùng của người dân.

 

Lô hàng 9,1 tấn nghi là ngà voi bị bắt giữ tại cảng Tiên Sa, Đà Nẵng vào cuối tháng 3 năm nay

(Ảnh: tuoitre.vn)

 

Hậu quả của việc tiêu dùng các sản phẩm này chính là khiến cho nhiều loài động thực vật rơi vào nguy cơ tuyệt chủng, gây ảnh hưởng đến sự đa dạng sinh học. Những loài thú lớn như tê giác một sừng, hổ, hươu vàng… đang đứng trên bờ vực tuyệt chủng do cơn khát khai thác và sử dụng trái phép của một bộ phận lớn người tiêu dùng.

Mỗi cá nhân chúng ta đều có thể tự mình đóng góp, cùng nhau chống tại tệ nạn buôn bán động vật hoang dã trái phép này. Những hành động dưới đây sẽ là những đóng góp to lớn để giảm thiểu tình trạng buôn bán động vật hoang dã:

  1. Cẩn thận trong việc mua bán

Có rất nhiều sản phẩm tiêu dùng như quần áo, trang sức… được làm với nguyên liệu từ các loài động, thực vật hoang dã quý hiếm.  Hãy thật cẩn trọng trong việc mua hoặc bán những sản phẩm này nếu bạn không rõ nguồn gốc, đặc biệt là việc mua bán trên mạng Internet.

  1. Nuôi những vật nuôi an toàn, không nằm trong phạm vi quý hiếm

Rất nhiều người Việt Nam có thú vui nuôi những con vật nuôi độc và lạ. Trong số đó, rất ít người có ý thức được việc nuôi nhốt hổ, tê tê… như vật nuôi là hành động tàng trữ trái phép động vật hoang dã quý hiếm. Hãy tìm hiểu thông tin về những vật nuôi mà bạn đang có và đảm bảo rằng, chúng không nằm trong danh sách động vật quý hiếm.

  1. Động vật hoang dã không phải là thuốc!

Khoa học hiện nay chưa có một tài liệu nào chứng minh rằng vảy tê tê, sừng tê giác… hay bất kỳ sản phẩm từ động vật hoang dã nào có tác dụng chữa bệnh nan y. Tuy nhiên, nhiều người vẫn quan niệm rằng các sản phẩm này có thể chữa bệnh ung thư, bệnh xoang lâu năm,…mà không hề tham khảo ý kiến từ các chuyên gia, bác sĩ có bằng cấp. Hãy loại bỏ ngay các quan niệm phản khoa học này và bảo vệ các loài động vật quý hiếm. Bảo vệ chúng chính là góp phần bảo vệ trái đất của chúng ta.

  1. Tham gia các chiến dịch bảo vệ động vật hoang dã

Nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, các tổ chức, cơ quan đã phát động rất nhiều chiến dịch bảo vệ động vật hoang dã nhằm giảm thiểu các nhu cầu buôn bán các sản phẩm trái phép này. Hãy tham gia và là một phần của chiến dịch để bảo tồn sự mất cân bằng sinh thái vẫn đang diễn ra.

 

Mô hình động vật hoang dã kêu cứu được đặt tại khuôn viên chùa Vĩnh Nghiêm, TP.HCM

 (Ảnh: baomoi.com)

 

  1. Kêu gọi mọi người xung quanh cùng bảo vệ các loài động, thực vật hoang dã quý hiếm

Mỗi cá nhân đều có thể kêu gọi những người sống xung quanh mình thay đổi suy nghĩ về việc buôn bán động vật, thực vật hoang dã quý hiếm. Các loài động, thực vật bị buôn bán trái phép này không hề có các tác dụng chữa bệnh như chúng ta vẫn lầm tưởng. Hãy dừng lại ngay và suy nghĩ một cách khoa học để cùng nhau xây dựng một cộng đồng phòng chống, giảm thiểu tệ nạn buôn bán động vật hoang dã.

Theo nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 234 về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã và Điều 244 về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm của Bộ luật Hình sự. Đối với hành vi tàng trữ trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm kể từ 0 giờ 00 phút ngày 01/01/2018 (ngày Bộ luật Hình sự có hiệu lực thi hành) nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì tùy từng trường hợp cụ thể mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 234 hoặc Điều 244 của Bộ luật Hình sự.

VECOM.

 Tags:
Viết bình luận của bạn