Doanh nghiệp TMĐT đối mặt với rủi ro liên quan đến hoạt động buôn bán động, thực vật hoang dã trái phép

Ngày đăng: 29/02/2024 09:24:00

Sự phát triển liên tục và ngày càng mở rộng của thương mại điện tử (TMĐT) đã thúc đẩy các hoạt động kinh doanh trên các sàn TMĐT như Sendo, Tiki, Shopee và mạng xã hội nhiều tương tác như Facebook, Zalo, và TikTok. Hàng hóa trong đó bao gồm cả động, thực vật hoang dã (ĐTVHD) thuộc Danh mục đang bị đe dọa tuyệt chủng nghiêm cấm hoặc hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại[1] cũng như các sản phẩm của chúng như sừng tê giác, ngà voi, cao hố cốt, vẩy tê tê hiện đang được quảng cáo và rao bán công khai trên mạng Internet (Ảnh 1 và Ảnh 2). Có thể dễ dàng tìm kiếm các tài khoản buôn bán các sản phẩm này trên mạng Internet. Trong thời gian gần đây, hoạt động này tiếp tục có xu hướng gia tăng rõ rệt.

Ảnh 1: Chụp màn hình tài khoản rao bán tượng ngà voi trên marketplace của Facebook, TRAFFIC Việt Nam, Tháng 12/2022

Ảnh 2: Chụp màn hình tài khoản rao bán nhẫn ngà trên Sendo, TRAFFIC Việt Nam, Tháng 12/2022

Voi là động vật có vú trên cạn lớn nhất hiện nay. Voi châu Phi thuộc diện sắp nguy cấp và voi châu Á thuộc diện bị đe dọa theo Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN). Nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm về voi là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với các quần thể voi hiện nay.

Mọi hành vi lưu giữ, quảng cáo, kinh doanh các loài động vật hoang dã (ĐVHD) và sản phẩm, bộ phận từ chúng mà không có nguồn gốc hợp pháp hoàn toàn bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật. Tùy theo loài, tính chất, mức độ nghiêm trọng, hành vi nuôi nhốt, săn bắt, giết, vận chuyển, buôn bán, nuôi nhốt ĐVHD hoặc tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, sản phẩm, bộ phận liên quan có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt lên đến 15 năm tù đối với cá nhân theo Điều 190, 191, 234, 244 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) hoặc xử phạt vi phạm hành chính lên đến 400 triệu đồng đối với cá nhân theo Điều 21, 23 Nghị định 35/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 07/2022/NĐ-CP) hoặc Điều 41 Nghị định 42/2019/NĐ-CP.

Hành vi quảng cáo bán trái phép các sản phẩm ĐVHD (không phân biệt là hàng thật hay hàng giả) dù là trên mạng Internet cũng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 1 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với cá nhân theo Điều 33 Nghị định 38/2021/NĐ-CP hoặc Điều 16 Nghị định 35/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 07/2022/NĐ-CP). Ngoài ra, sẽ bổ sung thêm hình thức xử phạt gồm: tịch thu dụng cụ, công cụ, tang vật vi phạm hành chính. Đồng thời, bên vi phạm phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh; buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường.

Theo Báo cáo có tiêu đề “Da và Xương: Phân tích tình hình buôn bán hổ trái phép từ tháng 1/2000 đến tháng 6/2022” do Tổ chức TRAFFIC – Mạng lưới giám sát buôn bán động vật hoang dã biên soạn và công bố vào Tháng 11/2022, 75% trong số 675 tài khoản mạng xã hội rao bán các sản phẩm từ hổ tại 6 quốc gia khu vực Đông Nam Á đến từ Việt Nam.

Theo Báo cáo có tiêu đề “Da và Xương: Phân tích tình hình buôn bán hổ trái phép từ tháng 1/2000 đến tháng 6/2022” do Tổ chức TRAFFIC – Mạng lưới giám sát buôn bán động vật hoang dã biên soạn và công bố vào Tháng 11/2022, 75% trong số 675 tài khoản mạng xã hội rao bán các sản phẩm từ hổ tại 6 quốc gia khu vực Đông Nam Á đến từ Việt Nam.

Ảnh 3: Chụp màn hình post rao bán sừng tê giác, vẩy tê tê trên Facebook, TRAFFIC Việt Nam, Năm 2021, 2022

Các báo cáo khảo sát thị trường trực tuyến do Tổ chức TRAFFIC Việt Nam thực hiện trong thời gian gần đây cho thấy có tới hàng nghìn tin, bài (post) quảng cáo, rao bán các sản phẩm có nguồn gốc từ tê giác, tê tê, voi, hổ và các loài mèo lớn, và rùa (tập trung vào rùa cạn và rùa nước ngọt). Số liệu cho thấy có sự gia tăng về số lượng tin, bài (post) quảng cáo, rao theo thời gian từ năm 2021 đến năm 2022. Facebook và Zalo là hai nền tảng dẫn đầu về số lượng tin, bài (post) quảng cáo, rao bán các sản phẩm này. Khảo sát cũng phát hiện vẫn còn tồn tại nhiều tin, bài (post) quảng cáo, rao bán các sản phẩm có nguồn gốc từ ĐVHD trái phép trên các sàn TMĐT nổi tiếng tại Việt Nam như Tiki, Shopee, Sendo và Lazada.

Nhận thức được những rủi ro của hoạt động này đối với cộng đồng TMĐT, từ năm 2015, Tổ chức TRAFFIC tại Việt Nam và Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) đã ký Thỏa thuận Hợp tác nhằm định hướng, xây dựng và triển khai các chương trình truyền thông thay đổi hành vi nhằm nâng cao trách nhiệm xã hội của cộng đồng TMĐT trong việc bảo vệ môi trường và thiên nhiên. Tính đến đầu năm 2023, đã có hơn 3000+ doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực TMĐT tiếp cận đến các nội dung về bảo vệ thiên nhiên hoang dã và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong việc đấu tranh phòng chống các hoạt động buôn bán và sử dụng ĐTVHD trái phép trên mạng xã hội. Hơn 200 doanh nghiệp TMĐT đã ký cam kết không tham gia, tạo điều kiện và nói không với các hoạt động quảng cáo, rao bán ĐTVHD trái phép trong hoạt động kinh doanh của mình. Sapo và Chili – các hội viên của VECOM – cũng đã trở thành các thành viên Việt Nam đầu tiên tham gia vào Liên minh đấu tranh ngăn chặn và chấm dứt buôn bán ĐTVHD trái phép toàn cầu do Tổ chức TRAFFIC, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) và Tổ chức IFAW sáng lập và vận hành. Xem thông tin chi tiết về Liên minh tại Bảng 1 Phụ lục đính kèm.

Ngày 23/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách quản lý ĐVHD, trong đó nhấn mạnh việc xử lý vi phạm về ĐVHD trên Internet như một trong những ưu tiên hàng đầu. Khi cả thế giới được kết nối qua Internet, các hoạt động quảng cáo và buôn bán ĐVHD trái phép trên không gian mạng không chỉ tác động đến đa dạng sinh học của Việt Nam, mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh của đất nước và cộng đồng doanh nghiệp trên trường quốc tế. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an yêu cầu các lực lượng chức năng “phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý các hành vi quảng cáo, mua bán trái phép mẫu vật ĐVHD trên các trang thông tin điện tử”.

Rõ ràng là, rủi ro pháp lý đang gia tăng đối với các đối tượng buôn bán ĐVHD trên Internet và các doanh nghiệp hoạt động trên mạng Internet nếu vô tình liên quan đến hoạt động này. Bên cạnh nỗ lực của Chính phủ, ngày càng có nhiều người dân sẵn sàng hỗ trợ giám sát và thông báo các vi phạm về ĐVHD trên Internet. Các cơ quan thực thi pháp luật tại nhiều địa phương đã nhận thức được mức độ nghiêm trọng trong hành vi vi phạm của các đối tượng buôn bán trên Internet và đang dần quen với việc xử lý các đối tượng này. Xem thông tin về các vụ xét xử và hình phạt tiêu biểu đối với các đối tượng quảng cáo, rao bán ĐTVHD trái phép trên mạng Internet năm 2022 tại Bảng 3 Phụ lục đính kèm.

Trong giai đoạn tới một trong những ưu tiên hàng đầu của VECOM là chủ động thực hiện các hoạt động có trách nhiệm với môi trường để giảm thiểu những tác động trực tiếp hoặc gián tiếp mà TMĐT có thể gây ra đối với môi trường sống và cộng đồng xã hội góp phần tạo ra sự phát triển bền vững cho TMĐT Việt Nam. Hai tổ chức sẽ tiếp tục chủ động xây dựng và triển khai các chương trình truyền thông thay đổi hành vi để khuyến khích doanh nghiệp và doanh nhân trong cộng đồng TMĐT sẽ thực hiện quyết liệt hơn các hoạt động trách nhiệm xã hội đối với vấn đề này. Triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức và đào tạo quản lý rủi ro giúp doanh nghiệp TMĐT hiểu và biết cách phòng trách các rủi ro có liên quan đến buôn bán ĐTVHD trái phép thông qua các hoạt động Hội thảo và Khóa đào tạo trực tuyến miễn phí về bảo vệ ĐTVHD (xem thêm thông tin về Khóa đào tạo trực tuyến miễn phí về bảo vệ ĐTVHD tại Bảng 2 Phụ lục đính kèm). Ngoài ra, Tổ chức TRAFFIC và VECOM cũng sẽ khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh sàn thương mại điện tử và các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Lazada hay Shopee sẽ cùng chung tay xóa bỏ các vi phạm về ĐVHD trên nền tảng thương mại của mình. Điều này góp phần hướng đến một môi trường kinh doanh “ảo” nhưng luôn hợp pháp, bền vững và an toàn cho tất cả các đối tượng tham gia. Và quan trọng hơn, giúp duy trì sự đa dạng sinh học, bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên, hạn chế nguy cơ bùng phát dịch bệnh mới truyền nhiễm từ động vật sang người và bảo vệ sự an toàn và phát triển bền vững cho cộng đồng và xã hội.

PHỤ LỤC

Bàng 1: Giới thiệu chung về Liên minh đấu tranh ngăn chặn và chấm dứt buôn bán ĐTVHD trái phép toàn cầu & Khóa đào tạo trực tuyến miễn phí về bảo vệ ĐTVHD

 

Liên minh đấu tranh ngăn chặn và chấm dứt buôn bán ĐTVHD trái phép toàn cầu do Tổ chức TRAFFIC, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) và Tổ chức IFAW sáng lập và vận hành từ năm 2018. Hiện tại Liên minh đã có 47 thành viên với các doanh nghiệp lớn trên toàn cầu hoạt động trên nền tảng Internet như Google, Meta (Facebook), TikTok, Tencent, Pinterest, Baidu. Liên minh hoạt động với mục đích cung cấp các quy định và hướng dẫn liên quan đến bảo tồn ĐTVHD nhằm giúp các công ty định hướng và xây dựng chính sách bảo vệ ĐTVHD gắn liền và phù hợp với hoạt động của doanh nghiệp mình. Đồng thời, cung cấp các khóa đào tạo để doanh nghiệp và nhân viên doanh nghiệp nhận diện được các sản phẩm ĐTVHD trái phép hiện đang được rao bán, quảng cáo trên mạng xã hội (ví dụ thông qua Khóa đào tạo trực tuyến miễn phí về bảo vệ ĐTVHD, xem chi tiết bên dưới). Liên minh cũng tạo sân chơi để cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu có cơ hội chia sẻ những cách làm hay, những đề xuất tốt cũng như phối hợp chặt chẽ hơn để đấu tranh chống lại một hoạt động thương mại hàng cấm đang ngày càng gia tăng trên môi trường mạng.

47 thành viên của Liên minh

                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                

Khóa đào tạo trực tuyến miễn phí về bảo vệ ĐTVHD là một nền tảng trực tuyến cung cấp một cách có hệ thống các quy định pháp lý, thông tin, dữ liệu, hình ảnh và video mô phỏng về các loài ĐTVHD nguy cấp, quý, hiếm giúp người học có thể phân biệt được các loài này cũng như nhận biết được các sản phẩm của chúng để tránh được các rủi ro khi liên quan đến các hoạt động buôn bán và tiêu thụ ĐTVHD trái phép. Người học có thể củng cố kiến thức thông qua các trò chơi, các câu hỏi tình huống, các bài kiểm tra bằng hình ảnh. Khi hoàn thành đầy đủ các yêu cầu của khóa học, người học sẽ được cấp chứng chỉ xác nhận việc tham gia và hoàn thành khóa học.

(Hỗ trợ triển khai bởi Dự án “Bảo vệ Động vật Hoang dã Nguy cấp” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ).

Hình ảnh chụp từ màn hình khóa học trực tuyến: Trò chơi củng cố kiến thức của người học

Bảng 2: Thông tin về các vụ xét xử và hình phạt tiêu biểu đối với các đối tượng quảng cáo, rao bán ĐTVHD trái phép trên mạng Internet năm 2022

 

Thời gian

Nội dung

Hình thức xử phạt

23/06/2022

Công an huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện đối tượng Lê Viết Phát (trú tại buôn Dơng Bắk, xã Yang Tao, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) có hành vi buôn bán trái phép 0,38 kg vảy tê tê vàng và 03 móng gấu ngựa. Đối tượng Lê Viết Phát đã đăng tải rao bán các sản phẩm từ động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm trên tài khoản mạng xã hội Facebook, TikTok từ năm 2021.

Trong phiên tòa hình sự sơ thẩm vào ngày 18/11/2022, TAND huyện Lắk đã quyết định tuyên phạt đối tượng Lê Viết Phát 18 tháng tù, tuyên tiêu hủy toàn bộ tang vật là các sản phẩm của động vật hoang dã.

Ngày 06/02/2023, TAND tỉnh Đắk Lắk đã mở phiên tòa hình sự phúc thẩm trên cơ sở kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của đối tượng Lê Viết Phát và quyết định giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm, tuyên phạt đối tượng 18 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”.

11/10/2022

UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với đối tượng Phạm Hương Lan (SN 1984, trú tại huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang). Trước đó, đối tượng đã sử dụng tài khoản Facebook cá nhân tên Phạm Lan để quảng cáo rao bán các sản phẩm được chế tác từ ngà voi, móng gấu, cao khỉ và nhiều sản phẩm khác.

Mức phạt 77,5 triệu đồng về hành vi đăng tải quảng cáo sản phẩm ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm thuộc loại hàng hóa cấm kinh doanh theo quy định.

14/10/2022

UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối tượng Nguyễn Thị Bích Hậu (SN 1989, trú tại phường Đông Kinh, TP Lạng Sơn) về hành vi quảng cáo hàng cấm với các bài viết quảng cáo, rao bán mật gấu.

Mức phạt 85 triệu đồng về hành vi quảng cáo hàng cấm với các bài viết quảng cáo, rao bán mật gấu, vi phạm trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.

17/10/2022

UBND tỉnh Điện Biên cũng ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với đối tượng Nguyễn Thị Tuấn (trú trên địa bàn tỉnh Điện Biên) cho hành vi quảng cáo mật gấu trái phép trên nhiều tài khoản mạng xã hội Facebook khác nhau.

Mức phạt 70 triệu đồng cho hành vi quảng cáo mật gấu trái phép trên nhiều tài khoản mạng xã hội Facebook khác nhau

25/11/2022

TAND tỉnh Ninh Bình  đã xét xử và tuyên phạt Nguyễn Quyết Thắng (SN 1990, trú tại xã Phú Nghĩa, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình) về tội “vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”. Tháng 5.2022, Nguyễn Quyết Thắng có nuôi, nhốt 2 cá thể Culi trong lồng sắt nhỏ tại nhà. Thắng khai là bắt được ở rừng phía sau nhà. Mặc dù biết 2 cá thể Culi này là loài động vật nguy cấp, quý hiếm bị cấm săn bắt, nuôi nhốt, buôn bán, vận chuyển, nhưng vì hám lợi nên Thắng đã đăng Facebook để rao bán với giá 3,5 triệu đồng. Trên đường vận chuyển cho người mua, Thắng đã bị Tổ công tác của Công an thành phố Tam Điệp phát hiện và thu giữ 2 cá thể Culi trên

 

Mức phạt 13 tháng tù giam về tội “vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”. 

5/12/2022

TAND thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng) đã tuyên phạt bị cáo Hoàng Văn Tình (SN 1965), trú phường 2, Bảo Lộc về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”, quy định tại khoản 3 Điều 244 Bộ luật Hình sự do có hành vi tàng trữ trái phép 3 tiêu bản đầu bò tót, 1 tiêu bản đầu gấu ngựa, 1 tiêu bản vượn đen má vàng, 2 tiêu bản đầu sơn dương, 1 tiêu bản đầu mang lớn và nhiều bộ phận cơ thể động vật hoang dã khác tại nhà riêng.

Từ năm 2019, Hoàng Văn Tình đã có hành vi quảng cáo, buôn bán các sản phẩm ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm trên mạng xã hội.

Mức phạt 5 năm 6 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm”, quy định tại khoản 3 Điều 244 Bộ luật Hình sự


[1] Danh mục loài cấm  hoặc hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại - https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Tai-nguyen-Moi-truong/Nghi-dinh-84-2021-ND-CP-sua-doi-Nghi-dinh-06-2019-ND-CP-quan-ly-thuc-vat-rung-488788.aspx?anchor=chuong_pl_1

Viết bình luận của bạn