4 công cụ phân tích giúp đánh giá hành vi khách hàng TMĐT

Ngày đăng: 2014-10-13

Khi nói đến website thương mại điện tử, việc phân tích đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Nếu không phân tích, sẽ rất khó khăn cho các chủ doanh nghiệp xác định được rằng sản phẩm nào đang bán chạy và sản phẩm nào đang trở nên “ế ẩm”, khu vực nào đang cần cải thiện doanh thu, nguồn khách hàng tìm đến từ đâu, những từ khoá làm tăng lượng truy cập vào website, v.v…

Có rất nhiều công cụ phân tích trực tuyến có sẵn mà bạn có thể tích hợp trong trang web của bạn. Tuy nhiên, không phải tất cả trong số đó đều hữu dụng. Để tiết kiệm thời gian mà bạn phải bỏ ra tìm kiếm, so sánh các công cụ phân tích, dưới đây là 4 công cụ tốt nhất có thể tích hợp trong site trực tuyến của bạn để xác định hành vi người mua hàng và tối đa hoá doanh thu.

1. Google Analytics

Khi nhắc đến các công cụ phân tích, Google Analytics là công cụ trực tuyến được sử dụng rộng rãi và phổ biến nhất. Sẵn có, được cung cấp miễn phí, với các tính năng phong phú, Google Analytics cung cấp đầy đủ phương pháp giúp bạn đánh giá hành vi người truy cập. Tuy nhiên, nó thường có thời gian nhất định để cập nhật. Do đó, bạn có thể không nhận được các báo cáo phân tích kịp thời với công cụ này.

Một điểm không thể không nhắc tới là công cụ tìm kiếm Google Search đang dẫn đầu trong các công cụ tìm kiếm được sử dụng phổ biến trên toàn thế giới, do vậy việc ứng dụng Google Analytics có ít nhiều lợi thế cho các website để gia tăng khả năng tìm kiếm.

2. Piwik

Piwik là một công cụ phân tích miễn phí khác. Không giống như Google Analytics, nó có khả năng giám sát và báo cáo hành vi người dùng trong thời gian thực. Một số thông tin quan trọng nó cung cấp liên quan đến website thương mại điện tử của bạn bao gồm: từ khoá hàng đầu trong công cụ tìm kiếm, các khu vực và công cụ tìm kiếm mà khách hàng sử dụng, các trang phổ biến, các bài viết hoặc sản phẩm trên trang web, lượng khách truy cập trực tuyến, bài viết nào được xem nhiều nhất, và một số dữ liệu hữu ích khác.

3. Clicky

Clicky cũng là một công cụ phân tích nổi tiếng có thể dùng tích hơp vào các website thương mại điện tử để thu thập các thông tin hữu dụng liên quan đến hành vi khách hàng. Không giống các công cụ khác, nó có thể tạo ra các báo cáo cập nhật theo từng phút về hành vi tương tác của khách truy cập. Công cụ so sánh giúp bạn đánh giá đơn giản và dễ dàng hơn trong việc quyết định những thay đổi được thực hiện có đem lại thêm giá trị cho bạn hay không.

Công cụ này còn đi kèm với một công cụ tuyệt vời khác có thể theo dõi những gì mà mọi người hoặc khách hàng của bạn bình luận về website của bạn trên Twitter. Nó có cả phiên bản miễn phí và trả phí. Đương nhiên, phiên bản miễn phí bị giới hạn một số chức năng, và để khai thác được tất cả các tính năng, bắt buộc bạn phải mua và lập tài khoản người dùng.

4. WebTrend Analytics

Nếu bạn chưa hài lòng với những báo cáo về lượng truy cập và hành vi người dùng quá ngắn gọn, bạn có thể cân nhắc việc tích hợp công cụ WebTrend Analytics vào website của bạn. Đây là công cụ phù hợp nhất dành cho những ông chủ muốn có một cái nhìn sâu sắc về cửa hàng trực tuyến của mình, bao gồm từ số lượng đến khu vực của khách hàng, họ tìm đến trang web thông qua công cụ tìm kiếm và từ khoá nào, những trang bài hoặc sản phẩm hàng đầu của website.

Cùng với việc phân tích, nó sẽ cung cấp một báo cáo về khối lượng người dùng truy cập vào website thông qua các ứng dụng di động. Ngoài ra, bạn cũng có báo cáo về tình hình tương tác giữa khách hàng với trang fanpage Facebook của bạn. Công cụ này được cung cấp ở nhiều phiên bản với các mức giá khác nhau tuỳ thuộc vào quy mô kinh doanh và lượng khách truy cập của website.

Thương mại điện tử đang phát triển không ngừng, gắn với sự bùng nổ của các phương tiện, kỹ thuật công nghệ thông tin. Việc lập một gian hàng trực tuyến không còn là vấn đề khó khăn, nhưng làm thế nào để quản trị, vận hành gian hàng ấy một cách hiệu quả thì không hề đơn giản. Nếu biết cách ứng dụng hợp lý các công cụ phân tích kể trên, sẽ giúp các website thương mại điện tử tiếp cận tốt hơn với các khách hàng tiềm năng, tăng cường trải nghiệm và mức độ hài lòng của người sử dụng và gia tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Nguồn: Transitionblog.com