Thực trạng dịch vụ Logistics tại Việt Nam

Ngày đăng: 2014-09-11

Ngày nay, thuật ngữ Logistics được sử dụng trong lĩnh vực kinh tế như một ngành mang lại nhiều nguồn lợi to lớn không những cho các doanh nghiệp mà cho cả nền kinh tế quốc dân.

 

Dịch vụ logistics là ngành dịch vụ xuyên suốt trong quá trình vận chuyển, phân phối lưu thông hàng hóa. Đây là một công cụ hữu hiệu hỗ trợ cho các doanh nghiệp giao thương, trao đổi hàng hóa, đồng thời cũng là một kênh thông tin liên lạc giữa các doanh nghiệp trong nước và quốc tế với nhau.

 

Ảnh minh họa: Thực trạng dịch vụ Logistics tại Việt Nam

 

Vai trò của logistics trong sản xuất kinh doanh là rất quan trọng. Nó góp phần nâng cao hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thương trường. Với vai trò quan trọng và tác dụng to lớn của nó mang lại thì ngày nay trên thế giới, dịch vụ logistics đã trở nên phổ biến và rất phát triển, được các doanh nghiệp coi là một thứ vũ khí cạnh tranh mới, hỗ trợ tích cực cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đạt hiệu tốt hơn.

 

Trong vài thập niên trở lại đây, dịch vụ logistics đã phát triển nhanh chóng và mang lại những kết quả tốt ở nhiều nước trên thế giới, điển hình như: Hà Lan, Thụy Điển, Đan Mạch, Nhật bản, Mỹ, Trung Quốc, v.v…
Trong những năm gần đây cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, sự gia tăng của hoạt động xuất nhập khẩu và đầu tư nước ngoài, thì dịch vụ logistics tại Việt Nam đang có những bước tiến đáng kể và là một trong những dịch vụ có tiềm năng phát triển rất lớn.

 

 

Khi gia nhập tổ chức thương mại thế giới WTO, bước vào sân chơi toàn cầu, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics Việt Nam sẽ có cơ hội phát triển nhanh. Tuy nhiên cũng sẽ có những khó khăn, thách thức bởi hiện nay quy mô của phần lớn các doanh nghiệp logistics Việt Nam còn nhỏ, tiềm lực tài chính yếu, nguồn nhân lực chưa có kinh nghiệm và chuyên môn cao trong quản lý, ít kinh nghiệm trên thương trường. Nói chung là còn rất nhiều điều bị hạn chế thua kém các nước trong khu vực và trên thế giới.

 

Đồng thời theo cam kết gia nhập WTO, các công ty có 100% vốn nước ngoài sẽ được phép hoạt động tại Việt Nam trong lĩnh vực này. Vì vậy trong thời gian tới dịch vụ logistics ở nước ta sẽ hứa hẹn một sự canh tranh gay gắt và khốc liệt.

 

Vậy câu hỏi đặt ra, làm thế nào để các doanh nghiệp logistics Việt Nam có thể đương đầu và cạnh tranh với các doanh nghiệp có quy mô lớn từ nước ngoài? Như DHL, UPS, TNT…

 

Chắc chắn sẽ không có câu trả lời nào hoàn thiện và toàn diện nhưng về cơ bản thì các doanh nghiệp logistics Việt Nam cần phải thay đổi, lấy con người làm gốc, đào tạo đội ngũ có trình độ chuyên môn cao, cải tiến bộ máy lãnh đạo, trang thiết bị, công nghệ quản lý, máy móc, kho bãi nhà xưởng sao cho phù hợp và tốt nhất, ngoài những yếu tố cốt lõi trên thì vẫn cần sự hợp tác, chia sẻ và đoàn kết của các doanh nghiệp trong nước một cách chặt chẽ hơn.

 

VECOM

Các bài liên quan:

 

Thương mại điện tử với dịch vụ Logistics và chuyển phát

 

Hà Nội quan tâm phát triển dịch vụ logistics và giám định thương mại

 

Lịch sử ra đời Free Shipping Day ở Mỹ và ý nghĩa to lớn mang lại

 

Sự quan tâm của truyền thông đối với ngày “Free Shipping Day”